Dự báo xuất khẩu năm 2022 tăng khoảng 10,4%
Hoạt động xuất khẩu hàng hóa từ đầu năm đến giữa tháng 7 có nhiều điểm vượt trội. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 khoảng 10,4% so với năm 2021.
Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, hoạt động xuất khẩu hàng hóa từ đầu năm đến trung tuần tháng 7 có nhiều điểm vượt trội.
Cụ thể, xuất khẩu đạt quy mô lớn nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay, tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021 (đạt 17,3%) và đạt được ở cả 2 khu vực. Khu vực trong nước tăng cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (18 % so với 17,1%), nhưng tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước vẫn còn thấp hơn nhiều (26,3% so với 73,7%).
Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở hầu hết các mặt hàng chủ yếu (38 mặt hàng). Có 12 mặt hàng có mức tăng trên 500 triệu USD, trong đó có 5 nhóm hàng tăng trên 1 tỷ USD (điện thoại các loại và linh kiện; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may, giày dép). Có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; 9 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD, đặc biệt có 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD. Giá xuất khẩu tăng khá (8,03%), chiếm gần 50% tốc độ tăng kim ngạch.
Tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều có hoạt động xuất khẩu, trong đó có 27 địa bàn đạt trên 1 tỷ USD, đặc biệt có 10 địa bàn đạt trên 5 tỷ USD (TP.HCM, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên, Đồng Nai, Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Nội, Phú Thọ, Hải Dương). Có 55 địa bàn tăng trưởng xuất khẩu, trong đó có 7 địa bàn có mức tăng trên 1 tỷ USD. 69/80 thị trường xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, đặc biệt có 4 thị trường đạt trên 10 tỷ USD.
Trong khi đó, ở chiều nhập khẩu ghi nhận quy mô lớn nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay. Tăng trưởng nhập khẩu khá cao (15,3%), trong đó, giá tăng 11,21%, còn lượng chỉ tăng gần 3,7%.
Về cán cân thương mại, dù xuất siêu trong 6 tháng đầu năm, nhưng do nửa đầu tháng 7 nhập siêu lớn (2,01 tỷ USD), nên tính đến ngày 15/7, Việt Nam đã nhập siêu 155 triệu USD, khu vực trong nước nhập siêu 18,123 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 17,168 tỷ USD.
Trong thời gian còn lại của năm 2022, nếu kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng tháng bằng với mức bình quân từ đầu năm đến ngày 15/7 (khoảng 30,94 tỷ USD), thì tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu trong những tháng cuối năm chỉ đạt 3,2% so với cùng kỳ năm 2021. Sở dĩ giả thiết tăng thấp như vậy, vì số gốc so sánh mức bình quân 1 tháng của nửa cuối năm 2021 cao hơn nhiều so với nửa đầu năm 2021.
Nhưng thực tế, trong nửa đầu tháng 7/2022, xuất khẩu chỉ đạt 14,3 tỷ USD, thấp xa mức bình quân nửa tháng từ đầu năm đến giữa tháng 7/2022 (15,5 tỷ USD).
Từ những diễn biến của thị trường, có thể dự báo, xuất khẩu cả năm 2022 tăng khoảng 10,4% so với 2021, cao hơn mục tiêu 8% mà Bộ Công thương đề ra.
Về nhập khẩu, dự báo trong những tháng còn lại của năm 2022, nhập khẩu tăng 6,8% so với cùng kỳ, thì tính chung cả năm 2022, Việt Nam sẽ nhập khẩu khoảng 372,9 tỷ USD, tăng 12,2% so với 2021, cao hơn tốc độ tăng tương ứng của xuất khẩu.
Theo dự báo trên, năm 2022, Việt Nam sẽ nhập siêu 1,6 tỷ USD, ngược chiều với mục tiêu xuất siêu 4 tỷ USD mà Bộ Công thương đề ra, cao hơn mức nhập siêu 955 triệu USD tính từ đầu năm đến hết ngày 15/7. Nếu dự báo này đúng, thì sau 6 năm xuất siêu liên tục, năm nay Việt Nam có thể chuyển sang nhập siêu.
Nhập siêu không chỉ tác động đến kinh tế vĩ mô (cán cân thanh toán, tỷ giá hối đoái, công nợ ngoại tệ, lạm phát…), mà còn tác động không tốt đến tăng trưởng kinh tế.
Cảnh báo trên đòi hỏi phải có giải pháp ngăn chặn. Trong các giải pháp hạn chế nhập siêu, giải pháp cơ bản là nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của sản xuất trong nước đối với hàng nhập khẩu hoặc khi xuất khẩu.
Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh công nghiệp hỗ trợ, giảm thiểu tính gia công, lắp ráp để giảm phụ thuộc nhập khẩu; rà soát xuất xứ, nhất là tình trạng “xuất khẩu hộ, tiêu thụ dùm”. Đồng thời, cần có giải pháp để ứng phó với việc tăng giá USD, khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, khi tỷ giá VND/USD và tỷ giá thương mại hàng hóa đã giảm hơn 2 năm…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận