Dự báo, xuất khẩu hồ tiêu và gia vị đạt 2 tỷ USD vào năm 2025
Ngành hồ tiêu và gia vị đã đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu hơn 1,4 tỷ USD trong năm 2022.
hội thảo “Hành trình Việt Nam trở thành nhà cung cấp hồ tiêu và gia vị bền vững”. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN
Tại hội thảo “Hành trình Việt Nam trở thành nhà cung cấp hồ tiêu và gia vị bền vững” do Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam phối hợp với một số đơn vị tổ chức ngày 21/4, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, xuất khẩu hồ tiêu và cây gia vị dự báo sẽ đạt 2 tỷ USD vào năm 2025.
Phân tích hơn về nhận định này, bà Hoàng Thị Liên cho biết, hiện xuất khẩu tiêu và cây gia vị đã đạt 1,4 tỷ USD. Với điều kiện hiện nay có thể con số trên là hơi tham vọng, tuy nhiên, khi thị trường trở lại như trước khi dịch COVID xảy ra thì tốc độ tăng trưởng của ngành này khá tốt. Hồ tiêu đã từng xuất khẩu đạt 1,1 tỷ USD. Khi nhu cầu cao, nguồn cung khan thì sẽ có sức ép lên giá, kỳ vọng về con số 2 tỷ USD là có thể nhìn thấy. Bên cạnh đó, quy trình sản xuất sản phẩm ngày càng đạt chuẩn, sản xuất hữu cơ tăng lên, giá sẽ tốt hơn.
Ông Lê Việt Anh, Chánh văn phòng, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nhận định, vụ mùa Hồ tiêu tại Việt Nam năm 2023 tương đối khả quan, ước sản lượng thu hoạch đạt 200.000 tấn, tăng 9,3% so với năm ngoái. Trong khi đó, theo Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) sản lượng thu hoạch từ các nước sản xuất khác như Brazil, Indonesia và Ấn Độ đều dự báo giảm so với năm 2022.
Tổng sản lượng hồ tiêu toàn cầu 2023 ước đạt 526 ngàn tấn so với 537,6 ngàn tấn của năm 2022. Sản lượng quế Việt Nam năm 2023 dự báo tăng so với năm 2022 và ước đạt khoảng 45.000 tấn.
Theo ông Lê Việt Anh, các yếu tố địa chính trị có thể là nguyên nhân chính tiếp tục gây ra những bất ổn về giá hơn là yếu tố cung cầu. Các yêu cầu và quy định khắt khe của thị trường nhập khẩu về rào cản phi thuế quan tiếp tục gia tăng, đặc biệt các vấn đề liên quan đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng. Nhưng tín hiệu tích cực là nhận thức về canh tác và thương mại bền vững sẽ ngày càng được cải thiện.
Ngành hồ tiêu và gia vị đã đóng góp vào kim ngạch hơn 1,4 tỷ USD trong năm 2022. Trong ngành hồ tiêu và gia vị, hồ tiêu chiếm tỷ trọng 69,4%; quế 20,6%; hồi 5,1%; bạch đậu khấu, nhục đậu khấu 2,3%; gừng, nghệ 1,6%; ớt 0,8%...
Theo báo cáo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, quý I/2023, Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu được 76.727 tấn, với kim ngạch xuất khẩu đạt 235,9 triệu USD, tăng 40,5% về lượng nhưng giá trị giảm 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, quế xuất khẩu được 18.685 tấn với 54,8 triệu USD, tăng 45,8% về lượng và 13,8% về giá trị. Xuất khẩu được 3.369 tấn hồi với 21,6 triệu USD, tăng 261,9% về lượng…
Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu và gia vị lớn trên thế giới, trong đó xuất khẩu chiếm khoảng 11% thị phần toàn cầu năm 2022; trong đó phải kể đến vị trí hàng đầu, chiếm thị phần nhập khẩu lớn tại các thị trường Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông của một số gia vị Việt Nam như hồ tiêu, quế, hồi…
Tuy nhiên, gầy đây, các thị trường nhập khẩu liên tục có những cảnh báo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng như gia tăng tần suất kiểm soát đối với nông sản nói chung bao gồm cả gia vị của Việt Nam. Do đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin về tình hình thị trường và ngành hàng, nắm rõ quy định của cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam cũng như các quy định của nước nhập khẩu là hết sức cần thiết.
Lấy ví dụ về sản phẩm ớt, ông Lê Nhật Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I, Cục Bảo vệ thực vật cho biết, sản phẩm này chủ yếu xuất khẩu sang Malaysia, Trung Quốc… Mặc dù mỗi thị trường có những quy định chi tiết về tiêu chuẩn khác nhau nhưng tựu chung đều yêu cầu về vùng trồng bắt buộc phải có mã số, thực hành thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và được công nhận. Vùng trồng và cơ sở đóng gói phải được đăng ký với co quan có thẩm quyền. Sản phẩm đảm bảo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không vượt quá quy định của thị trường nhập khẩu...
Đại diện Tổ chức IDH Việt Nam đánh giá, thách thức lớn nhất đối với xuất khẩu hồ tiêu là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, còn với xuất khẩu quế là dư lượng kim loại nặng. Ngoài ra, là các thách thức liên quan tới môi trường như giảm phát thải carbon, khuyến khích mô hình canh tác bền vững, mô hình trồng xen một cách bền vững… Hay các thách thức về xã hội như lao động trẻ em, lao động bình đẳng giới. Tổ chức IDH Việt Nam sẽ đồng hành cùng hiệp hội, các đơn vị trong nhóm đối tác công tư để giải quyết các thách thức của ngành hàng hồ tiêu và gia vị.
Bà Hoàng Thị Liên chia sẻ, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gia vị bền vững, đa gia vị chứ không chỉ dừng ở cây tiêu, quế, hồi cần tạo sức mạnh tổng hợp, định vị là quốc gia cây gia vị trên thị trường thế giới. Điều này, đòi hỏi ngành hàng hồ tiêu và gia vị phát triển bền vững. Do đó, toàn bộ các thành viên trong toàn chuỗi phải đi cùng nhau, cùng xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh của ngành hàng./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận