Dự báo tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ đạt 10%
Mức tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại trong năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, theo dự báo chỉ đạt khoảng 10%, thấp hơn so với mục tiêu 14% Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề ra từ đầu năm.
Theo bảng phân tích của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, động thái cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN lần thứ 2 trong năm 2020 sẽ dẫn đến việc lãi suất liên ngân hàng thường giảm mạnh sau đó, khi lãi suất trên thị trường 2 này luôn được điều hành tốt thông qua việc bơm/hút ròng trên thị trường mở (OMO). NHNN qua đó kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm để kích thích tăng trưởng tín dụng, ước tính ở mức 10% trong năm 2020.
Mức tăng trưởng tín dụng này tuy nhiên sẽ chậm lại so với đà tăng trưởng của những năm trước đó, ghi nhận ở mức gần 14% trong năm 2019 và xấp xỉ 13% trong năm 2018.
Mục đích của việc cắt giảm lãi suất sẽ giúp kích thích tăng trưởng thông qua kích thích đầu tư, khôi phục sản xuất với chi phí vốn thấp hơn, đông thời tăng khả năng trả nợ của người đi vay và tăng nhu cầu vay vốn, từ đó gián tiếp giảm nợ xấu.
Lãi suất giảm, theo Mirae Asset, sẽ tác động lên đồng thời cả chiều huy động và cho vay của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, đây là tác động hai chiều nên biên thu nhập lãi thuần (NIM) của ngân hàng sẽ chịu tác động bù trừ, do đó ít bị ảnh hưởng.
Đối với thị trường nợ và thị trường vốn, lợi suất các thị trường này thường tương quan với lãi suất điều hành. Lợi suất trái phiếu chính phủ đã giảm mạnh từ đầu năm 2019 đến nay, tạo ra sự phân kỳ giữa lợi suất trái phiếu và lợi suất cổ phiếu trên thị trường vốn. Với lần giảm lãi suất điều hành lần 2 này, công ty chứng khoán này cho rằng lợi suất trái phiếu tiếp tục giảm, kéo theo lợi suất thu nhập cổ phiếu giảm. Mirae Asset, bởi vậy, kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ tăng để làm cho lợi suất thu nhập cổ phiếu giảm xuống và cân bằng với lợi suất trái phiếu.
Lần cắt giảm lãi suất điều hành lần thứ 2 trong năm 2020 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đã có các tác động xấu đến nền kinh tế Việt Nam. GDP chỉ tăng 3.82% trong quí 1, mức thấp nhất trong vòng mười năm trở lại đây. Đây cũng là lần cắt giảm lãi suất điều hành thứ 3 của Việt Nam trong một năm trở lại đây, với lần thứ nhất vào tháng 9-2019, lần 2 vào giữa tháng 3. Dư địa để tiếp tục cắt giảm lãi suất, theo Mirae Asset, sẽ không còn nhiều, cân nhắc đến yếu tố lạm phát có thể dẫn tới lãi suất thực ở mức âm.
Trong khi đó, chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) của Việt Nam trượt xuống 32,7 điểm trong tháng 4, tức là đã giảm mạnh so với 41,9 điểm trong tháng 3, cho thấy một tháng suy giảm kỷ lục của sức khỏe lĩnh vực sản xuất. Các điều kiện kinh doanh đã xấu đi hơn trong suốt ba tháng qua.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận