menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phan Hà Liên

Đừng biết rồi nhưng... vẫn vậy!

Vụ cháy ở phố Định Công Hạ mới đây tuy ngôi nhà nằm trên con phố lớn, nhưng vẫn có nhiều người tử vong, vì sao vậy?

Thời gian gần đây, ở địa bàn Thủ đô Hà Nội và các địa phương cả nước liên tục xảy ra những vụ cháy công trình xây dựng dân dụng (nhà ở riêng lẻ, chung cư mini...) gây thiệt hại nặng về tính mạng và tài sản của người dân.

Tất cả những vụ cháy này đều là trường hợp người dân kết hợp mô hình kinh doanh với nhà ở và cho thuê ở...

Hiểm họa đến từ chủ quan?

Khi cả nước bước vào mùa nắng nóng, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) lại rơi vào tình trạng “báo động đỏ”. Mặc dù cơ quan quản lý Nhà nước và các phương tiện thông tin đại chúng liên tục tuyên truyền, cảnh báo người dân về nguy cơ cháy nổ hiện hữu trong mùa nắng nóng, nhưng các vụ cháy vẫn cứ xảy ra và diễn biến theo chiều hướng tiêu cực ngày càng cao.

Chỉ tính riêng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, theo số liệu báo cáo từ Công an TP Hà Nội từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra hơn 200 vụ cháy. Trong đó, một số vụ cháy đã gây ra hậu quả thương tâm, không chỉ làm thiệt hại tài sản mà còn cướp đi sinh mạng của hàng chục người dân. Có thể kể đến như vụ cháy chung cư mini tại phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) vào ngày 24/5 làm 14 người tử vong, hay mới nhất vào ngày 16/6 công trình nhà ở riêng lẻ số 207 phố Định Công Hạ (quận Hoàng Mai) bị hỏa hoạn làm 4 người tử vong...

Hầu hết các vụ hỏa hoạn gây ra hậu quả thương tâm về người, tài sản này đều xảy ra ở những công trình nhà ở, kết hợp kinh doanh thương mại và cho thuê trọ.

Qua công tác kiểm tra, rà soát cho thấy, các vụ cháy trên địa bàn TP thời gian quan chủ yếu là do chập điện, hệ thống dây dẫn điện trong những loại nhà này không phù hợp với phụ tải, lắp đặt đấu nối sai kỹ thuật phục vụ việc kinh doanh và sinh hoạt; không có sự bảo trì, cải tạo hệ thống điện đã xuống cấp; treo mắc hàng hóa, vật dụng lên đường dây điện; để các loại hàng hóa, chất dễ cháy (gas, xăng, dầu, giấy, vải…) gần đường dây điện và các thiết bị sinh nhiệt như đèn, bếp điện, ổ cắm điện… nên khi có hỏa hoạn xảy ra thì sẽ nhanh chóng bùng phát trên diện rộng.

Đừng biết rồi nhưng... vẫn vậy!

Người dân cần thận trọng khi sử dụng thiết bị điện dễ gây hỏa hoạn trong những ngày nắng nóng.

Các loại nhà này được thiết kế, xây dựng theo kiểu nhà ống, chỉ có lối đi lại ở cửa chính đồng thời cũng là cửa thoát nạn, mà không có lối thoát nạn dự phòng và chuẩn bị các thiết bị PCCC, không có giải pháp ngăn cháy lan, chống khói... Đáng quan ngại, nhiều hộ kinh doanh còn tự ý cơi nới, cải tạo; lắp đặt biển quảng cáo có kích thước lớn, lắp đặt lồng sắt chống trộm bằng thép kiên cố ở khu vực ban công, những điểm có thiết kế cửa để tiếp cận với bên trong ngôi nhà thường được khóa chặt. Ngoài ra, các loại nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh chủ yếu nằm trong khu vực đông dân cư, nhà liền kề dẫn tới nguy cơ cháy lan cao; công tác tiếp cận để chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố gặp nhiều khó khăn…

“Vụ cháy ở phố Định Công Hạ mới đây tuy ngôi nhà nằm trên con phố lớn, nhưng vẫn có nhiều người tử vong, vì sao vậy? Tôi cho rằng, chúng ta nên nhìn thẳng vào vấn đề đó là công tác cấp phép xây dựng, quản lý PCCC của cơ quan chức năng còn lỏng lẻo; trong khi đó người dân cũng chưa thực sự quan tâm đến sự an nguy về tính mạng, tài sản của gia đình mình khi không trang bị đầy đủ công cụ để PCCC và cứu nạn trong trường hợp khẩn cấp. Hiểm họa này một phần đến từ sự chủ quan của chính chúng ta” - chuyên gia về quy hoạch đô thị, KTS Trần Tuấn Anh phân tích.

Siết chặt quản lý gắn với nâng cao trách nhiệm từ người dân

Hiện nay, với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh và hàng năm một lượng lớn dân cư từ các tỉnh tập trung về đô thị lớn để học tập, tìm việc làm tạo ra tình trạng quá tải lên cơ sở hạ tầng công cộng, dịch vụ. Đặc biệt là tình trạng thiếu chỗ ở, trước bối cảnh giá nhà đất ở các đô thị ngày càng leo thang, nên việc một lượng lớn người dân lao động, sinh viên buộc phải “nhồi nhét” vào những khu nhà ở chật chội, không bảo đảm chất lượng xây dựng, PCCC và thiếu cả tiện ích dịch vụ là điều không còn hiếm gặp, đặc biệt ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Số liệu thống kê từ Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho thấy, trên địa bàn TP này có trên 60.000 cơ sở nhà trọ hoặc nhà ngăn phòng cho thuê với tổng số trên 560.000 phòng trọ, nhưng chỉ có khoảng 42.200 cơ sở nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê thuộc diện quản lý Nhà nước về PCCC. Trong khi đó, tại Thủ đô Hà Nội chỉ tính riêng trong các khu công nghiệp với 2,5 triệu lao động, nhưng 80% phải đi thuê nhà trọ trong các khu dân cư... rõ ràng đây là những mối hiểm họa rất lớn về công tác PCCC.

“Trước những sự cố đau lòng xảy ra trong thời gian gần đây, thiết nghĩ phía cơ quan quản lý Nhà nước cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý cấp phép xây dựng và PCCC đối với các công trình xây dựng dân dụng. Song song với đó là người dân tự phải nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong việc bảo đảm an toàn PCCC, như: tạo lối thoát nạn khẩn cấp (cửa sổ, ban công, lối ra nhà bên cạnh...); bố trị thiết bị điện phù hợp với nhu cầu sử dụng; khu vực bán hàng cần sắp xếp hợp lý, không để tràn lan, cản trở lối thoát hiểm cửa chính, cầu thang hay gần với những nguồn nhiệt dễ gây cháy. Đặc biệt là cần chủ động trang bị những thiết bị PCCC cần thiết” - chuyên gia về quy hoạch đô thị, KTS Trần Tuấn Anh khuyến cáo.

Theo Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) Vũ Ngọc Anh, hiện nay hệ thống pháp luật về quản lý trật tự xây dựng và phòng, chống cháy nổ đã được quy định tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định chi tiết về PCCC đối với công trình nhà ở riêng lẻ, đây cũng là một trong những bất cập gây ra khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước.

“Đề nghị phía cơ quan quản lý Nhà nước về PCCC của Bộ Công an sớm hoàn thiện quy định chi tiết và có hướng dẫn thi hành những tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC ở các công trình nhà ở riêng lẻ được hình thành trong thời gian tới; và có giải pháp xử lý, khắc phục bất cập về công tác bảo đảm an toàn PCCC đối với công trình hiện hữu để nâng cao khả năng phòng cháy ở các công trình, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân” - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) Vũ Ngọc Anh kiến nghị.

Nguy cơ cháy nổ đang hiện hữu hàng ngày, đặc biệt là ở những khu đô thị lớn. Tôi cho rằng song song với việc phía cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn PCCC cho từng loại công trình xây dựng dân dụng, thì cần phải tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh thương mại kết hợp nhà ở, phòng trọ cho thuê, nhằm bảo đảm nghiêm ngặt quy định PCCC; tăng cường đầu tư các thiết bị hiện đại hỗ trợ công tác PCCC và cứu hộ, cứu nạn để có thể xử lý trong những trường hợp bất ngờ, phức tạp nhất. Cuối cùng đó là việc tuyên truyền để các tầng lớp Nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm về PCCC bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của bản thân và gia đình.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả