Dự án trọng điểm sông Tích 7.000 tỷ đình trệ: Đến hẹn … lại quên
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền giao Sở NN&PTNN báo cáo những vấn đề liên quan dự án Tiếp nước, cải tạo sông Tích trước ngày 15/4/2021.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền giao Sở NN&PTNN báo cáo những vấn đề liên quan dự án Tiếp nước, cải tạo sông Tích trước ngày 15/4/2021. Thế nhưng, đến nay sở này vẫn chưa có hồi âm.
Ngày 9/3/2021, trong cuộc họp xem xét, xử lý những khó khăn, vướng mắc của dự án Tiếp nước, cải tạo sông Tích từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì, Lãnh đạo TP Hà Nội đã có chỉ đạo đối với các sở, ban, ngành liên quan.
Lãnh đạo thành phố nhấn mạnh, quá trình triển khai dự án đã kéo dài, các nội dung phát sinh qua thời gian dài khó giải quyết, đòi hỏi phải rà soát chặt chẽ. Kết luận nêu rõ vai trò của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội (NN&PTNT) là chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện trong quá trình thực hiện và chủ trì tham mưu xử lý, rà soát lại toàn bộ quy định, thủ tục, các bước triển khai, hồ sơ, hoá đơn, biên bản, các vấn đề liên quan toàn bộ nội dung phát sinh, tổng hợp hoàn thiện trong hồ sơ xác định khối lượng phát sinh đảm bảo hiệu quả, chính xác, đúng quy định pháp luật.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cũng đưa ra chỉ đạo cụ thể nội dung công việc phải thực hiện trong thời gian tới. Đối với đoạn 1, giai đoạn I của dự án, Thành phố giao UBND huyện Ba Vì, UBND thị xã Sơn Tây tập trung thực hiện hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng dự án trên địa bàn huyện Ba Vì, thị xã Sơn Tây, phải bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư xong trước ngày 30/4/2021 để phục vụ thi công dự án.
Giao Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ đối với các nội dung mà thành phố đã chỉ đạo, bao gồm việc giải phóng mặt bằng, đào phá đá, vận chuyển, đóng nhổ cọc cừ, thay đổi địa chất. Đối với việc bổ sung 5 cầu dân sinh, quan đỉểm của Thành phố là thống nhất nguyên tắc, tổng hợp trong hồ sơ điều chỉnh dự án. Đồng thời, giao Sở NN&PTNT chủ trì, phố hợp với Sở Tài nguyên Môi trường,…rà soát, khảo sát đề xuất việc xác định cụ thể bãi chứa đất thải, bãi lấy đất đắp, hoàn thiện thủ tục theo quy định.
Đối với các nội dung về đơn giá, định mức, UBND Thành phố Hà Nội giao Sở NN&PTNT, Sở Xây dựng, các sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ tập trung chỉ đạo thực hiện, hoàn thiện hồ sơ, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đảm bảo tiến độ triển khai thực hiện.
Đối với đoạn qua thị xã Sơn Tây, Sở NN&PTNT và cơ quan có liên quan cần nghiên cứu sự cần thiết, đề xuất cụ thể các khu vực kè cứng hoá đảm bảo phù hợp theo quy hoạch đô thị Sơn Tây, đối với các đoạn còn lại thực hiện nạo vét, hoàn chỉnh bờ sông, xác định rõ chỉ giới tuyến đường hai bên sông phục vụ công tác quản lý, đầu tư khi có điều kiện.
Đặc biệt, cần nghiên cứu đề xuất, đánh giá việc tiếp nước từ sông Tích sang sông Đáy phục vụ sản xuất, dân sinh, góp phần xử lý ô nhiễm môi trường nước sông Đáy.
Trên cơ sở kết quả thực hiện các nội dung nêu trên, UBND Thành phố Hà Nội giao Sở NN&PTNT chủ trì hoàn thiện nội dung báo cáo và dự thảo tờ trình của Ban Cán sự đảng UBND Thành phố xin ý kiến Thường trực, Ban Thường vụ Thành uỷ về chủ trường điều chỉnh dự án làm cơ sở tổ chức triển khai điều chỉnh dự án theo quy định, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 15/4/2021.
Như vậy, mặc dù yêu cầu phải báo cáo trước ngày 15/4/2021 và “chịu trách nhiệm toàn diện”, nhưng theo tiết lộ của bên liên quan, đến nay dù đã quá hạn như Sở NN&PTNT vẫn chưa báo cáo theo yêu cầu.Về nguồn vốn, UBND Thành phố Hà Nội giao Sở kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Tài chính xác định nguồn vốn trước hết là cho giai đoạn I và sau đó là giai đoạn II của dự án, xác định rõ cơ cấu nguồn vốn để hoàn thiện trong điều chỉnh dự án (vốn đã bố trí, còn lại nhu cầu vốn ưu tiến bố trí tiếp trong kế hoạch trung hạn 2021- 2025) để đảm bảo phát huy hiệu quả toàn bộ dự án đã được phê duyệt.
Nhiều ý kiến cho rằng, dự án bị chậm tiến độ là do “trên bảo dưới không nghe”, dù cấp trên yêu cầu thực hiện các vấn đề liên quan đến dự án nhưng các Sở, ban, ngành đã chậm trễ thực hiện, dẫn đến dự án bị đình trệ, kéo dài nhiều năm. Có ý kiến cho rằng cần phải xem lại năng lực điều hành của Giám đốc Sở NN&PTNT. Trong khi đó, người dân cũng cho rằng, UBND TP Hà Nội đã không quyết liệt đốc thúc, chỉ rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức nên sự việc không được giải quyết dứt điểm, kéo dài trong nhiều năm liền, làm cho kỷ cương phép nước bị xem thường…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận