Dự án sân golf quốc tế Thuận Thành (Bắc Ninh): Bộ Tài chính cảnh báo nguy cơ rủi ro về năng lực tài chính của Liên danh nhà đầu tư
Cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án sân golf quốc tế Thuận Thành (Bắc Ninh), Bộ Tài chính cảnh báo những nguy cơ rủi ro về năng lực tài chính của Liên danh nhà đầu tư khi thực hiện dự án. Cụ thể, việc đầu tư, kinh doanh của cả công ty Liên danh nhà đầu tư chủ yếu dựa trên nguồn vốn vay, trong khi doanh nghiệp đang phải thực hiện các nghĩa vụ thanh toán công nợ lớn, đang bị chiếm dụng vốn lớn dẫn đến nhiều nguy cơ rủi ro trong việc thực hiện nghĩa vụ theo cam kết đảm bảo huy động vốn đầu tư thự
Những công nợ “khủng” của Công ty Liên danh nhà đầu tư
Theo Văn bản số 959/BTC-ĐT ngày 31/1/2020 của Bộ tài chính gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư Dự án sân golf quốc tế Thuận Thành (Dự án – PV) tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, Bộ Tài Chính đã đưa ra những cảnh báo khi khoản nợ phải trả của Liên danh nhà đầu tư chiếm gần 50% tổng cộng nguồn vốn, mà trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn.
Cụ thể, Văn bản số 959/BTC-ĐT ngày 31/1/2020 của Bộ tài chính nêu rõ về năng lực tài chính, việc đầu tư, kinh doanh của cả 2 doanh nghiệp chủ yếu dựa trên nguồn vốn vay, trong khi doanh nghiệp đang phải thực hiện các nghĩa vụ thanh toán công nợ lớn, đang bị chiếm dụng vốn lớn dẫn đến nhiều nguy cơ rủi ro trong việc thực hiện nghĩa vụ theo cam kết đảm bảo huy động vốn đầu tư thực hiện Dự án.
Cụ thể, căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một điều của Luật Đất đai quy định về điều kiện năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư, Dự án có quy mô sử dụng 98ha đất với tổng mức đầu tư khoảng 797 tỷ đồng, theo quy định thì nhà đầu tư đề xuất dự án phải đảm bảo góp vốn chủ sở hữu thực hiện Dự án không thấp hơn 119,55 tỷ đồng (15% tổng mức đầu tư) để thực hiện Dự án.
Theo hồ sơ gửi kèm, nhà đầu tư dự kiến phương án tài chính với cơ cấu vốn chủ sở hữu 159,4 tỷ đồng (chiếm 20% tổng vốn đầu tư); vốn vay và huy động 637,6 tỷ đồng (80% tổng vốn đầu tư) để thực hiện Dự án.
Theo các tài liệu báo cáo tài chính kiểm toán của 2 công ty (liên danh nhà đầu tư), tại thời điểm 30/6/2019, vốn chủ sở hữu của Công ty Hudland là 418 tỷ đồng (trong đó, vốn góp của chủ sở hữu là 200 tỷ đồng là cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết, quỹ đầu tư phát triển là 80,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 137,2 tỷ đồng). Tài sản ngắn hạn là 641,7 tỷ đồng, trong đó tiền và các khoản tương đương tiền là 79,5 tỷ đồng hàng tồn kho và phải thu ngắn hạn, chiếm 85,8% tài sản ngắn hạn, trong đó hàng tồn kho là 117,6 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn khoảng 433,03 tỷ đồng (trong đó có khoản cho Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (là công ty góp vốn chủ sở hữu) vay số tiền 120 tỷ đồng với mức lãi suất tính lãi là 10%/năm). Nợ phải trả là 359,6 tỷ đồng trong đó nợ phải trả ngắn hạn là 314,27 tỷ đồng (chiếm 87,4% nợ phải trả); Nợ phải trả dài hạn là 45,4 tỷ đồng; bất động sản đầu tư là 78 tỷ đồng.
Như vậy việc đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp chủ yếu dựa trên nguồn vốn vay, trong khi Công ty đang phải thực hiện các nghĩa vụ thanh toán công nợ lớn (nợ phải trả chiếm gần 50% tổng cộng nguồn vốn, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn), điều này dẫn đến rủi ro trong việc thực hiện nghĩa vụ theo cam kết đảm bảo huy động vốn đầu tư thực hiện Dự án.
Ngoài ra, hàng tồn kho, khoản nợ ngắn hạn và khoản phải thu của Công ty Hudland tương đối lớn cho thấy Công ty đang bị chiếm dụng vốn, khả năng thanh toán của Công ty phụ thuộc lớn vào công tác thu hồi công nợ và công tác bán hàng tồn kho, có thể ảnh hưởng đến dòng tiền để thực hiện Dự án.
Đồng thời, ngoài việc đầu tư cho tài sản cố định, đầu tư hoạt động tài chính kinh doanh, vốn chủ sở hữu của Công ty Hudland còn phải tiếp tục đầu tư cho các dự án dang dở. Song, hồ sơ Công ty Hudland cũng chưa thuyết minh rõ đơn vị sử dụng vốn góp để thực hiện Dự án này hay kinh doanh các ngành nghề khác. Vì vậy, chưa có cơ sở để xem xét, đánh giá về năng lực tài chính của Công ty Hudland.
Làm ăn thua lỗ liên tiếp
Đây là thực tế được nêu rõ khi đối chiếu báo cáo tài chính được kiểm toán năm 2017 và 2018 của Công ty Thăng Long. Theo đó, tại thời điểm ngày 31/12/2018 vốn chủ sở hữu của Công ty Thăng Long là 87,3 tỷ đồng; (trong đó, vốn góp của chủ sở hữu là 100 tỷ đồng là cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 12,6 tỷ đồng...); nợ phải trả là 5,18 tỷ đồng, không có nợ dài hạn. Tài sản ngắn hạn là 57,2 tỷ đồng, trong đó tiền và các khoản tương đương tiền là 211 triệu đồng; phải thu ngắn hạn là 56,3 tỷ đồng, chiếm 98,4% tài sản ngắn hạn. Đầu tư tài chính dài hạn là 33,7 tỷ đồng, chiếm 95,6% tài sản dài hạn.
Trong giai đoạn từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2018 Công ty Thăng Long không phát sinh doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, năm 2018 kinh doanh thua lỗ (-) 917 triệu đồng, lỗ lũy kế đến thời điểm ngày 31/12/2018 là (-) 12,7 tỷ đồng.
Từ các vấn đề trên cho thấy Công ty Thăng Long đang bị mất vốn chủ sở hữu, kinh doanh thua lỗ nhiều năm liên tiếp; ngoài ra Công ty Thăng Long đang bị chiếm dụng vốn ngắn hạn lớn, chiếm 60% tổng tài sản, trong đó chủ yếu là cho các cổ đông của Công ty Thăng Long vay với mức lãi suất 0%/năm. Những điều này cho thấy rủi ro của Công ty Thăng Long trong việc huy động vốn thực hiện Dự án. Theo Văn bản 959/BTC-ĐT của Bộ Tài chính, hồ sơ Công ty Thăng Long cũng chưa thuyết minh rõ đơn vị sử dụng vốn góp để thực hiện Dự án này hay kinh doanh các ngành nghề khác.
“Từ những nội dung trên, Bộ Tài chính chưa có cơ sở đưa ra ý kiến đánh giá về khả năng đáp ứng nguồn vốn chủ sở hữu thực hiện Dự án, năng lực tài chính của Liên danh nhà đầu tư…”, văn bản của Bộ Tài chính nêu rõ.
Trước những vấn đề đáng quan ngại nêu trên, mới mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang tiếp tục có văn bản gửi Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xin ý kiến thẩm định thực hiện Dự án sân golf quốc tế Thuận Thành tại xã Đình Tổ (huyện Thuận Thành). Dự án được giao cho liên danh Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển bất động sản Hudland và Công ty Cổ phần tư vấn và thương mại Thăng Long (Công ty Thăng Long - PV) làm chủ đầu tư. Cả hai đều là không phải là những cái tên nổi bật trên thị trường bất động sản và cũng chưa có những dự án bất động sản quy mô lớn nào được dư luận thực sự quan tâm.
Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các Bộ, ngành khác sẽ có ý kiến như thế nào về tính khả thi của dự án này?
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận