Dự cảm về thị trường bất động sản 2020
Thủ tục pháp lý phức tạp và kéo dài ở Việt Nam có thể là một rào cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên sự tham gia của họ tại thị trường bất động sản Việt Nam đã gia tăng đáng kể trong hai năm qua và dự kiến sẽ tiếp tục trong tương lai.
Trầm lắng
“Khuông nhạc” cuối cùng trong “bản nhạc” trầm lắng của thị trường bất động sản 2019 là vụ việc gây chấn động: Vỡ trận condotel Cocobay ở Đà Nẵng, khi chủ đầu tư Emmpire Group công khai huỷ bỏ cam kết lợi nhuận với khách hàng. Trong khoảng 2-3 năm trở lại, condotel không chỉ là một loại hình sản phẩm mới, mà còn là “cứu cánh” cho các ông lớn địa ốc trong bối cảnh hai thị trường trọng điểm là Hà Nội và TP. HCM có dấu hiệu giảm nhịp.
Đặc biệt ở TP. HCM - thành phố đông dân nhất cả nước gần như bị đóng băng vì ngoài lý do quỹ đất ở khu vực trung tâm ngày càng cạn kiệt thì nguyên nhân chính là do thủ tục pháp lý bị trì hoãn, trong đó có thủ tục phê duyệt xây dựng kéo dài khiến chủ đầu tư phải thay đổi lộ trình bán hàng dẫn đến nguồn cung mới trong giai đoạn này bị hạn chế.
Ông Nguyễn Trần Nam, chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết năm 2019 được coi là một năm khó khăn của thị trường bất động sản khi các dự án bị “ách tắc, đứng hình”, nguồn cung khan hiếm, khiến giá nhà đất bị đẩy lên cao. Đồng thời, doanh nghiệp cũng khốn đốn vì chi phí vốn đội lên nhiều lần, lãi vay ngân hàng tăng và đặc biệt là bị mất cơ hội kinh doanh.
Cụ thể, theo số liệu thống kê của VNREA, trong quý III/2019, thị trường bất động sản vẫn đi theo chiều hướng giảm, nhất là Hà Nội, TP. HCM. Đơn cử, tại Hà Nội, ở phân khúc căn hộ, nếu so với quý II/2019, tổng số sản phẩm mới được chào bán ra thị trường ở quý III/2019 đã giảm hơn 2.200 căn và giảm hơn 4.000 căn so với cùng kỳ năm 2018. Ở các tỉnh, thành lân cận với Hà Nội, dù được đánh giá như những “miền đất hứa”, nhưng nguồn cung và tỷ lệ giao dịch thành công cũng không mấy khả quan. Tại các địa bàn mới như Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên… lượng cung bất động sản cũng tương đối ít.
Trong khi đó, tại TP. HCM, chỉ có khoảng 5 dự án được phê duyệt chủ trương và 32 dự án được cấp phép đủ điều kiện đưa vào thị trường. Riêng quý III có 8 dự án được cấp phép đưa vào thị trường, trong đó có 1 dự án của Vingroup cung cấp phần lớn sản phẩm, còn lại 7 dự án chỉ chiếm gần 50% còn lại. Cơ cấu sản phẩm cũng bị mất cân đối.
Ở vai trò quản lý nhà nước, ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đánh giá thị trường bất động sản hiện nay vẫn chưa thực sự phát triển bền vững, còn tiểm ẩn nguy cơ mất ổn định.
Biểu hiện là tình trạng đầu tư tràn lan, tự phát hay các dự án chậm tiến độ, đầu tư không đồng bộ, thiếu kết nối hạ tầng còn diễn ra tương đối phổ biến, hàng tồn kho nhiều gây lãng phí tài nguyên đất đai và vốn đầu tư của xã hội... Các vướng mắc về pháp lý không dễ có thể giải quyết trong ngắn hạn. Cùng với đó, tín dụng cho bất động sản ngày càng thắt chặt,
Vẫn còn động lực tăng trưởng
Với góc nhìn tích cực hơn, hãng tư vấn Savills nhận định thị trường bất động sản vẫn còn dư địa tăng trưởng theo hướng bền vững. Nền tảng là quy mô dân số khá lớn (94 triệu người) cùng tốc độ và tỷ lệ đô thị hóa khá nhanh. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay 2,6%, thì đến năm 2030, 69% dân số Việt Nam sẽ sinh sống tại khu vực đô thị.
Sự di dân kết hợp với tăng trưởng dân số tự nhiên tạo ra nhu cầu lớn về nhà ở tại các đô thị như Hà Nội và TP. HCM. Mặt khác, việc quy mô hộ gia đình ngày càng giảm cũng đem đến cho thị trường nhà ở nguồn cầu mới từ các gia đình nhỏ tách hộ (bao gồm các hộ gia đình 1 người).
Các yếu tố này dẫn đến trung bình hàng năm số lượng hộ gia đình mới có nhu cầu nhà ở tại Hà Nội và TP. HCM lần lượt là 81.000 và 63.000. Nếu xét đến nhu cầu đến từ thâm hụt nhà ở xuống cấp thì con số này là 130.000 và 134.000, tạo ra một nền tảng vững chắc cho thị trường nhà ở tại hai thành phố lớn nhất cả nước.
Tuy vậy khi so sánh hai thị trường nhà ở này, có thể nhận thấy sự khác biệt rõ rệt là phân khúc giá rẻ đã và đang dẫn dắt thị trường TP. HCM trong khi các sản phẩm trung cấp hiện đang hoạt động tốt nhất trong tất cả các phân khúc tại Hà Nội.
Tuy rằng phần lớn các khách hàng của cả hai phân khúc này đều là người mua nhà để ở, cho thấy sự phát triển bền vững của thị trường nhà ở, sự dẫn dắt của phân khúc hạng B tại Hà Nội có thể phần nào được giải thích bởi tâm lý khách hàng. Người mua nhà tại Hà Nội thường chú trọng nhiều hơn đến vị trí của dự án, đòi hỏi một vị trí gần trung tâm, thuận tiện đi làm, cho con cái đi học, và dễ dàng kết nối đến các tiện ích như bệnh viện, siêu thị, trung tâm mua sắm, nhà hàng...
Chủ đầu tư vì vậy phải lựa chọn giữa việc phát triển dự án ở khu vực gần trung tâm với chi phí đất cao hơn, hoặc đầu tư nhiều hơn vào các tiện ích nội khu cho các dự án xa trung tâm. Việc này đẩy giá của các sản phẩm nhà ở tại Hà Nội vượt lên ngưỡng giá của phân khúc hạng C, khiến nguồn cung và các giao dịch nhà ở tập trung chủ yếu ở phân khúc trung cấp.
Đà tăng trưởng của thị trường nhà ở Việt Nam được thúc đẩy bởi cơ cấu nhân khẩu học vàng và triển vọng kinh tế khả quan. TP. HCM và Hà Nội đang đi vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, sánh ngang với những thành phố khác trong khu vực.
Thị trường căn hộ TP. HCM được thúc đẩy bởi nguồn cầu nhà ở mạnh mẽ, trong khi đó phân khúc cao cấp đang thu hút sự quan tâm của tầng lớp siêu giàu trong nước và khu vực. Trong bối cảnh nguồn vốn dồi dào, sự gia tăng các chủ đầu tư nước ngoài và các chính sách vĩ mô phù hợp, thị trường nhà ở có triển vọng tăng trưởng đầy lạc quan.
Chính quyền địa phương ở TP. HCM đã công bố sự giới hạn về việc cấp phép phát triển dự án đăng ký mới trong “Chiến lược phát triển nhà ở tới năm 2020”, tuy nhiên chỉ giới hạn cho những dự án xin cấp phép mới. Những dự án phát triển đã được phê duyệt và trong quy hoạch vẫn sẽ tiếp tục được triển khai. Với nguồn cung tương lai đã xác định từ dữ liệu hiện tại của chúng tôi, có thể kỳ vọng rằng nguồn cung nhà ở tương lai sẽ đáp ứng được nhu cầu nếu quá trình triển khai dự án của các chủ đầu tư được tiến hành thuận lợi.
Thủ tục pháp lý phức tạp và kéo dài ở Việt Nam có thể là một rào cản đối với các chủ đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên sự tham gia của họ tại thị trường bất động sản Việt Nam đã gia tăng đáng kể trong hai năm qua và dự kiến sẽ tiếp tục trong tương lai. Sự gia tăng này sẽ mang đến tiêu chuẩn quốc tế cao hơn và gia tăng nguồn cung cạnh tranh chất lượng cho thị trường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận