Dự án tỷ đô Điện khí LNG Long An: Thách thức đòi hỏi nhà đầu tư phải kiên nhẫn
Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Điện khí LNG Long An sau khi được hiệu chỉnh, bổ sung hoàn thiện và thẩm tra, đã được gửi tới Bộ Công thương, song chủ đầu tư chưa gửi hồ sơ đề nghị đàm phán hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Tích cực chuẩn bị
Dự án Điện khí LNG Long An I & II đã được UBND tỉnh Long An chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 19/3/2021. Dự án có nhu cầu sử dụng khoảng 85 ha đất, với tiến độ vận hành thương mại (COD) từ tháng 12/2025 đến tháng 6/2027, trong đó tiến độ xây dựng nhà máy khoảng 36 tháng.
Nhà đầu tư thực hiện dự án này là VinaCapital GS Energy Pte. Ltd có đăng ký doanh nghiệp cùng trụ sở chính tại Singapore và người đại diện theo pháp luật là ông Don Di Lam - một gương mặt không xa lạ trong giới đầu tư tại Việt Nam. Dự kiến tổng vốn đầu tư của Dự án là hơn 72.733 tỷ đồng, tương đương 3,128 tỷ USD.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu vào ngày 19/3/2021 cho VinaCapital GS Energy Pte. Ltd với Dự án Nhà máy Điện khí LNG Long An I & II. Đây là công ty được góp vốn bởi VinaCapital và GS Energy (một tập đoàn năng lượng đến từ Hàn Quốc).
Theo Sở Công thương Long An, chủ đầu tư đã thực hiện thỏa thuận và được cơ quan nhà nước liên quan chấp thuận độ cao của ống khói nhà máy vào ngày 11/2/2022. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án Nhà máy Điện khí Long An I & II tại Quyết định số 2102/QĐ-BTNMT ngày 7/9/2022.
Theo đó, Thủ tướng đồng ý đề nghị của Bộ Công thương về điều chỉnh các nhà máy điện trên từ sử dụng than sang sử dụng nhiên liệu khí LNG nhập khẩu; điều chỉnh quy mô công suất Nhà máy điện Long An I từ 1.200 MW thành 1.500 MW và Nhà máy điện Long An II từ 1.600 MW thành 1.500 MW. Tiến độ vận hành Nhà máy Điện khí LNG Long An I cũng được điều chỉnh sang năm 2025 - 2026; còn Nhà máy Điện khí LNG Long An II dự kiến vận hành trước năm 2035.
Dự án đã được Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đồng ý về giải pháp thiết kế bậc chịu lửa, giao thông phục vụ chữa cháy, khoảng cách an toàn phòng cháy chữa cháy, bố trí mặt bằng có liên quan đến phòng cháy chữa cháy và phương án trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy thể hiện trong hồ sơ thiết kế cơ sở tại Văn bản số 01/PCCC&CNCH-P4 hồi tháng 1/2023.
Dự án cũng được Hội đồng Thẩm định thuộc Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) họp thẩm định ngày 12/5/2023, kết luận thông qua với điều kiện hiệu chỉnh theo ý kiến góp ý của Hội đồng.
Nhà đầu tư đã có Văn bản 11/2022/CV ngày 20/9/2022 trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Điện khí LNG Long An, sau đó hoàn thiện báo cáo này vào tháng 8/12/2022. Trong tháng 2 và tháng 3/2023, chủ đầu tư đã trình, sau đó hiệu chỉnh, bổ sung, hoàn thiện và gửi Báo cáo tới Cục Điện lực (Bộ Công thương).
Tại Quy hoạch Điện VIII được phê duyệt vào ngày 15/5/2023, Dự án Điện khí LNG Long An I và Long An II cũng nằm trong danh mục các dự án nguồn và lưới điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện.
Đường còn dài
Theo quy định tại khoản 2, Điều 17, Thông tư 57/2020/TT-BCT, bên bán có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA) gửi bên mua để đàm phán và thực hiện các thủ tục để ký hợp đồng mua bán điện.
Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, ở thời điểm cuối tháng 5/2023, chủ đầu tư chưa gửi hồ sơ đề nghị đàm phán PPA với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đáng chú ý là, việc đàm phán PPA có liên quan mật thiết tới các khâu tiếp theo của Dự án, như huy động vốn hay thu được tiền ra sao sau này.
Nhìn sang một số dự án điện khí LNG ở các địa phương cùng trong khu vực miền Nam, có thể thấy, thời gian hoàn tất đàm phán PPA sẽ không nhanh. Cụ thể, cơ quan chức năng chưa ban hành khung giá phát điện cho nhà máy điện khí LNG, nhưng đây chỉ là một vấn đề trong quá trình đàm phán PPA, bởi còn phải xác định rất nhiều yếu tố khác.
Đơn cử, Dự án Nhà máy điện LNG Nhơn Trạch 3&4 đến thời điểm hiện nay đã đàm phán PPA hơn 2 năm, nhưng chưa hoàn thiện để ký kết. Vướng mắc chính có thể kể tới là việc cam kết tổng sản lượng điện mua hàng năm (Qc) từ phía EVN và bao tiêu sản lượng khí hàng năm.
Chủ đầu tư của Điện khí LNG Nhơn Trạch 3&4 từng đề xuất mức Qc hàng năm là 80-90% sản lượng điện năng phát ra bình quân nhiều năm của nhà máy và thời gian áp dụng là 15 năm kể từ khi đi vào vận hành thương mại. Trong khi đó, Thông tư 24/2019/TT-BCT quy định, đơn vị phát điện và mua điện có trách nhiệm thỏa thuận, thống nhất và quy định trong PPA về tỷ lệ sản lượng điện năng thanh toán theo giá hợp đồng trong khung quy định từ 60% trở lên hoặc Qc năm (hoặc từng năm trong chu kỳ nhiều năm).
Sự chênh lệch lớn giữa Qc mong muốn với quy định trên hiện chưa biết giải quyết ra sao, khi Chính phủ có ý kiến “đây là thỏa thuận sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp”; Bộ Công thương cho rằng, “đơn vị cần báo cáo cấp cao hơn”; còn EVN cho biết, “không đủ thẩm quyền để quyết định”.
Tại Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu cũng có chủ đầu tư 100% vốn nước ngoài như Điện khí LNG Long An I&II, tình hình còn nan giải hơn. Đã hơn 3 năm kể từ khi có giấy chứng nhận đầu tư, Dự án vẫn chưa xong khâu chuẩn bị với nhiều đề nghị từ phía chủ đầu tư được các cơ quan có thẩm quyền cho là chưa có tiền lệ và yêu cầu “làm đúng theo quy định của pháp luật hiện hành”.
Việc tắc nghẽn đang diễn ra ở các dự án điện khí LNG đã có những bước đi nhanh hơn này cũng dự báo những thách thức mà VinaCapital và GS Energy có thể gặp phải trong tương lai tại Dự án Điện khí LNG Long An II và II, đòi hỏi nhà đầu tư phải kiên nhẫn và có giải pháp phù hợp thì mới đi xa được.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận