Dự báo ngành khởi sắc, Dệt may Thành Công đặt mục tiêu lãi tăng 77%
Kỳ vọng năm 2022 sẽ là một năm khởi sắc, Dệt may Thành Công đặt kế hoạch doanh thu hơn 4.180 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức 253,8 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) mới công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông năm 2022, dự kiến họp vào ngày 15/4.
Đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận đều tăng
Công ty trình kế hoạch năm nay với doanh thu hơn 4.180 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 253,8 tỷ đồng. Kết quả này tăng lần lượt 18% và 77% so với kết quả năm vừa qua. Mức cổ tức dự kiến cho năm 2022 là 20%.
Kế hoạch đề ra dựa trên kỳ vọng năm 2022 sẽ có nhiều khởi sắc cho ngành dệt may Việt nam nói chung với Dệt may Thành Công nói riêng, khi thị trường bán lẻ quần áo thế giới đang dần phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Cũng tại tờ trình cổ đông, Dệt may Thành Công sẽ đưa vào vận hành nhà máy may số 2 tại khu công nghiệp Hoà Phú tỉnh Vĩnh Long với diện tích 3,2 ha với số lượng 1.500 công nhân, công suất làm việc đạt 9 triệu sản phẩm/năm. Sau khi nhà máy vận hành sẽ đóng góp thêm doanh thu cho năm 2022 và những năm tiếp theo.
Về mảng bất động sản, Công ty cho biết đang ưu tiên tập trung nguồn lực và phối hợp cùng đối tác để hoàn thành hồ sơ pháp lý, xin giấy phép xây dựng trong thời gian nhanh nhất cho dự án TC1 tại số 37 Tây Thạnh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, Tp.HCM.
Về kế hoạch chia cổ tức, công ty trình cổ đông phương án điều chỉnh thành tỉ lệ 15% bằng cổ phiếu cho năm 2021, thay vì 25% như trước đó đã thông qua.
Lý do là công ty không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm (đạt gần 50% mục tiêu năm) khi chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch năm vừa rồi, thời gian làm việc “3 tại chỗ” kéo dài, tốn kém nhiều chi phí,... Thời gian chia cổ tức dự kiến trong tháng 6 tới, sau phát hành vốn điều lệ sẽ tăng lên trên 820 tỷ đồng.
Trước đó, vào năm 2021, Dệt may Thành Công gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Trong quý III, công ty báo lỗ do chi phí tăng cao từ việc thực hiện sản xuất 3 tại chỗ và cước giá vận chuyển, thuê container xuất khẩu tăng phi mã. Sản xuất phục hồi từ quý IV tuy nhiên giá bán không theo kịp tốc độ tăng chi phí logistics khiến biên lợi nhuận mảng may bị thu hẹp.
Kết quả, Dệt may Thành Công ghi nhận doanh thu năm 2021 chỉ nhích nhẹ gần 2% lên 3.535 tỷ đồng trong khi lợi nhuận sau thuế giảm đến 48% so với cùng kỳ, xuống mức 143,6 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã không thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra năm 2021 khi chỉ thực hiện được 83,8% chỉ tiêu doanh thu và 49,5% mục tiêu lợi nhuận.
Do đó, Dệt may Thành Công sẽ trình cổ đông điều chỉnh phương án phân phối lợi nhuận năm 2021 từ mức cổ tức 25% về mức 15%, thanh toán bằng cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn đầu tư và phát triển hoặc lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Theo đó, Công ty dự kiến sẽ phát hành 10,6 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu qua đó nâng vốn điều lệ lên hơn 820 tỷ đồng.
Doanh nghiệp sẽ chịu áp lực chi phí tăng cao
Trong tài liệu công bố, Dệt may Thành Công cho biết trong hai tháng đầu năm 2022, doanh thu của Công ty đạt 654,6 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận giảm 2% xuống mức 38,6 tỷ đồng. Chi phí sản xuất và đầu vào tăng cao được cho là nguyên nhân chính dẫn đến biên lợi nhuận giảm so với cùng kỳ.
Với ngành dệt may năm 2022, Chứng khoán Mirae Asset đánh giá cao triển vọng ngành ở thị trường lớn là Mỹ, EU. Đồng thời việc xuất khẩu dệt may sang Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có tín hiệu khả quan khi nhu cầu ở các thị trường tăng trưởng trong bối cảnh cuộc sống trở lại bình thường mới.
Ngoài ra, các FTA tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu. Trong đó với CPTPP, năm 2022 là năm thứ 4 kể từ khi hiệp định có hiệu lực ở 8/11 nước thành viên hiệp định, trong đó có các thị trường quan trọng của dệt may Việt Nam là Australia, Nhật Bản, Canada.
Hầu hết các mặt hàng may mặc sẽ được hưởng thuế suất nhập khẩu bằng 0% từ năm nay, đây là một động lực lớn hỗ trợ giá trị xuất khẩu của hàng may mặc Việt Nam.
Với EVFTA, mặc dù hiện tại phần lớn sản phẩm may mặc, thời trang của Việt Nam vẫn phải chịu thuế nhập khẩu vào EU, nhưng thuế suất được giảm dần theo từng năm cũng sẽ hỗ trợ và tăng dần khả năng cạnh tranh về giá của hàng Việt Nam ở EU.
Với RCEP, hiệp định bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2022 giúp các công ty dệt may có thêm lựa chọn liên quan đến quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu sang các nước RCEP, trong đó có các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nhật Bản.
Tuy nhiên ngành dệt may cũng sẽ phải đối mặt với những rủi ro sau căng thẳng Nga – Ukraine. Đó là chi phí đầu vào tăng cao khi giá dầu thô và cotton tiếp tục đà tăng từ giữa năm 2020 cộng với chi phí vận tải biển leo thang, làm gia tăng gánh nặng cho các doanh nghiệp dệt may.
Thêm vào đó, áp lực tăng chi phí nhân công trong nước đang hiện hữu khi các chi phí sinh hoạt và lạm phát dự báo tăng trong năm nay cũng là rào cản đối với các công ty trong ngành.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận