Dù thống trị thị trường dầu ăn, nhưng KIDO vẫn phải lưu ý đặc thù của ngành hàng này
Với việc nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp tỷ lệ cổ phần chi phối tại tất cả các doanh nghiệp dầu ăn lớn nhất Việt Nam, KIDO đang tỏ rõ lợi thế so với đối thủ ngoại, song áp lực cạnh tranh vẫn rất gay gắt.
Cạnh tranh khốc liệt
Tập đoàn KIDO vừa đưa ra báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2019. Bên cạnh mảng kem lạnh gần như đứng đầu thị trường, thì ngành dầu ăn liên tiếp sụt giảm.
Trong 3 công ty thành viên của KIDO là Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An (TAC), Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam - Vocarimex (mã VOC), Công ty Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè (GHNB), thì duy nhất Golden Hope Nhà Bè sau nhiều năm lỗ, nay đã có lãi, còn lại thì Dầu thực vật Tường An và Vocarimex đang gặp khó.
Cụ thể, Tường An với doanh thu thuần đạt 869 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân chủ yếu do có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty tại phân khúc dầu phổ thông và dầu xá (dầu đựng trong can nhựa lớn, giá rẻ). Tường An tiếp tục thực hiện chiến lược chủ động giảm sản lượng tiêu thụ của phân khúc này khi hiệu quả và biên lợi nhuận chưa được cải thiện.
Lợi nhuận gộp quý II/2019 của Tường An là 140,7 tỷ đồng, tăng 32,4% (tương đương 34 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2018 và mức biên lợi nhuận cũng tăng lên 16,2% do gia tăng doanh thu của các nhóm hàng với mức lợi nhuận cao như nhóm chuyên biệt tăng 45,9%, nhóm cao trung cấp tăng 4,1% và nhóm margarine tăng 17,4%. Ngoài ra, nhóm sản phẩm thương mại cũng bắt đầu tăng, khi doanh thu tăng trưởng 27,8%.
Điều này đã giúp Tường An đạt 30 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý II/2019, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận trước thuế theo đó cũng tăng từ 0,4% lên 3,5%.
Ngoài việc tiếp tục theo đuổi chiến lược tập trung đẩy mạnh phát triển những sản phẩm dầu ăn có lợi nhuận cao, Tường An sẽ triển khai phát triển nhóm thực phẩm đóng gói khi bước đầu đã đạt được những kết quản khả quan.
Đối với Vocarimex, doanh thu thuần đạt 694 tỷ đồng, giảm 35,21% so với cùng kỳ năm 2018, do tiếp tục cạnh tranh giữa các công ty và giá dầu ăn trên thị trường sụt giảm.
Lợi nhuận gộp quý II/2019 của Vocarimex đạt 6 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ năm 2018 do doanh thu giảm, giá vốn hàng tồn kho cao.
Quý II/2019, Vocarimex đạt 34 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đạt 5% (tương đương cùng kỳ năm 2018). Để đạt chỉ tiêu lợi nhuận năm 2019, Vocarimex sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển kênh xuất khẩu và gia tăng khách hàng công nghiệp mới, nhằm cải thiện doanh thu và lợi nhuận.
Tập trung vào phân khúc sản phẩm cao cấp
Mặc dù các chỉ số kinh doanh đang sụt giảm, nhưng đại diện KIDO cho rằng, sau thời gian đầu tư mua bán - sáp nhập (M&A) vào ngành dầu, giờ là lúc KIDO ra tay cơ cấu lại các dòng sản phẩm để đem lại biên lợi nhuận cao hơn. Theo đó, KIDO tập trung vào phân khúc sản phẩm cao cấp trong bán lẻ, ít chịu sự cạnh tranh, thay vì phân khúc bình dân như trước đây.
Giới phân tích cho rằng, ngành dầu ăn đang ghi nhận sự chi phối của các doanh nghiệp nội địa. Nhận định trên được đưa ra sau khi KIDO chi hơn 2.000 tỷ đồng cho hàng loạt thương vụ M&A với tham vọng chiếm lĩnh ngành hàng đầy tiềm năng này.
Hiện tại có khoảng 40 doanh nghiệp kinh doanh trong ngành dầu ăn với quy mô thị trường ước đạt 30.000 tỷ đồng/năm. Cơ hội tăng trưởng ngành rất cao khi tiêu thụ dầu ăn bình quân ở Việt Nam là 9,5 kg/người/năm, vẫn thấp so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 13,5 kg/người/năm. Bộ Công thương ước tính, nhu cầu tiêu thụ dầu ăn của Việt Nam sẽ ở mức 16,2 kg/người/năm vào năm 2020.
Mặc dù có khá nhiều thương hiệu dầu ăn trên thị trường, nhưng trên thực tế, thị phần chỉ rơi vào tay một số thương hiệu được chi phối bởi những “ông lớn”.
KIDO đang chiếm 51% vốn cổ phần tại Vocarimex. Trong khi đó, Vocarimex chiếm 24% tại Cái Lân, 49% tại Golden Hope Nhà Bè (KIDO nắm 51%), 26,54% tại Tường An (KIDO nắm 61,9%); 17,84% tại Tân Bình. Như vậy KIDO đã nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp tỷ lệ cổ phần chi phối tại tất cả các doanh nghiệp dầu ăn lớn nhất.
Hiện 3 doanh nghiệp dẫn đầu ngành dầu ăn là Tường An, Cái Lân và Nhà Bè. Trong đó, Cái Lân (Calofic) chiếm tới gần 40% thị phần với các nhãn hàng quen thuộc như Neptune, Simply, Meizan… Đứng thứ 2 là Tường An với 20%, thứ 3 là Golden Hope Nhà Bè với 11%.
Điều này cho thấy, doanh nghiệp nước ngoài đang lép vế so với doanh nghiệp nội địa khi các doanh nghiệp trong nước chiếm hơn 80% thị phần. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh vẫn rất gay gắt do dầu ăn là sản phẩm có khả năng thay thế, độ co giãn của cầu theo giá cao nên chỉ cần một chút biến động giá đủ để dẫn đến sự thay đổi hành vi người tiêu dùng.
Đồng thời, công nghệ sản xuất dầu ăn không quá phức tạp, chủ yếu là phối trộn các loại nguyên liệu rồi đóng chai đem bán. Vì vậy, các doanh nghiệp phải đầu tư mạnh cho quảng cáo mới bán được hàng.
Người tiêu dùng đã quá quen thuộc với các sản phẩm hiện tại, nên muốn gia nhập vào ngành dầu ăn, các doanh nghiệp trong và ngoài nước cần nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng trước khi dấn thân vào cuộc chiến này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận