Dự thảo luật PPP nên ‘khai tử’ hình thức BT
Cho rằng hình thức đổi đất lấy hạ tầng (BT) là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, nhiều ý kiến đề xuất dự thảo luật PPP nên “khai tử” loại hợp đồng này.
Gần đây, Thanh Niên phản ánh vụ việc UBND TP.Hải Phòng đã chỉ định thầu cho CTCP Đầu tư dịch tài chính Hoàng Huy (Công ty Hoàng Huy) triển khai các dự án cải tạo chung cư cũ theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).
Trong đó, đáng chú ý có dự án cải tạo chung cư cũ HH3, HH4 (P.Đồng Quốc Bình, Q.Ngô Quyền). Với dự án này, Công ty Hoàng Huy đã được UBND TP.Hải Phòng ưu tiên giao cho 99 ha đất sạch, vị trí đắc địa. Sau đó, phía Công ty Hoàng Huy đã đầu tư nhiều dự án bất động sản như trung tâm thương mại, khu đô thị, nhà liền kề, biệt thự.
Đáng nói, mức giá mà UBND TP.Hải Phòng phê duyệt khi giao đất chỉ khoảng 3,8 triệu đồng/m2, còn giá mà nhà đầu tư sau đó bán các sản phẩm trên lô đất này lên tới hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng/m2.
Trong năm 2019, Kiểm toán nhà nước cũng thực hiện kiểm toán 28 dự án BT tại các địa phương và phát hiện nhiều vi phạm. Cụ thể, theo Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2019 vừa được Kiểm toán nhà nước gửi tới Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, hầu hết các dự án đều chỉ định nhà đầu tư; có dự án chỉ định nhà đầu tư sau khi triển khai thi công dự án; các dự án chủ yếu do nhà đầu tư đề xuất và đưa vào danh mục đầu tư, chuyển đổi hình thức đầu tư dự án từ sử dụng vốn ngân sách nhà nước sang PPP và dự án do nhà đầu tư đề xuất không lấy ý kiến các bộ, ngành theo quy định.
Bên cạnh đó, một số dự án lựa chọn nhà đầu tư hạn chế năng lực tài chính nên phải thay đổi từ hình thức thanh toán bằng đất sang bằng tiền như Dự án xây dựng đường kết nối với cầu Phú Mỹ tại TP.HCM.
Tại Hà Nội, hầu hết các dự án xác định tổng mức đầu tư ban đầu lớn hơn nhiều so với giá trị thực tế triển khai như Dự án xây dựng tuyến đường từ đê Ngọc Thụy đến khu đô thị mới Thượng Thanh, Q.Long Biên giảm dự toán 69,2 tỉ đồng, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng giảm 754,3 tỉ đồng; Dự án xây dựng đường 2,5 đoạn Đầm Hồng - QL1A giảm 251,4 tỉ đồng...
Thậm chí, một số địa phương (Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hưng Yên) giao đất cho nhà đầu tư thanh toán dự án BT khi đã có văn bản tạm dừng của Bộ Tài chính. Một số địa phương giao đất thanh toán cho dự án BT chưa phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất trước khi dự án BT hoàn thành không đúng quy định và giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án đối ứng không qua đấu giá theo quy định của luật Đất đai 2013; xác định đơn giá đất chưa phù hợp...
Cụ thể, Khánh Hòa xác định đơn giá đất ở 623.777 đồng/m2, đất thương mại dịch vụ thuê 50 năm giá 173.481 đồng/m2 tại dự án Dự án Hệ thống thoát mước mưa (giai đoạn 2), Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh và đơn giá 459.000 đồng/m2 tại dự án Dự án Hệ thống tuyến đường nhánh (Giai đoạn 2), Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh để tính toán quỹ đất hoàn vốn cho nhà đầu tư. Đơn giá này thấp hơn rất nhiều so với đơn giá tạm tính quỹ đất hoàn vốn 2.000.000 đồng/m2 của dự án này theo đơn giá đất kinh doanh phi nông nghiệp (bảng giá đất năm 2011 của tỉnh Khánh Hòa).
Thông qua kết quả kiểm toán 28 dự án BT, Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý 5.058,4 tỉ đồng. Trong đó, tăng thu ngân sách nhà nước 112,4 tỉ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 1.260,2 tỉ đồng; xử lý khác 1.316,1 tỉ đồng; thu hồi nộp ngân sách nhà nước thanh toán vượt giá trị dự án BT 355,5 tỉ đồng, giảm giá trị hợp đồng BT 2.014,2 tỉ đồng.
Mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng
Luật sư Nguyễn Tiến Lập, thành viên Văn phòng luật NHQuang & Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), cho rằng vừa qua nhiều dự án BT được triển khai theo hình thức “đổi đất lấy hạ tầng” gắn với nhiều hệ lụy tiêu cực, như móc ngoặc, tham nhũng, trục lợi chính sách. Thực tế này khiến dư luận bức xúc và gọi BT là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng.
Theo luật sư Lập, dự thảo luật PPP nên loại bỏ BT ra khỏi các hình thức đầu tư PPP, bởi về bản chất, đây là hình thức mua sắm công thông thường mà Nhà nước không thanh toán bằng tiền mặt, có chăng là thanh toán sau mà không cần ứng trước. Như vậy, bản chất vẫn là chi tiêu công thông qua đầu tư, và là một cách “lách” luật Ngân sách và luật Đầu tư công.
Khuyến nghị chính sách của Tổ chức Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cũng cho rằng, về bản chất, BT không phải là một hình thức PPP bởi không mang các đặc điểm cốt lõi của PPP như: không đặt trọng tâm vào cung cấp dịch vụ công; không mang đặc tính chia sẻ rủi ro giữa nhà nước - nhà đầu tư; không tiếp cận theo vòng đời dự án.
Dự thảo luật PPP được thảo luận tại Quốc hội ngày 29.5 tới vẫn quy định BT là một hình thức đầu tư PPP. Theo đánh giá của ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS), dù Bộ kế hoạch - Đầu tư đã nỗ lực để đề xuất giải pháp kỹ thuật “đấu giá đồng thời” dự án BT và tài sản thanh toán như đất đai, nhưng “giải pháp này rất khó triển khai trên thực tế”.
“Quốc hội nên coi làm luật PPP là dịp tốt để quyết tâm khai tử BT và nỗ lực thực hiện cách làm mới để khai thác hiệu quả và minh bạch quỹ đất và công sản ở địa phương, lấy tiền cho dự án hạ tầng”, ông Đồng đề xuất.
Đất đai và công sản, theo Viện trưởng IPS, nên được đấu giá công khai, cạnh tranh, minh bạch. “Tiền đó đưa vào dòng ngân sách riêng, dưới dạng Quỹ tài trợ cho dự án hạ tầng. Không nên tham lam xử lý vấn đề đó ngay trong luật này, mà cần sửa ở các văn bản khác, nhưng cần khai tử BT để địa phương quyết tâm theo đuổi cách làm mới, khó hơn nhưng hiệu quả hơn, thay vì hái quả ở cành thấp như BT”, ông nói.
Kiểm toán dự án PPP nên theo thông lệ quốc tế
Kết quả kiểm toán 11 dự án BOT trong năm 2019 của Kiểm toán nhà nước cũng cho thấy nhiều vấn đề nổi cộm như: Bộ Giao thông – Vận tải cho phép lập dự án BOT trước khi Chính phủ chấp thuận chủ trương dự án; không công bố danh mục dự án, không tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư và hầu hết chỉ định nhà thầu thi công. Một số dự án cũng được xác định sai tăng tổng mức đầu tư; có dự án thi công một số gói thầu trước khi lựa chọn nhà thầu.... Kết quả kiểm toán kiến nghị xử lý 513,9 tỉ đồng, giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 7 dự án 56,4 năm so với phương án ban đầu.
Ông Phan Vinh Quang, Giám đốc Dự án USAID LEAP III tại Việt Nam cho rằng, việc kiểm toán dự án PPP nên theo thông lệ quốc tế. Theo đó, Kiểm toán nhà nước không kiểm toán doanh nghiệp dự án mà chỉ kiểm toán cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quy trình đấu thầu có minh bạch và hiệu quả theo quy định pháp luật không? Việc thực hiện dự án PPP có cung cấp đúng chất lượng và số lượng dịch vụ công theo hợp đồng không? Người dân được lợi gì từ dự án PPP? Từ đó, đánh giá về hiệu quả của dự án PPP.
Đối với một số dự án PPP khi vốn đầu tư công của nhà nước tách thành dự án riêng tuân thủ quy định đầu tư công, lúc đó Kiểm toán nhà nước có thể tiến hành kiểm toán dự án thành phần này như dự án đầu tư công. Việc này cần được các bên làm rõ và thống nhất ngay từ đầu để đảm bảo duy trì sổ sách, chứng từ và số liệu phục vụ công tác kiểm toán sau này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận