Đức tìm kiếm nguồn cung năng lượng mới ở châu Phi
Chuyến thăm châu Phi của Bộ trưởng Kinh tế Đức được xem là một phần trong nỗ lực tìm kiếm các nguồn năng lượng mới nhằm đảm bảo nguồn cung cho quốc gia này.
Ngày 4/12, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck bắt đầu chuyến công du 5 ngày tới Namibia và Nam Phi.
Chuyến thăm được xem là một phần trong nỗ lực tìm kiếm các nguồn năng lượng mới nhằm đảm bảo nguồn cung cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu trước sự thiếu hụt xảy ra liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.
Trong chặng dừng chân đầu tiên tại Thủ đô Windhoek của Namibia, Bộ trưởng Habeck cùng phái đoàn gồm 24 nhà lãnh đạo doanh nghiệp Đức sẽ ký thỏa thuận về sản xuất hydro xanh.
Phát biểu trước báo giới trước khi rời Berlin, Bộ trưởng Habeck khẳng định: “Namibia có những lợi thế rất lớn về vị trí địa lý so với châu Âu. Bờ biển Skeleton của Namibia ở Đại Tây Dương là nơi lý tưởng để sản xuất hydro xanh do có nhiều nắng và gió."
Gần đây, Công ty RWE của Đức và tập đoàn Hyphen Hydrogen Energy đã ký bản ghi nhớ, theo đó RWE có thể nhận tới 300.000 tấn amoniac xanh mỗi năm, một dẫn xuất hydro đặc biệt phù hợp để vận chuyển bằng tàu.
Theo kế hoạch, cuối tuần này, Bộ trưởng Habeck sẽ tham dự Hội nghị cấp cao Doanh nghiệp Đức-Phi tại Johannesburg cùng với Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa. Chuyến thăm châu Phi của ông Habeck là một phần trong sứ mệnh rộng lớn hơn của Chính phủ Đức nhằm thiết lập các liên minh năng lượng mới ở nước ngoài sau khi nguồn cung năng lượng cho Đức bị gián đoạn.
Trước đó, ông Habeck cũng đã tới Canada, Qatar và Na Uy trong nỗ lực bảo đảm nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Riêng Qatar đã đồng ý cung cấp LNG cho Đức theo thỏa thuận khí đốt kéo dài ít nhất 15 năm. Theo đó, tập đoàn năng lượng Qatar Energy và công ty ConocoPhillips đã nhất trí cung cấp 2 triệu tấn LNG mỗi năm tới Đức từ năm 2026.
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu, vốn phụ thuộc nặng nề vào nguồn khí đốt nhập khẩu của Nga trong nhiều năm, đã phải nỗ lực để tăng cường dự trữ khí đốt sau khi Nga cắt nguồn cung liên quan đến cuộc xung đột với Ukraine.
Chính phủ đã đặt mục tiêu các kho chứa khí đốt có thể đạt 95% công suất dự trữ vào tháng 11. Và mục tiêu này đã đạt được trước thời hạn từ giữa giữa tháng 10/2022.
Ngoài động lực tiết kiệm, các công ty và người tiêu dùng chú ý đến lời kêu gọi của chính phủ giảm tiêu thụ.
Kết quả trên đạt được một phần là nhờ nỗ lực của chính phủ trong việc tìm kiếm nguồn cung thay thế, đặc biệt là thông qua việc nhập khẩu LNG từ các quốc gia như Na Uy và Mỹ.
Liên quan đến việc nhập khẩu LNG, một dấu mốc quan trọng trong ngày 15/11 là Đức khánh thành kho tiếp nhận LNG nổi đầu tiên ở cảng phía Bắc Wilhelmshaven. Đây được coi là một bước quan trọng để bù đắp lượng khí đốt thiếu hụt sau khi Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt tới châu Âu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận