Dữ liệu kinh tế trái ngược của Trung Quốc gây hoài nghi về triển vọng phục hồi
Đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn còn rời rạc, với các dữ liệu mới nhất cho thấy hoạt động sản xuất thu hẹp lại, trong khi người tiêu dùng vẫn mạnh tay chi tiêu trong các ngày lễ và thị trường nhà ở tiếp tục cải thiện.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Trung Quốc, công bố hôm 30-4, cho thấy trong tháng 4, hoạt động của nhà máy bất ngờ suy giảm do nhu cầu toàn cầu yếu hơn đối với hàng xuất khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, người tiêu dùng Trung Quốc vẫn tiếp tục chi tiêu cho du lịch và mua sắm.
Trong tháng trước, chỉ số PMI ngành sản xuất của Trung Quốc rơi về mức 49,2 điểm so với 51,9 điểm trong tháng 3. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 12 năm ngoái, chỉ số này rơi xuống dưới 50 điểm, ngưỡng phân định giữa tăng trưởng và suy giảm. Các chỉ số phụ về đơn hàng xuất khẩu mới và việc làm trong lĩnh vực sản xuất đều dưới 50 điểm.
Trong khi đó, chỉ số PMI phi sản xuất (lĩnh vực dịch vụ và xây dựng) xuống 56,4 điểm từ 58,2 điểm trong tháng 3. Chỉ số này trên 50 điểm cho thấy hai lĩnh vực này vẫn tăng trưởng mạnh mẽ khi chi tiêu của người dân và chính phủ tăng.
Số liệu chi tiêu trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ Lao động quốc tế kéo dài 5 ngày phản ánh sự phục hồi trong tiêu dùng ở Trung Quốc.
Khoảng 19,7 triệu chuyến đi bằng đường sắt đã được thực hiện trên khắp đất nước hôm 29-4. Đây là mức cao nhất được ghi nhận trong một ngày. Lưu lượng giao thông trong kỳ nghỉ lễ này dự kiến cao hơn 20% so với cùng kỳ năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, người mua sắm chi tiêu mạnh trong ngày 29-4, với các công ty bán lẻ và dịch vụ ăn uống lớn chứng kiến doanh số bán hàng tăng 21% so với một năm trước.
Thị trường nhà ở cũng tiếp tục phục hồi từ mức rất yếu cách đây một năm. Trong tháng 4, giá trị doanh số bán nhà mới của 100 nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc tăng 31,6% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 29,2% trong tháng 3, theo dữ liệu sơ bộ từ China Real Estate Information Corp.
Các dữ liệu trên cho thấy đà phục hồi của Trung Quốc vẫn chưa ổn định, với lĩnh vực sản xuất tụt hậu so với lĩnh vực tiêu dùng.
Zhou Hao, nhà kinh tế trưởng của Guotai Junan International cho biết các số liệu về PMI báo hiệu “đà phục hồi sau Covid-19 của Trung Quốc đã phần nào mất động lực và đặt ra yêu cầu tiếp tục hỗ trợ chính sách”.
Trong cuộc họp hôm 26-4, Bộ Chính trị Trung Quốc đánh giá nền kinh tế kinh tế phục hồi tốt hơn kỳ vọng trong đầu năm nay nhưng tiếp tục đối mặt thách thức do nhu cầu “không đầy đủ”. Đồng thời, nỗ lực chuyển đổi và nâng cấp nền kinh tế vấp phải nhiều cản lực mới.
Hai nhà kinh tế Chang Shu và David Qu của Bloomberg Economics cho biết bất ngờ lớn nhất là chỉ số PMI ngành sản xuất của Trung Quốc suy giảm trở lại. Điều này làm dấy lên hoài nghi về sức mạnh bền vững của đà tăng trưởng kinh tế.
“Lĩnh vực sản xuất trọng yếu suy giảm dù chính phủ chi tiêu mạnh mẽ và nhu cầu tăng mạnh trong một số khu vực của ngành dịch vụ. Điểm mấu chốt là đà phục hồi của Trung Quốc có lẽ diễn ra trong phạm quá hẹp để duy trì bền vững và có thể mất động lực. Triển vọng đáng lo ngại này làm gia tăng các lập luận Bắc Kinh cần hỗ trợ chính sách hơn nữa”, họ viết trong một báo cáo.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong một năm vào quí 1. Các nhà kinh tế kỳ vọng mức tăng trưởng trong quí này của Trung Quốc còn mạnh hơn nữa. Một số ngân hàng lớn đã nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc lên 6% hoặc cao hơn cho năm nay, vượt mục tiêu khoảng 5% của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, dữ liệu trong cuối tuần qua có thể sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh thận trọng hơn.
“Những tín hiệu trái ngược của nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ buộc chính phủ phải tiếp tục các chính sách hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ trong quí 2”, Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Management, nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận