Dự kiến đầu quý II/2024 ban hành khung giá mua điện từ Lào sau 2025
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi hội đàm giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Phosay Sayasone trao đổi nhiều nội dung thúc đẩy hợp tác thuộc lĩnh vực năng lượng và khoáng sản giữa hai nước chiều 6/4/2024.
Buổi hội đàm nằm trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại Lào nhằm cụ thể hóa các Thỏa thuận cấp cao và triển khai các kết quả của Kỳ hợp Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào hồi đầu năm 2024.
Về phía Việt Nam, cùng tham dự hội đàm, có lãnh đạo, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương: Văn phòng Bộ; Tổng cục Quản lý thị trường; Cục Xúc tiến thương mại; Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số; Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Cục Điều tiết điện lực; Cục Xuất nhập khẩu; Vụ Thị trường châu Á - châu Phi; Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương; Viện Nghiên cứu cơ khí; Văn phòng Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế về kinh tế; Báo Công Thương... Ngoài ra, đại diện Lãnh đạo của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản như Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và một số doanh nghiệp khác.
Về phía Lào, cùng tham dự hội đàm còn có các Thứ trưởng, lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng liên quan của Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, đại diện Lãnh đạo của các doanh nghiệp và Tập đoàn trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản của Lào.
Tại buổi hội đàm, hai Bộ trưởng cùng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác lĩnh vực năng lượng khoáng sản, coi đây là trụ cột trong quan hệ Việt Nam - Lào xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của hai nước.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào đề nghị hai bên cùng nhau lập kế hoạch, chương trình hợp tác cụ thể hơn, có thêm nhiều dự án, công trình hợp tác kiểu mẫu, hiệu quả. Bộ trưởng Phosay Sayasone đề xuất một số vấn đề hai bên cần tập trung giải quyết hiện nay như: Thành lập đoàn công tác để thúc đẩy tiến độ ban hành khung giá Việt Nam mua điện từ Lào sau năm 2025; hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm về thành lập cơ quan điều tiết điện lực; thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa từ Lào tới các cửa khẩu/cảng tại Quảng Trị và Huế; hỗ trợ hợp tác về công tác thanh tra; công tác quy hoạch và xây dựng bản đồ khoáng sản…
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao những đề xuất cụ thể của Bộ trưởng Phosay Sayasone, nhấn mạnh tầm quan trọng của năng lượng và khoáng sản đối với Việt Nam để phục vụ cho các hoạt động sản xuất trong nước, đáp ứng cho quá trình tăng trưởng và phát triển nhanh chóng của nền kinh tế hiện nay.
Bộ trưởng nhất trí với các đề xuất của Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, đồng thời nêu thêm nhiều nội dung, giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản giữa hai nước; nhất trí sẽ thành lập nhóm công tác của hai Bộ để tháo gỡ những khó khăn trong hợp tác về năng lượng, khoáng sản. Nhóm công tác sẽ thường xuyên, định kỳ rà soát và báo cáo Lãnh đạo Bộ về các khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ. Lãnh đạo Bộ cũng sẽ định kỳ có các trao đổi, thảo luận để kịp thời giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã trao đổi nhiều nội dung cụ thể để triển khai các cam kết, thỏa thuận cấp cao hai nước, triển khai các kết quả của Kỳ hợp Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào hồi đầu năm 2024, trong đó đáng chú ý như sau:
Việc ban hành khung giá mua điện từ Lào sau năm 2025 là rất cần thiết. Theo đề nghị của phía Lào và căn cứ Thỏa thuận hợp tác năm 2024 giữa hai Chính phủ, Bộ Công Thương Việt Nam đã chỉ đạo EVN nghiên cứu, đề xuất khung giá mua điện sau 2025 để báo cáo Bộ Công Thương, sau đó báo cáo Chính phủ thông qua. Hiện nay EVN cũng đã hoàn thành nghiên cứu, dự thảo khung giá và đang gửi xin ý kiến Hội đồng thành viên EVN thông qua trước khi báo cáo Bộ Công Thương. Sau khi có báo cáo chính thức của EVN, Bộ Công Thương sẽ thẩm định và báo cáo Thủ tướng phê duyệt. Dự kiến đầu quý II năm nay, khung giá mua điện từ Lào sau 2025 sẽ chính thức được ban hành.
Đối với đề nghị của Lào về việc Việt Nam hỗ trợ chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm về thành lập cơ quan điều tiết điện lực (giống như Cục Điều tiết Điện lực của Bộ Công Thương), Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao và giao Cục Điều tiết Điện lực là đầu mối, phối hợp với phía Lào, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ chuyên môn, đón tiếp các đoàn học tập, trao đổi kinh nghiệm của phía Bạn. Về lĩnh vực thanh tra, hai bên cần tiếp tục hợp tác, hỗ trợ nhau, phát huy kết quả làm việc từ tháng 6/2023 vừa qua.
Đối với đề nghị của Lào về việc Việt Nam thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa từ Lào tới các cửa khẩu/cảng tại Quảng Trị và Huế, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa từ Lào về Việt Nam, đặc biệt là qua các cửa khẩu, tới các cảng tại Việt Nam. Tại Quảng Trị có cửa khẩu quốc tế La Lay - cửa khẩu quan trọng cho việc vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là than, phục vụ trực tiếp cho việc mua bán than giữa Lào và Việt Nam. Than từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu La Lay sẽ tới các cảng Chân Mây, Thuận An của Thừa Thiên Huế hoặc cảng Cửa Việt.
Bộ trưởng nhấn mạnh “Mua bán than là vấn đề rất được quan tâm của Chính phủ hai nước và hai Bộ. Việc Việt Nam mua than từ Lào bên cạnh lợi ích mang lại cho Lào cũng sẽ góp phần đảm bảo cung ứng điện trong nước của Việt Nam. Do vậy, việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, vận chuyển than từ Lào qua các cửa khẩu về Việt Nam và ra các cảng cũng là quan tâm của phía Việt Nam”.
Đối với hợp tác mua bán than, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết nhu cầu nhập khẩu than của Việt Nam đang rất cao và đẩy mạnh xuất khẩu than cũng là mong muốn của nước bạn Lào nhưng quan trọng nhất phải tập trung giải quyết vấn đề giá than sao cho hợp lý. Hai bên cần tìm các giải pháp để hạ giá thành bán than từ Lào về Việt Nam, giá than Lào ít nhất phải bằng giá thế giới thì mới có thể cạnh tranh được.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị, các chủ mỏ than của Lào cơ cấu lại quy trình sản xuất tinh gọn, hiệu quả, đầu tư hệ thống băng tải vận chuyển than qua biên giới để giảm giá thành khai thác, sản xuất, vận chuyển than; đề nghị Bộ Năng lượng và Mỏ Lào xem xét báo cáo Chính phủ Lào bãi bỏ thuế xuất khẩu than (10%). Thuế này được ban hành để tạo nguồn thu cho Chính phủ nhưng thực tế sẽ làm cho giá bán than Lào tăng, dẫn đến than không bán được và từ đó Chính phủ và doanh nghiệp đều không có nguồn thu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam cũng đề nghị Bộ Năng lượng và Mỏ Lào báo cáo Chính phủ Lào đầu tư nâng cấp và mở rộng các tuyến đường hiện có từ Cạ-lưm đi La Lay và từ Cạ-lưm đi Lao Bảo để cải thiện năng lực vận chuyển so với hiện nay. Ở trong nước, Bộ Công Thương Việt Nam cũng đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, bao gồm việc khuyến khích các doanh nghiệp ưu tiên ký kết hợp đồng/cam kết mua bán than của Lào để phục vụ sản xuất điện trong nước.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Phosay Sayasone vui mừng và cảm ơn cá nhân Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng các thành viên trong Đoàn công tác của Bộ Công Thương đến thăm và làm việc tại Lào trong dịp này. Bộ trưởng Phosay Sayasone nhất trí với các phương án, giải pháp do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đưa ra, đồng thời khẳng định, Bộ Năng lượng và Mỏ Lào sẵn sàng phối hợp với Bộ Công Thương Việt Nam triển khai, xây dựng các kế hoạch để thúc đẩy hợp tác năng lượng giữa hai nước Việt Nam - Lào. Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào cũng giao các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với các Vụ/Cục chuyên ngành của phía Việt Nam để cùng tháo gỡ khó khăn cho các dự án vướng mắc cũng như khai thác hơn nữa tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực mua bán điện, than, quản lý mỏ và khai thác khoáng sản.
Kết thúc hội đàm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Phosay Sayasone đã ký kết Biên bản hội đàm hai bên về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và mỏ. Kết quả của hội đàm là một trong những sự kiện quan trọng, là bước tiến mới trong quan hệ hợp tác năng lượng giữa hai nước Việt Nam - Lào.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận