Đua với khối ngoại: Công ty chứng khoán nội nâng tầm
Trong 2 năm gần đây, khối công ty chứng khoán (CTCK) có vốn ngoại có sự bứt tốc về vốn điều lệ và quy mô hoạt động. Trong bối cảnh đó, các CTCK nội nỗ lực tìm hướng đi riêng để giữ chân khách hàng.
Chiến lược cạnh tranh của CTCK nội
Trong số hơn 10 CTCK ngoại đang hoạt động trên thị trường, có 5 công ty đạt quy mô vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng là Mirae Asset, KB Việt Nam, KIS, Yuanta và Maybank Kim Eng.
Trong Top 10 về thị phần môi giới, khối CTCK nội vẫn đang chiếm áp đảo, nhưng sự cạnh tranh với khối ngoại đang ngày một khốc liệt. Tất nhiên, cạnh tranh giữa các công ty nội với nhau không vì thế mà suy giảm.
Ông Vũ Ðức Tiến, Tổng giám đốc CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho biết, sự “lấn sân” của khối CTCK ngoại trong thời gian gần đây đã tạo không ít thách thức đối với khối nội, do họ có lợi thế nguồn vốn giá rẻ và quy mô.
Thực tế, các CTCK nội đã sớm nhìn thấy trước bức tranh này, sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 36, trong đó hạn chế tổ chức tín dụng cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán, khiến nhiều công ty phải xoay xở vốn bằng cách phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp.
Trong khi đó, CTCK ngoại được công ty mẹ là định chế tài chính lớn “bơm vốn” với chi phí thấp. Các CTCK trong nước còn đối mặt với thách thức giữ chân nhân sự giỏi, đặc biệt là nhân sự quản lý cấp trung và cấp cao, khi có sự chênh lệch đáng kể về mức thù lao so với CTCK ngoại.
Tuy nhiên, theo ông Tiến, đây là cơ hội để các CTCK nội rà soát toàn bộ hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả, phát triển các sản phẩm dịch vụ mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp của mỗi công ty.
Bản thân các CTCK nội cũng có những ưu thế nhất định, đó chính là bề dày kinh nghiệm, hiểu biết sâu về khẩu vị khách hàng và nếu có thêm sự hỗ trợ từ các chính sách mở cửa thu hút vốn thì với tư cách là trung gian luân chuyển vốn, các công ty sẽ phát triển bền vững hơn.
Trong chiến lược phát triển, nhiều CTCK luôn mong muốn đưa ra các chính sách ưu đãi, hướng tới nhóm khách hàng cá nhân, vốn là nhóm khách hàng chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường. Lãnh đạo CTCK Vietcombank (VCBS) cho biết, Công ty tập trung vào đối tượng khách hàng lẻ, nhóm khách hàng cá nhân nên dựa trên nhu cầu của nhóm khách hàng này để phát triển những sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp, dựa trên nghiên cứu kỹ lưỡng đặc điểm, kỳ vọng và nhu cầu của từng nhóm khách hàng.
Ông Nguyễn Tiến Thành, Tổng giám đốc CTCK Tân Việt (TVSI) chia sẻ, đối với lĩnh vực tài chính thì ưu thế về vốn là một trong những yếu tố trọng yếu để các CTCK triển khai sản phẩm, dịch vụ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, đáp ứng yêu cầu triển khai sản phẩm mới, mức độ an toàn vốn từ các cơ quan quản lý. Thế nên, các CTCK ngoại có được sự hậu thuẫn từ các định chế tài chính lớn hay nhà đầu tư ngoại rõ ràng có lợi thế trong cuộc đua này.
“Với TVSI, cho tới thời điểm này, chúng tôi cũng đã chứng tỏ được phần nào sự hiệu quả trong hoạt động kinh doanh và được cổ đông tin tưởng để tiếp tục nâng cao năng lực vốn, mở rộng hoạt động. Tôi cho rằng, số vốn hiện có đủ để TVSI chinh phục những mốc cao mới hoạt động trong kinh doanh”, ông Thành nói.
Tại TVSI, lợi thế cạnh tranh, thu hút khách hàng để đẩy mạnh mảng môi giới là các sản phẩm giao dịch ký quỹ được đáp ứng khá đa dạng, phù hợp với nhà đầu tư.
Ðơn cử, Công ty xây dựng sản phẩm giao dịch ký quỹ (margin) với các gói sản phẩm riêng biệt, phù hợp với khẩu vị của các nhà đầu tư từ đầu tư cổ phiếu giá trị, có tính dài hạn đến nhà đầu tư ưa thích lướt sóng hàng ngày. TVSI cũng đưa ra từng gói sản phẩm để phù hợp đối với mọi đối tượng khác hàng như các khách hàng có giao dịch linh hoạt, tần suất cao hàng ngày, hay nhà đầu tư theo các trường phái đầu tư giá trị.
Không ít CTCK trong nước đã “đi trước một bước” khi đưa ra các sản phẩm tư vấn, giao dịch bằng phần mềm robot tự động nhưng có tính tương tác cao như ứng dụng SmartRobo của CTCK VPS, hay IRA (Investment Robot Adviser) - hệ thống robot tư vấn đầu tư chứng khoán của TVSI, sản phẩm I-Invest của CTCK BIDV (BSC)...
Lãnh đạo VPS cho biết, bước vào thời kỳ công nghệ phát triển thì những CTCK tiên phong phát triển các phần mềm, ứng dụng công nghệ sẽ có lợi thế. Với các phần mềm giao dịch, nhà đầu tư có thêm nhiều thông tin hơn, thậm chí không phải mất công tìm kiếm nhiều ở các trang báo điện tử, cùng với đó là hỗ trợ tra cứu tài khoản, đặt lệnh, khuyến nghị, đây là những tiện ích mới so với phương pháp đầu tư truyền thống.
“Hiện tại có thể chưa phải là thời điểm để các sản phẩm robot bùng nổ, nhưng trong tương lai, xu hướng giao dịch bằng máy, từ việc tư vấn đến đặt lệnh giao dịch sẽ phổ biến. Lợi thế sẽ thuộc về những CTCK tiên phong đưa ra các sản phẩm này”, ông Vũ Ðức Long, Giám đốc Kinh doanh, VPS nói.
CTCK VNDIRECT thì nhìn nhận, những sản phẩm tư vấn đầu tư mới, những dịch vụ khách hàng thuận lợi cũng như kênh tiếp cận thông tin cho khách hàng hiệu quả sẽ là yếu tố quan trọng giữ chân khách hàng.
Mỗi CTCK có một thế mạnh riêng, các CTCK ngoại có lợi thế về vốn, nhưng dư địa mở rộng vốn đối với khối CTCK nội cũng không nhỏ, đặc biệt là tốp đầu, dựa trên uy tín và bề dày kinh nghiệm.
Tuy nhiên, khi Việt Nam cho phép thành lập các CTCK 100% vốn đầu tư nước ngoài thì phải chấp nhận cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn, nhưng chính sự cạnh tranh đó sẽ giúp các CTCK phát triển một cách thận trọng và chuyên nghiệp hơn.
Ðối với VNDIRECT, tính cạnh tranh đến từ dịch vụ và sản phẩm phù hợp với chiến lược đầu tư của từng môi giới và từng chiến lược tư vấn cho khách hàng thông qua các sản phẩm mới như chứng quyền có bảo đảm mà VNDIRECT là 1 trong 6 CTCK tham gia phát hành đợt đầu tiên.
Liên quan đến sản phẩm chứng khoán phái sinh, nhiều CTCK nội nâng cấp ứng dụng giao dịch, tăng thêm tiện ích cho nhà đầu tư như CTCK TP.HCM, CTCK VNDIRECT, VPS…
Cạnh tranh, nhà đầu tư thành… “VIP”
Nhà đầu tư Nguyễn Anh Dũng (Hà Nội) cho biết, cuộc cạnh tranh giữa các CTCK ngoại và nội khiến mỗi công ty đều phải nỗ lực để tạo ra các sản phẩm tốt, hỗ trợ cho khách hàng. Sự góp mặt của các CTCK ngoại tạo ra giá trị gia tăng cho nhà đầu tư, đặc biệt là ưu đãi về lãi suất cho vay, phí giao dịch…
“Với các khoản đầu tư cần sự hỗ trợ vốn lớn, mức lãi suất thấp hơn 3 - 5%/năm thu hút nhiều nhà đầu tư, mang lại lợi thế nhất định đối với CTCK ngoại”, anh Dũng nhận xét.
Nhà đầu tư Vũ Mạnh Ðức cho rằng, hiện nay, luật không giới hạn nhà đầu tư mở nhiều tài khoản nên có thể mở tại nhiều CTCK để tận dụng các ưu đãi, thế mạnh của từng công ty. Tuy nhiên, không phải phí thấp, lãi vay thấp là thu hút được khách hàng, mà chính là chất lượng tư vấn.
“Sự cạnh tranh giữa các CTCK là điều kiện để nâng cao chất lượng dịch vụ, quan tâm đến khách hàng hơn”, anh Ðức nói.
Hiện tại, nhóm CTCK trong nước vẫn đang chiến ưu thế về thị phần, hiệu quả hoạt động lẫn quy mô khách hàng. Trong khi nhiều CTCK cạnh tranh bằng việc miễn, giảm phí môi giới sau khi Bộ Tài chính bỏ quy định về mức phí môi giới sàn 0,15%, hay ưu đãi cho các tài khoản mới mở thì các công ty dẫn đầu như SSI, HSC, VCSC, VNDIRECT… cho biết, công ty không chọn cách chạy đua về giảm phí, giảm lãi suất margin, mà tập trung phát triển chất lượng sản phẩm, dịch vụ tư vấn.
“Là tổ chức kinh doanh thì phải thu phí, lợi nhuận giúp Công ty tái đầu tư hệ thống công nghệ, khi hệ thống phần mềm liên tục được cải tiến cũng chính là duy trì năng lực cạnh tranh khi các công ty liền kề có nhiều chiêu thức cạnh tranh mới”, tổng giám đốc một CTCK tại Hà Nội chia sẻ về định hướng cạnh tranh, nhưng tỏ quan ngại với “cánh tay” ngày càng dài của khối CTCK ngoại.
“Tôi nghĩ, các CTCK lớn có lợi thế hơn trong cuộc đua này, còn các CTCK vừa và nhỏ, nguy cơ bị mất thị phần ngay trên sân nhà hoàn toàn có thể xảy ra, nếu không có lối đi riêng phù hợp”, vị tổng giám đốc trên nói.
Đại diện TVSI nhận xét, áp lực cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ từ nhóm các CTCK có vốn đầu tư nước ngoài với tiềm lực tài chính; sự giành giật về thị phần và cạnh tranh về giá dịch vụ khi những quy định về mức phí tối thiểu đã được dỡ bỏ, đang là những thách thức đối với các CTCK nội.
Tuy nhiên, đó cũng là cơ hội cho các CTCK nội đầu tư bài bản về con người, công nghệ, sản phẩm, dịch vụ linh hoạt và tiềm lực tài chính vững mạnh có sự bứt phá trong giai đoạn tới.
Nắm bắt được xu hướng tất yếu này, năm 2018, TVSI đã tăng vốn điều lệ lên hơn 1.000 tỷ đồng nhằm tăng quy mô vốn cho các hoạt động của Công ty và triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới.
Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin tiếp tục được đầu tư nâng cấp, đồng bộ hóa hệ thống phần mềm giao dịch trên mọi nền tảng, bước đầu áp dụng công nghệ 4.0 trong xử lý dữ liệu khách hàng và giao dịch, robo tư vấn đầu tư chứng khoán tự động (IRA)... Tháng 9/2019, TVSI sẽ ra mắt sản phẩm chứng khoán phái sinh, theo đó, cung cấp đầy đủ các sản phẩm, dịch vụ đầu tư chứng khoán.
Sáng tạo, nhạy bén trong hoạt động kinh doanh, am hiểu thị trường và khách hàng là điều kiện tiên quyết để TVSI tiếp tục phát triển trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh. Chú trọng xây dựng một cơ cấu quản trị và vận hành chuyên sâu nhưng linh hoạt, tích cực tạo thêm những giá trị gia tăng, làm tiền đề cho các kế hoạch phát triển tiếp theo, đó chính là “chất riêng” mà TVSI đã và đang trang bị cho giai đoạn phát triển mới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận