Dự án metro số 1 và 2 tại TP.HCM đang thực hiện ra sao?
Theo MAUR, tuyến metro số 1 đến nay đã đạt 79% khối lượng công việc, mục tiêu cuối năm 2020, dự án đạt ít nhất 85% khối lượng và đưa vào khai thác cuối năm 2021. Trong khi đó, tuyến metro số 2 công tác GPMB chỉ đạt 74,63% và đang bị chậm tiến độ, dự kiến đến quý II/2021 mới có thể hoàn thành.
Hoàn tất GPMB metro số 2 vào quý II/2021
Dự án metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) thuộc công trình đường sắt đô thị thuộc cấp đặc biệt, với tổng mức đầu tư gần 47.891 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng hơn 18.512 tỷ đồng; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và di dời hỗ trợ gần 4.181 tỷ đồng…
Dự án có tổng chiều dài là 11,2km, dự kiến đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Phú, Tân Bình với đoạn đi ngầm dài khoảng 9,2 km, đoạn đi trên cao, chuyển tiếp và đường dẫn depot dài khoảng 2 km. Công trình bao gồm chín ga ngầm, một ga trên cao và một depot. Theo kế hoạch, tuyến metro số 2 sẽ khởi công năm 2021, hoàn thành sau 5 năm.
Liên quan đến tiến độ thực hiện dự án metro số 2, tại văn bản khẩn mà Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) vừa gửi Sở KH&ĐT TP.HCM cho biết, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đến nay chỉ mới đạt 74,63% (450/603 trường hợp).
Trong đó, các quận 1, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú đạt 100%. Quận Tân Bình đã bàn giao mặt bằng hai nhà ga (S10 - Phạm Văn Bạch; S11- Tân Bình); quận 10 bàn giao mặt bằng một nhà ga (S5 - Lê Thị Riêng); quận Tân Phú bàn giao mặt bằng ba nhà ga (S9 - Bà Quẹo; S10 - Phạm Văn Bạch; S11- Tân Bình) và đoạn đường dẫn vào depot Tham Lương. UBND quận 12 cũng gần hoàn tất công tác bàn giao, chỉ còn chờ một công ty di dời về địa chỉ mới.
Theo MAUR, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự chậm trể trên là do công tác bố trí vốn để thực hiện GPMB cho dự án trong năm nay chưa đảm bảo so với nhu cầu thực tế dẫn đến các quận, huyện có nhu cầu tiếp tục bố trí kế hoạch vốn cho năm tiếp theo để hoàn thành dự án.
Đáng chú ý, MAUR đề cập đến việc công tác GPMB tuyến metro số 2 khó có thể hoàn thành trong năm 2020.
Do đó, MAUR kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo và giải quyết khó khăn vướng mắc để thực hiện công tác GPMB. Cụ thể là giải quyết chính sách bồi thường của quận 3, bố trí vốn để thực hiện GPMB.
Về vấn đề này, MAUR cho biết, UBND quận 3 đã họp dân và đang củng cố hồ sơ bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Địa phương đang dự thảo các phương án để kịp tiến độ ban hành lại quyết định bồi thường trong tháng 12.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT TP.HCM cũng đã trình UBND thành phố phương án điều chỉnh giá đất tại quận 3, chờ phê duyệt để triển khai. So với trước, giá mới được cho sát thực tế hơn.
“Phía chủ đầu tư đang phối hợp các bên giải quyết tồn đọng, đẩy nhanh tiến độ dự án, dự kiến sẽ hoàn thành GPMB vào quý II năm sau”, MAUR thông tin.
Như vậy, công tác GPMB của dự án hiện đang bị chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra trước đó là cuối năm 2020 sẽ hoàn thành.
Cuối năm 2021, vận hành tuyến metro số 1
Dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được khởi công xây dựng từ tháng 8/2012, với 4 gói thầu chính, có tổng chiều dài 19,7km, trong đó, đoạn đi ngầm 2,6 km và đoạn đi trên cao 17,1km. Với 14 nhà ga (3 ga ngầm và 11 ga trên cao) và 1 depot. Đi qua các quận gồm: Quận 1, Bình Thạnh, quận 2, quận 9, Thủ Đức của TP.HCM và huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 43.757,15 tỷ đồng trong đó, vốn vay ODA của Nhật Bản hơn 185 tỷ Yên (tương đương 38.265,55 tỷ đồng), vốn từ ngân sách TP.HCM là 5.491,6 tỷ đồng.
Đến nay, tuyến metro số 1 đạt 79% khối lượng công việc. MAUR cho biết, hiện tiến độ công trình đang được kiểm soát để tiếp tục các bước nghiệm thu, bàn giao và vận hành. Đồng thời, đặt mục tiêu cuối năm nay, dự án đạt ít nhất 85% khối lượng và đưa vào khai thác cuối năm 2021.
Mặt khác, để đảm bảo hiệu quả khi khai thác tuyến metro đầu tiên của thành phố trong năm tới, vừa qua, Sở GTVT TP.HCM cũng đã trình UBND thành phố 8 giải pháp kết nối về giao thông, tiện ích dịch vụ đối với metro số 1.
Thứ nhất, TP.HCM cần xây dựng buýt nhanh (BRT) để đảm bảo người dân có nhiều lựa chọn kết nối metro. BRT do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành năm 2022.
Thứ hai, xây dựng tuyến buýt kết nối đồng bộ tuyến metro số 1 nhằm tăng khả năng tiếp cận cho người dân đi metro. Dự án này đang được Sở Kế hoạch - Đầu tư thẩm định và sẽ trình thông qua chủ trương đầu tư cuối năm nay.
Thứ ba, xây dựng hệ thống vé điện tử thanh toán liên kết các tuyến metro và tất cả loại hình giao thông công cộng khác. Dự kiến, hệ thống thẻ vé này ứng dụng trong năm 2022, sau đó được cập nhật theo thực tế.
Thứ tư, tổ chức giao thông dọc metro số 1 như bãi đỗ xe, nhà chờ xe buýt, giúp khách thuận tiện chuyển đổi phương tiện đi lại. Dự án đang được rà soát hiện trạng, đánh giá các công trình xung quanh để xây dựng kế hoạch nối kết đồng bộ. Dự kiến hoàn thành năm 2021.
Thứ năm, phát triển đô thị xung quanh ga metro số 1 theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông), do Sở Quy hoạch Kiến trúc làm chủ đầu tư. Nội dung được dự kiến hoàn thành bước đầu vào quý III/2021.
Thứ sáu, ứng dụng công nghệ thông tin. Đó là xây dựng phần mềm mới, được thực hiện liên tục để hỗ trợ quản lý, vận hành, phục vụ hành khách tuyến metro số 1.
Thứ bảy, kinh doanh ngoài vé là giải pháp tăng thu khi vận hành. Việc khai thác này sẽ tận dụng giá trị các khu đất hành lang, xung quanh ga metro. Ban quản lý đường sắt đô thị (MAUR) đang nghiên cứu, đề xuất cơ chế khuyến khích đầu tư, khai thác hình thức kinh doanh này.
Cuối cùng là việc xây dựng các công trình kết nối nhà ga. Trong đó, có sự kết hợp nhiều loại hình kinh doanh xung quanh để tăng các tiện ích, thu hút khách tham quan và sử dụng metro.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận