24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Ngọc Trân
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Dự trữ ngoại hối suy giảm: Mối nguy với đồng tiền các nền kinh tế mới nổi châu Á

Thái Lan chứng kiến mức sụt giảm dự trữ ngoại hối mạnh nhất nếu tính theo tỷ lệ %/GDP, tiếp sau đó là Malaysia và Ấn Độ.

Dự trữ ngoại hối của nhiều ngân hàng trung ương các nền kinh tế mới nổi khu vực châu Á đang trong xu hướng giảm, làm gia tăng quan ngại các quốc gia này sẽ hạn chế các giải pháp can thiệp thị trường, vốn được áp dụng trong suốt thời gian qua nhằm ngăn chặn tình trạng mất giá của đồng tiền nội địa trước sự mạnh lên của đồng USD.

Chỉ dấu đo lường sức mạnh ngoại hối, được tính toán thông qua số tháng mà một quốc gia có thể chi trả toàn bộ chi phí hàng hóa nhập khẩu với lượng ngoại tệ sẵn có của họ, đã giảm xuống trung bình 7 tháng đối với các nền kinh tế mới nội tại châu Á (ngoài Trung Quốc). Đây chính là ngưỡng thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, theo Standard Chartered. Đầu năm nay, chỉ số này ở ngưỡng 10 tháng trong khi tại thời điểm tháng 8/2020, con số này là 16. Điều này phản ánh dư địa chính sách mà các quốc gia này dùng để hỗ trợ đồng tiền nội địa ngày một thu hẹp.

“Đà sụt giảm cho thấy sự dư địa can thiệp của các ngân hàng trung ương nhằm hỗ trợ đồng tiền nội địa ngày một thu hẹp”, Divya Devesh, Trưởng nhóm nghiên cứu ngoại tệ khu vực Đông Nam Á và Nam Á tại Standard Chartered, Singapore, nhận định. “Chúng tôi dự báo chính sách ngoại hối của các ngân hàng trung ương sẽ mang ít tính hỗ trợ hơn trước”.

Dự trữ ngoại hối suy giảm: Mối nguy với đồng tiền các nền kinh tế mới nổi châu Á
Sụt giảm dự trữ ngoại hối tính theo %/GDP của một số nền kinh tế mới nổi. Ảnh: Bloomberg.

Thái Lan chứng kiến mức sụt giảm dự trữ ngoại hối mạnh nhất nếu tính theo tỷ lệ %/tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tiếp sau đó là Malaysia và Ấn Độ, theo dữ liệu thu thập bởi Bloomberg. Dự trữ ngoại hối của quốc gia đông dân thứ hai thế giới đủ phục vụ hoạt động nhập khẩu trong 7 tháng, trong khi Indonesia là 6 tháng, Philippines là 8 tháng và Hàn Quốc là 7 tháng, theo Standard Chartered.

Các ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế mới nổi châu Á phụ thuộc vào dự trữ ngoại hối để bảo vệ giá trị đồng tiền của họ trước đà tăng giá của đồng bạc xanh trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết liệt siết chặt chính sách tiền tệ, kéo dòng vốn đổ vào nền kinh tế số một thế giới. Nếu như dư địa can thiệp thị trường của các ngân hàng trung ương bị hạn chế, áp lực giảm giá trị đồng tiền nội địa có thể tiếp tục gia tăng với một số đồng tiền đã thiết lập đáy mới trong nhiều năm so với đồng USD thời gian gần đây.

Chiến lược can thiệp thị trường của các ngân hàng trung ương có thể sẽ thay đổi từ hướng bán ra sang mua vào khi mối quan tâm của họ chuyển từ kiểm soát lạm phát thông qua đường hàng hóa nhập khẩu sang cải thiện lợi thế cạnh tranh xuất khẩu hàng hóa nếu như hoạt động xuất khẩu hàng hóa tại lục địa vàng suy yếu, Devesh nhận định.

Dự trữ ngoại hối suy giảm: Mối nguy với đồng tiền các nền kinh tế mới nổi châu Á
Các đồng tiền nội địa của một số nền kinh tế mới nổi suy yếu trước đồng USD. Ảnh: Bloomberg.

Nếu như coi sụt giảm dự trữ ngoại hối là thước đo mức độ can thiệp thị trường, Ấn Độ và Thái Lan là những quốc gia quyết liệt nhất với mức giảm tương ứng 81 tỷ USD và 32 tỷ USD từ đầu năm nay. Tại Hàn Quốc, dự trữ ngoại hối giảm 27 tỷ USD, Indonesia giảm 13 tỷ USD và Malaysia giảm 9 tỷ USD.

Một phần đà sụt giảm bắt nguồn từ thực tế sức mạnh của đồng USD làm suy giảm giá trị của các ngoại tệ khác trong kho dự trữ.

“Với tốc độ sụt giảm hiện tại, Thái Lan, Philippines, Ấn Độ và Indonesia là những quốc gia đáng ngại nhất. Rủi ro đối với Malaysia cũng cao hơn trước”, theo Vishnu Varathan, Trưởng nhóm chiến lược, kinh tế tại Mizuho Bank, Singapore.

Hiện tại, vị thế của các quốc gia mới nổi tại châu Á tốt hơn nhiều so với các giai đoạn khủng hoảng trước khi họ tập trung tích trữ ngoại tệ phòng trường hợp khẩn cấp. Nhà đầu tư cũng bắt đầu quay trở lại các thị trường này trong một vài tháng gần đây với sự lạc quan về triển vọng tăng trưởng, động thái hỗ trợ chính sách và tiềm năng sinh lời.

Quan chức các ngân hàng trung ương trong khu vực cũng liên tục phát đi tín hiệu về khả năng duy trì giải pháp can thiệp thị trường. Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda trong tuần trước bày tỏ quan ngại về diễn biến gần đây của đồng yên. Người đứng đầu Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ Shaktikanta Das cho biết cơ quan này sẽ kiểm soát chặt chẽ thị trường ngoại hối trong khi phía Ngân hàng trung ương Hàn Quốc khẳng định rằng họ sẽ chủ động thực hiện các giải pháp ổn định thị trường.

“Các ngân hàng trung ương bị dồn vào thế khó”, Varathan chia sẻ. “Đồng USD tăng giá, rủi ro suy thoái và lạm phát cao đồng nghĩa với việc các ngân hàng trung ương kinh tế mới nổi khu vực châu Á sẽ đón nhận thêm những khó khăn trong thời gian tới”, ông nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả