Dư nợ chính sách hơn 305.000 tỷ đồng
Đến cuối tháng 7/2023, tổng dư nợ chương trình tín dụng chính sách hơn 305.000 tỷ đồng, tăng gần 176 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2014. Có hơn 6,6 triệu hộ nghèo và đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt khoảng 10%.
Đây là thông tin được Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tín dụng chính sách xã hội với vấn đề thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội” ngày 16/8.
Theo đó, dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gần 109 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,7%/tổng dư nợ, với hơn 2,2 triệu khách hàng còn dư nợ. Dư nợ cho vay tại huyện nghèo gần 30 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,8%/tổng dư nợ, với gần 540 nghìn khách hàng còn dư nợ. Dư nợ đối với khách hàng là đồng bào dân tộc thiểu số trên 75 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,7%/tổng dư nợ với trên 1,4 triệu khách hàng còn dư nợ.
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trong những năm qua đã hỗ trợ gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động. Hỗ trợ hơn 3,8 triệu học sinh sinh viên được vay vốn đi học, giúp mua hơn 84 nghìn máy tính, thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên. Xây dựng hơn 16,8 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng gần 729 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Toàn cảnh hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tín dụng chính sách xã hội với vấn đề thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội”
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá, tín dụng chính sách xã hội là chủ trương độc đáo, mang tính nhân văn sâu sắc, đã trở thành một “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh và an ninh xã hội của Đảng, Nhà nước ta trong tiến trình Đổi mới.
Nguồn vốn vay tín dụng chính sách đã mang lại sinh kế, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy bình đẳng giới, đồng thời góp phần ngăn chặn các tệ nạn cho vay nặng lãi, tín dụng “đen”, giúp đảm bảo an sinh, trật tự và an toàn xã hội tại các địa phương, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã cung cấp nguồn lực thực hiện quan trọng và thật sự trở thành cấu phần bổ trợ tất yếu của các Chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Với chức năng bổ sung cho nhau, tín dụng chính sách và tín dụng thương mại là hai kênh tài chính song hành mang đặc trưng riêng có của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần vừa thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, vừa thực hiện các mục tiêu về phát triển xã hội, nổi bật nhất là đưa tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam từ mức gần 60% trong những năm 1990 xuống còn 4,3% năm 2022 (theo chuẩn nghèo đa chiều).
Tín dụng chính sách giúp hơn 6 triệu lượt hộ vượt ngưỡng nghèo
Chất lượng tín dụng nâng cao
Ông Dương Quyết Thắng - Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, đến hết tháng 7/2023, tổng nguồn vốn của NHCSXH đạt 324.753 tỷ đồng. Cùng với tăng trưởng quy mô tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách xã hội tiếp tục được củng cố và nâng cao. Tổng nợ quá hạn và nợ khoanh là 0,62%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn 0,17%/tổng dư nợ.
“Trong hơn 20 năm qua vốn tín dụng chính sách xã hội đã giải ngân cho hơn 44.284 nghìn lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác; Hỗ trợ hơn 6,5 triệu hộ vượt ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 6,2 triệu lao động; hỗ trợ gần 147 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, hỗ trợ gần 3,9 triệu học sinh sinh viên được vay vốn đi học. Xây dựng gần 18 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng hơn 729 nghìn căn nhà cho người nghèo”, ông Thắng cho biết.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Nguyễn Thị Hồng cho biết, hội thảo đã nhận được hơn 60 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học đã và đang công tác tại các ban, bộ, ngành. Các tham luận đã làm rõ quá trình hiện thực hóa tầm nhìn của Đảng về xây dựng CNXH ở Việt Nam. Để thực hiện những mục tiêu cao cả là dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách trợ giúp người dân còn nhiều khó khăn, các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, trong đó, tín dụng chính sách xã hội trở thành một “trụ cột” quan trọng, một “điểm sáng” trong hệ thống chính sách giảm nghèo.
Các đại biểu đã đánh giá toàn diện, sâu sắc những kết quả đạt được trong hơn 20 năm hoạt động của NHCSXH, đặc biệt từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. Qua đó, tiếp tục khẳng định định hướng lớn, lâu dài, chủ trương nhất quán của Đảng trong việc phát triển kinh tế gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo chăm lo đến đời sống của người nghèo, đối tượng chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.
“Các nhà khoa học, đại diện Lãnh đạo của các địa phương cũng đã thảo luận, làm rõ mô hình tổ chức, bộ máy quản trị, điều hành của NHCSXH. Trên cơ sở thực trạng hoạt động của NHCSXH những năm qua. Hội thảo cũng đã tập trung phân tích, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn cho những đề xuất giải pháp nhằm đưa hoạt động của NHCSXH lên một tầm cao mới, trợ giúp tốt hơn cho các đối tượng chính sách”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận