24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vũ Hải
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Dừng cho vay ngoại tệ: Doanh nghiệp cần dùng nhiều hơn công cụ phái sinh

Hiện nhiều ngân hàng đã cung cấp công cụ phái sinh để bảo đảm doanh nghiệp muốn mua ngoại tệ trong tương lai được cung cấp theo hợp đồng kỳ hạn.

Trước việc ngừng cho vay ngoại tệ theo lộ trình quy định trong Thông tư 42/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng để đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ, doanh nghiệp sẽ cần sử dụng nhiều hơn nữa công cụ phái sinh như: hợp đồng tương lai, hợp đồng có kỳ hạn... để giảm thiểu rủi ro tỷ giá.

Hiện nhiều ngân hàng đã cung cấp công cụ phái sinh để bảo đảm doanh nghiệp muốn mua ngoại tệ trong tương lai được cung cấp theo hợp đồng kỳ hạn. Công cụ này giúp giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp vì tỷ giá tương lai đã được xác định ngay từ đầu.

Theo vị chuyên gia này, việc ngừng cho vay ngoại tệ nằm trong lộ trình chống đô la hóa và đã được công bố sớm từ đầu năm nên các tổ chức tín dụng đã có sự chuẩn bị.

Nhìn chung, kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, lạm phát thấp và tỷ giá ổn định khiến cho niềm tin với đồng Việt Nam tăng cường, kéo theo việc găm giữ đô la hóa được kỳ vọng tiếp tục giảm nên sẽ không có khó khăn gì nhiều đối với cả các tổ chức tín dụng lẫn doanh nghiệp hiện nay.
Đánh giá về chính sách này, PGS.TS Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng việc hạn chế và chấm dứt tín dụng ngoại tệ đáng ra phải làm sớm hơn. Bởi tín dụng ngoại tệ tạo ra hoạt động kinh doanh không minh bạch do luôn có sự chênh lệch giữa lãi suất ngoại tệ và VND, các doanh nghiệp được vay đồng ngoại tệ chưa chắc đã thật sự có nhu cầu vay mà phần lớn dùng cách đó hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu do lãi suất vay bằng đồng ngoại tệ thường thấp hơn lãi suất vay bằng VND.

Bên cạnh đó, cũng theo PGS.TS Đặng Ngọc Đức, tín dụng ngoại tệ ít nhiều tạo ra hoạt động mua bán tại thị trường chợ đen khiến việc kiểm soát hoạt động mua bán ngoại tệ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Ngoài ra, nó còn tạo ra rủi ro về tỷ giá.

Ví dụ một doanh nghiệp được vay ngoại tệ sau đó bán đi dùng đồng nội tệ để sản xuất kinh doanh nhưng khi tỷ giá biến động, lợi nhuận thu về chưa chắc đã đủ bù biến động tỷ giá dẫn đến nợ xấu, nợ quá hạn...

Như vậy đối với ngân hàng, khi doanh nghiệp vay vốn bằng ngoại tệ thì lãi suất ngân hàng được hưởng là ít hơn so với vay bằng VND trong khi rủi ro tín dụng thì như nhau.
Một lý do khác được vị chuyên gia này đưa ra là tín dụng ngoại tệ còn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro với các ngân hàng thương mại nếu huy động vốn bằng ngoại tệ mà không cho vay được dẫn đến luồng luân chuyển vốn lòng vòng.

Hiện nay, các doanh nghiệp khi cần thanh toán bằng ngoại tệ hoàn toàn có thể vay bằng VND và sau đó mua ngoại tệ để thanh toán.

Tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn Lực, Ngân hàng Nhà nước cũng như các tổ chức tín dụng cần tạo một thị trường mua bán ngoại tệ có tính thanh khoản tốt hơn nữa, đồng thời đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của doanh nghiệp và người dân.
Đồng quan điểm này, PGS.TS Đặng Ngọc Đức nhận định thị trường ngoại hối sẽ phát triển hơn rất nhiều bởi ngân hàng được niêm yết và giao dịch 2 chiều, trong khi trước đây chủ yếu ngân hàng chỉ mua vào nên trạng thái ngoại tệ ròng luôn dương. Dù vậy, vấn đề quản lý, giám sát vẫn cần được thực hiện sát sao nhằm tránh tình trạng đầu cơ.

"Khi không còn tín dụng ngoại tệ thì mọi nhu cầu sẽ được thỏa mãn bằng thị trường ngoại hối nên không còn tình trạng thiếu minh bạch như trước", PGS.TS Đặng Ngọc Đức khẳng định.

Theo quy định của Thông tư 42/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24/2015/TT-NHNN, từ hôm nay 1/10, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ dừng cho vay ngoại tệ trung và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ nhằm phục vụ nhu cầu trong nước ngay cả khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh.

Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được xem xét quyết định cho vay bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công Thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu hàng năm để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu khi doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu không có hoặc không có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.

Trước đó, hoạt động cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước đã chấm dứt từ ngày 1/4/2019./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả