menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trần Bằng An

Đức tiếp tục tìm kiếm nguồn cung khí đốt không phải của Nga

Nhu cầu về LNG đã tăng cao ở châu Âu khi các quốc gia ở “cựu lục địa” tìm cách đa dạng hóa nguồn cung năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào khí đốt từ Nga.

Tập đoàn năng lượng SEFE thuộc sở hữu nhà nước Đức vừa ký một thỏa thuận với ADNOC, theo đó công ty của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) sẽ cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho Đức trong 15 năm.

Công ty Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) hôm 18/3 cho biết họ đã ký thỏa thuận cung cấp 1 triệu tấn LNG mỗi năm cho SEFE của Đức. LNG sẽ đến từ dự án Ruwais LNG của ADNOC và việc giao hàng dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2028. Giá trị của thỏa thuận không được tiết lộ.

“Khí đốt chiếm gần 1/4 mức sử dụng năng lượng sơ cấp của Đức, và chúng tôi mong muốn hỗ trợ những nỗ lực đa dạng hóa nguồn năng lượng của nước này”, bà Fatema Al Nuaimi, Phó Chủ tịch điều hành, quản lý kinh doanh hạ nguồn tại ADNOC, cho biết.

Nhu cầu về LNG đã tăng cao ở châu Âu kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2/2022, khi các quốc gia ở “cựu lục địa” tìm cách đa dạng hóa nguồn cung năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào khí đốt từ Nga.

Năm ngoái, ADNOC và Công ty điện lực RWE của Đức đã công bố chuyển lô hàng LNG đầu tiên từ UAE sang Đức. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu có kế hoạch sản xuất 80% điện năng bằng các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030.

Tuy nhiên, Berlin vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện trong nước. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), khí đốt tự nhiên, dầu thô và than đá chịu trách nhiệm tạo ra khoảng 80% nguồn cung năng lượng cho quốc gia Tây Âu vào năm 2022.

Đức tiếp tục tìm kiếm nguồn cung khí đốt không phải của Nga
Văn phòng của Tập đoàn SEFE (Đảm bảo năng lượng cho châu Âu) ở Berlin, Đức. Ảnh: Bloomberg

“Thỏa thuận cung cấp LNG này… đánh dấu sự khởi đầu của một chương mới”, ông Frederic Barnaud, Giám đốc Thương mại của SEFE, cho biết. “Chúng tôi mong muốn xây dựng hơn nữa mối quan hệ hiện có và cùng nhau khám phá các hoạt động phát triển năng lượng carbon thấp”.

Cuối năm ngoái, SEFE đã ký một thỏa thuận cung cấp khí đốt tự nhiên với Equinor, một trong những thỏa thuận cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất từ trước đến nay đối với gã khổng lồ năng lượng của Na Uy trị giá ước tính khoảng 55 tỷ USD.

Công ty Đức cũng có hợp đồng mua LNG từ nhà máy CP2 của Venture Global ở Louisiana, Mỹ. Tuy nhiên, hợp đồng này vẫn chưa được cấp phép trong bối cảnh Tổng thống Joe Biden tạm dừng các dự án xuất khẩu mới từ tháng 1, nhằm xem xét kỹ lưỡng tác động của các dự án mới đối với khí hậu, nền kinh tế và an ninh quốc gia của “xứ cờ hoa”.

SEFE – viết tắt của Securing Energy for Europe (Đảm bảo năng lượng cho châu Âu) – tiền thân là Gazprom Germania, một công ty con ở Đức của gã khổng lồ dầu khí quốc doanh Gazprom Nga.

Nằm dưới sự kiểm soát của Chính phủ Đức, SEFE chiếm 14% thị phần cung cấp khí đốt ở nước này và tham gia vào các hoạt động trên khắp các quốc gia thành viên EU khác. Công ty cũng sở hữu và vận hành khoảng 28% kho chứa khí đốt phục vụ thị trường Đức.

Đức tiếp tục tìm kiếm nguồn cung khí đốt không phải của Nga
Một phần của cơ sở lưu trữ khí đốt ở Rehden, Đức. Cơ sở này, từng thuộc sở hữu của một đơn vị của Gazprom Nga, nằm dưới sự kiểm soát của Chính phủ Đức từ cuối năm 2022. Ảnh: NY Times

Điện Kremlin đã cấm tất cả các công ty Nga giao dịch với SEFE sau khi tập đoàn này được thành lập vào giữa năm 2022, nhưng đã ban hành quyền miễn trừ tạm thời đối với nhà điều hành Yamal LNG do Novatek đứng đầu.

Gã khổng lồ LNG Nga có hợp đồng dài hạn với công ty Đức về cung cấp 2,9 triệu tấn loại khí siêu lạnh này hàng năm, tương đương khoảng 15% tổng sản lượng của dự án. Quyền miễn trừ ban đầu dự kiến sẽ hết hạn vào cuối năm nay, nhưng đã được Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin gia hạn đến năm 2040.

IEA dự kiến nhu cầu khí đốt toàn cầu sẽ tăng 2,5%, tương đương 100 tỷ m3 trong năm nay, so với mức tăng 0,5% vào năm 2023. Trong một báo cáo hồi tháng 1, cơ quan này cho biết thời tiết mùa đông lạnh hơn dự kiến vào năm 2024, so với nhiệt độ ôn hòa bất thường xảy ra vào năm ngoái, có thể dẫn đến nhu cầu sưởi ấm không gian trong các khu dân cư và thương mại tăng lên.

Trong khi đó, nguồn cung LNG được dự đoán sẽ tăng 3,5% trong năm nay – thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng 8% trong giai đoạn 2016-2020 – trong bối cảnh các nhà máy hóa lỏng mới bị trì hoãn và những thách thức liên quan đến nguồn khí nguyên liệu sẵn có tại các dự án hiện tại, IEA cho biết.

Minh Đức (Theo Oil Price, National News, Upstream Online)
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại