Đưa Hải Phòng thành đầu mối logistics khu vực
Là cửa ngõ của khu vực phía Bắc và cả nước, thông thương với các nước trong khu vực và thế giới, Hải Phòng có nhiều cơ hội để trở thành trung tâm logistics của khu vực, đặc biệt khi lưu lượng hàng hóa thông qua đây luôn tăng trưởng ở mức cao.
Năm 2018, sản lượng hàng hoá thông qua cảng biển Hải Phòng ước đạt 109 triệu tấn (tăng 18,44%). Trong giai đoạn 2011-2017, tốc độ tăng trưởng của logistics ước đạt 18%÷23%/năm; tỷ trọng đóng góp vào GRDP của thành phố từ 10%÷15%.
Bên cạnh lợi thế về địa kinh tế, địa chính trị thì Hải Phòng còn có hệ thống hạ tầng giao thông được kết nối liên hoàn và khá đồng bộ như Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi được kết nối thuận tiện với đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, với hệ thống đường sắt quốc gia và với hệ thống giao thông đường thủy nội địa; cùng với đó là hệ thống dịch vụ hậu cần sau cảng được đầu tư khá bài bản như bãi container, kho ngoại quan, kho CFS và lực lượng các loại hình vận tải đa phương thức rất phong phú…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Thành cho biết, với mục tiêu trở thành đầu mối logistics khu vực, thành phố Hải Phòng đã quy hoạch 6 trung tâm dịch vụ logistics có tổng diện tích 306 ha với chức năng vận tải, kho bãi, đóng gói, xếp dỡ hàng hóa, vận tải hàng không, kho bãi giao nhận hàng không, thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó cơ sở hạ tầng logistics của thành phố đã được triển khai một cách đồng bộ. Cụ thể, về kết cấu hạ tầng giao thông trong các năm 2017 và 2018, thành phố Hải Phòng đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các chủ đầu tư dự án đẩy nhanh tiến độ, đưa vào khai thác sử dụng một số dự án giao thông quan trọng nhằm kết nối với các trung tâm logistics Lạch Huyện, Nam Đình Vũ, Tràng Duệ, VSIP.
Ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cũng thông tin thêm, tổng diện tích kho, bãi đạt khoảng 701,14 ha với khoảng hơn 60 kho bãi chính bao gồm hệ thống kho bãi tại các cảng biển, kho ngoại quan; hệ thống kho bãi tại các điểm thu gom hàng lẻ, địa điểm kiểm tra tập trung và hệ thống kho chứa hàng hóa thông thường và kho lạnh khác. Bên cạnh đó, hệ thống cảng biển của thành phố bao gồm khoảng 40 cảng lớn nhỏ và hơn 20 bến cảng với các chức năng khác nhau, như vận tải chất hóa lỏng (xăng, dầu, khí đốt), bến cảng đóng tàu, bến cho tàu vận tải đường thủy nội địa nhỏ.
Thống kê sơ bộ đến nay, Hải Phòng có khoảng 188 DN vận tải biển, 680 tàu vận tải các loại, tổng trọng tải 3.669.128 DWT, chiếm 32% số lượng tàu, 41% tổng số tấn trọng tải của đội tàu Việt Nam, trong đó có tàu trọng tải lớn đến 53.000 DWT, số lượng phương tiện vận tải hàng hóa đường bộ hiện có 170.550 phương tiện trong đó 16.078 đầu kéo, 16.543 rơ moóc, 77.437 xe tải.
Tuy nhiên, hoạt động logistics của Hải Phòng chủ yếu tập trung ở công tác vận chuyển, đưa rút hàng khỏi cảng, là một trong những khâu tạo ít giá trị gia tăng nhất trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics. Dịch vụ vận tải đường bộ được cung cấp bởi hàng trăm DN (phần lớn có quy mô vừa và nhỏ) trên địa bàn thành phố đã gây ra nhiều bất cập như cạnh tranh thiếu lành mạnh, khai thác chưa thực sự hiệu quả.
Bên cạnh đó, chi phí vận tải còn cao do tổ chức vận tải chưa hợp lý, tổ chức giao nhận, các thủ tục hành chính còn rườm rà, chất lượng dịch vụ kho bãi thấp. Hệ thống đường sắt cũ, lạc hậu, chưa kết nối vào các khu vực mới đầu tư xây dựng như cảng Đình Vũ, cảng cửa ngõ Quốc tế Hải Phòng…
Hệ thống đường thủy nội địa lại chưa phát huy được vai trò hỗ trợ đường bộ do chưa đủ điều kiện tổ chức vận tải container theo các tuyến sông quốc gia vùng Đồng bằng sông Hồng. Hệ thống giao thông kết nối đưa rút hàng khỏi cảng biển vẫn phụ thuộc nhiều vào đường bộ (chiếm trên 80% khối lượng hàng) không tạo sự linh hoạt, mức độ rủi ro cao và chưa tận dụng hết lợi thế của các phương thức vận tải khác.
“Hệ thống hạ tầng logistics chưa có các khu dịch vụ logistics quy mô lớn hỗ trợ khai thác hệ thống cảng biển. Các khu kho hàng, bến bãi dịch vụ vệ tinh chưa được quy hoạch, phát triển tự phát, nhỏ lẻ bám theo các cảng, chưa gắn kết với các cảng cạn tại khu vực hậu phương, các trung tâm sản xuất tiêu thụ hàng hóa chủ yếu. Các dự án logistics trong khu công nghiệp, khu kinh tế còn nhỏ lẻ, phân bổ chưa đồng đều, tập trung chủ yếu tại Khu công nghiệp Đình Vũ và Khu công nghiệp Minh Phương Đình Vũ. Việc tập trung nhiều dự án logistics tại một khu vực dẫn đến tình trạng DN không tận dụng và khai thác hết được thế mạnh của các khu công nghiệp khác như: Nomura, Tràng Duệ, Đồ Sơn, An Dương...”, ông Tùng chia sẻ.
Trước thực trạng này, ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, Hải Phòng cần đầu tư đồng bộ hạ tầng theo hướng hiện đại, thu hút DN mạnh trong lĩnh vực logictics, đẩy mạnh cải cách, hỗ trợ DN; cùng với đó phải quan tâm thu hút, đào tạo nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực logistics.
Ông Nguyễn Duy Minh - Tổng Thư ký Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, Hải Phòng cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho một trung tâm logicstics phát triển với các chính sách khuyến khích hỗ trợ hoạt động logistics như giải phóng mặt bằng, miễn giảm thuê đất đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trung tâm logistics. Giảm thuế nhập khẩu trang thiết bị máy móc phục vụ hoạt động tại trung tâm logistics mà trong nước chưa sản xuất được…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận