Du lịch Tp.HCM xây dựng điểm đến hấp dẫn trong mắt du khách quốc tế
Một trong chiến lược thu hút khách quốc tế của ngành du lịch Tp.HCM là phát triển các sản phẩm du lịch có dấu ấn riêng từ nguồn tài nguyên lịch sử, văn hóa đặc sắc.
Từ đầu năm 2022 đến nay, ngành du lịch Tp.HCM có nhiều khởi sắc, nhất là sau khi mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế từ ngày 15/3. Mặc dù số lượng khách quốc tế đến Tp.HCM từ khi mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế còn khiêm tốn, kém xa so với cùng kỳ những năm dịch Covid-19 chưa bùng phát, tuy nhiên, đó là những tín hiệu tín hiệu khả quan sau hơn 2 năm ngành du lịch “ngủ đông”, để chuẩn bị cho kế hoạch cao điểm đón khách vào dịp cuối năm 2022.
Nhìn lại những kết quả đạt được trong quá trình đón khách quốc tế vừa qua và kế hoạch cho thời gian tới ra sao, Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn với bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch Tp.HCM.
Liên kết địa phương để đa dạng sản phẩm, dịch vụ
Số lượng khách quốc tế tìm kiếm về địa điểm Tp.HCM cũng như qua khảo sát các doanh nghiệp lữ hành thị trường quốc tế cũng đang bắt đầu khởi động lại, hứa hẹn một mùa cao điểm cho khách quốc tế vào dịp cuối năm từ tháng 9 đến tháng 12.
Để chuẩn bị cho đón khách quốc tế vào mùa cao điểm cuối năm, Tp.HCM đã làm mới các sản phẩm có thương hiệu, quen thuộc với khách quốc tế. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xây dựng những sản phẩm mới, đặc biệt là những sản phẩm liên kết giữa Tp.HCM và các tỉnh, thành vùng, miền trong cả nước.
Khách quốc tế đến với Tp.HCM không chỉ được chào đón tại Tp.HCM mà có thể tìm kiếm những điểm liên kết với Tp.HCM, phát huy vị thế, vai trò cửa ngõ của Tp.HCM đối với thị trường khách quốc tế.
Bên cạnh đó, hệ thống các cơ sở lưu trú, các dịch vụ và các điểm đến của Tp.HCM với chất lượng tiệm cận chuẩn quốc tế và đạt chuẩn quốc tế sẽ kết hợp với lại các điểm đến của địa phương cũng đang được làm mới, đang được nâng chất.
Chúng tôi kỳ vọng những sự kết hợp này trong thời gian tới sẽ mang đến những trải nghiệm mới và hấp dẫn hơn khi đón khách quốc tế, trở lại với Tp.HCM và trở lại với điểm đến Việt Nam.
Do đó, công tác liên kết giữa Tp.HCM với các tỉnh, thành không chỉ để phát huy vai trò, vị thế cửa ngõ là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước mà việc kết nối này còn giúp các doanh nghiệp của Tp.HCM có thể khai thác nhiều sản phẩm mới, khai thác được sự đa dạng và sự khác biệt về tài nguyên du lịch của các địa phương ở các tỉnh thành, các vùng, miền trong cả nước.
Khi đến với Tp.HCM, khách quốc tế và khách nội địa không chỉ được trải nghiệm những sản phẩm đã được làm mới, những sản phẩm mới của Tp.HCM mà còn có thể trải nghiệm được những sản phẩm mới và những sản phẩm đã làm mới, liên kết giữa Tp.HCM với các tỉnh thành.
Làm mới sản phẩm để giữ vị thế dẫn đầu
Thời gian tới, ngành du lịch cũng sẽ tập trung thu hút khách quốc tế bằng cách đẩy mạnh các chương trình truyền thông điểm đến thông qua các kênh truyền thông trong nước, quốc tế, cũng như kênh trực tuyến, mạng xã hội nhằm giới thiệu, quảng bá nét đẹp thiên nhiên, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, ngành nghề truyền thống của Thành phố đến với người dân trong nước cũng như du khách ngoài nước.
Qua đó, Tp.HCM phấn đấu góp phần hoàn thành chỉ tiêu đón khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế đến Thành phố trong năm 2022 và đóng góp từ 10 đến 12% GRDP cho kinh tế Tp.HCM.
Từ đó, ngành du lịch Tp.HCM đã phối hợp với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành triển khai 42 chương trình du lịch nội thành tại Tp.Thủ Đức và 21 quận, huyện. Bên cạnh những loại hình du lịch truyền thống, ngành du lịch Tp.HCM cũng tổ chức 6 chương trình du lịch mới đặc trưng, kết hợp các phương tiện ôtô, xe đạp, đường sông để trải nghiệm thiên nhiên xanh, không gian gần gũi với đời sống nông thôn.
Chiến lược đưa Tp.HCM thành điểm đến hấp dẫn, dù là khó khăn, lội ngược dòng nhưng đó là hướng đi đúng. Bởi muốn thu hút du khách phải có sản phẩm mới, hấp dẫn và thực tế Tp.HCM đã có rất nhiều chất liệu cho việc xây dựng sản phẩm du lịch. Nhiều sản phẩm du lịch nội vùng của các quận huyện đã ra mắt như: Chương trình “Ký ức Sài Gòn - Chợ Lớn”, “Sài Gòn trăm năm, hoa trái thương hồ”, “Củ Chi vùng đất bình yên, thân thiện và nghĩa tình”, hay tour “Biệt động Sài Gòn” vòng quanh Quận 1…
Chưa bao giờ hoạt động du lịch của Tp.HCM lại sống động như hiện nay khi đã có hơn 30 chương trình, sản phẩm du lịch nội đô đang được các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đưa vào khai thác kích cầu du lịch và gần 20 chương trình du lịch mới đang khảo sát. Hàng chục điểm tham quan, sản phẩm du lịch về đêm đang được ngành du lịch và các đơn vị sở ngành liên quan tập trung đầu tư, tôn tạo, hoàn chỉnh đề án để xây dựng kết nối tour, tuyến.
Xin cảm ơn bà!
Để sản phẩm du lịch “chạm vào trái tim” du khách
Chuyên gia thiết kế sản phẩm du lịch Phan Yến Ly cho rằng, để du khách biết và ấn tượng với điểm đến, người làm du lịch phải chăm chút để sản phẩm dễ dàng “chạm vào trái tim” du khách. Chẳng hạn, quận Gò Vấp đã tìm và nhân giống cây vấp - loại cây ghi dấu ấn và là niềm tự hào của người dân nơi đây.
Còn quận 1 được xem là địa phương sở hữu nhiều tài nguyên du lịch văn hóa như các di tích, bảo tàng, các sự kiện lễ hội của Tp.HCM, hệ thống các cơ sở lưu trú hiện đại, cao cấp, văn hóa ẩm thực phong phú, đa dạng...
Ấn tượng nhất, tour "Ký ức Biệt động Sài Gòn" của Công ty lữ hành Fiditour - Vietluxtour đã trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử đặc trưng của Tp.HCM được khai thác rất hiệu quả với thị trường khách inbound và nội địa suốt thời gian qua.
Trong khi đó, Tp.Thủ Đức lại nổi bật nhiều loại hình du lịch như du lịch sinh thái, về nguồn… như tour “Thành phố xanh Thủ Đức”, “Thành phố xanh bên dòng sông Sài Gòn”, “Thủ Đức tìm lại dấu xưa” do Công ty TSTtourist thực hiện.
Du khách được trải nghiệm buýt đường sông, tham quan Công viên văn hóa lịch sử các dân tộc, viếng chùa Bửu Long, tham quan Bảo tàng Áo dài (được mặc thử các loại áo dài truyền thống, tìm hiểu cách chế biến các món ăn dân gian nhiều vùng miền)…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận