Dự án điện mặt trời hút vốn ngoại
Hơn 37 triệu USD đã được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các đối tác tài chính quốc tế khác thu xếp cho Công ty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (DHD) vay để làm dự án điện mặt trời nổi đầu tiên tại Việt Nam.
Gần 2 năm đàm phán
Ông Nguyễn Trọng Oánh, Chủ tịch HĐQT Công ty DHD nhớ lại, kể từ khi tiếp xúc với ADB hồi đầu năm 2018 tới ngày ký được hợp đồng vay vốn tuần trước, tính ra mất gần 2 năm. “Sở dĩ lâu vậy là bởi, đây là khoản vay không có bảo lãnh của Chính phủ và dựa hoàn toàn vào nội lực của DHD”, ông Oánh nói.
Thừa nhận đã mất rất nhiều thời gian trong đàm phán tại dự án trên, đại diện ADB cũng cho hay, thường thì một dự án kiểu này cần thời gian xử lý từ khi đàm phán đến lúc ký kết là 5-6 tháng. “Đây là dự án điện mặt trời nổi đầu tiên ở Việt Nam, dùng công nghệ mới và khoản vay này không có bảo lãnh Chính phủ cho một công ty, nên cũng mất nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu để có cơ chế đảm bảo cho khoản vay. Tuy nhiên, với các dự án trong tương lai, chúng tôi đã có kinh nghiệm thì thời gian chắc chắn giảm đi nhiều”, đại diện ADB nói.
Với công suất 47 MWp, Dự án Điện mặt trời nổi trên hồ Đa Mi có tổng mức đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng, đã gồm thuế. Theo thiết kế và vận hành, Nhà máy hoạt động trong thời gian 25 năm và sẽ hoàn vốn sau 13,5 năm. “Với mức suy giảm hiệu suất hàng năm trung bình từ 0,5-0,7%, DHD tự tin vào hiệu quả của dự án”, ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc DHD nói.
Theo ông Quang, ban đầu, Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.430 tỷ đồng, nhưng sau khi đấu thầu, thì còn lại 1.300 tỷ đồng. Phần vay nước ngoài tính toán là hơn 40 triệu USD, nhưng thực tế chỉ vay có 37 triệu USD.
Gói tài trợ bao gồm một khoản vay trị giá 17,6 triệu USD từ nguồn vốn vay thông thường của ADB. Khoản vay này được bổ sung 15 triệu USD tài trợ ưu đãi hỗn hợp được cung cấp bởi Quỹ Biến đổi khí hậu Canada cho Khu vực tư nhân ở châu Á và Quỹ Biến đổi khí hậu Canada cho Khu vực tư nhân ở châu Á II (do Chính phủ Canada thành lập). Gói tài trợ cũng bao gồm khoản vay song song trị giá 4,4 triệu USD từ Quỹ Cơ sở hạ tầng khu vực tư nhân hàng đầu châu Á (LEAP), được hỗ trợ bởi Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
Sự có mặt của JICA trong gói vay này là bởi 3 nhà máy thủy điện lớn của DHD đều có sự hỗ trợ của nguồn vốn đến từ Nhật Bản trong quá trình xây dựng trước đây.
Nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay, mặc dù khác nhau, nhưng lãi suất của các khoản vay này không quá 5%/năm và được xem là khá hấp dẫn.
Sức hút từ chính doanh nghiệp
Lý giải về việc DHD nhận được khoản vay không nhỏ từ ADB và các đối tác, ông Oánh cho hay, khó nhất với ADB chính là chứng minh khả năng quản lý và tài chính, đáp ứng các điều kiện về môi trường và xã hội.
Ngay trước khi ký hợp đồng vay vốn chính thức vài ngày, các chuyên gia của ADB đã kiểm tra thực tế Nhà máy Điện mặt trời Đa Mi, tuyến đường dây 110 kV và các hộ dân chịu ảnh hưởng tác động của Dự án, để đánh giá kết quả thực hiện cam kết bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng của DHD theo hồ sơ vay vốn như một phần quan trọng để xem xét, chấp thuận giải ngân cho dự án.
Có thể nói, mô hình và kết quả hoạt động kinh doanh của DHD cũng là một phần lý do khiến khoản vay ngoại nói trên được chấp thuận dù không có bảo lãnh của Chính phủ. Năm 2018, DHD đạt mức lợi nhuận sau thuế 1.282 tỷ đồng, năm 2017 là 655 tỷ đồng.
DHD là một trong các doanh nghiệp phát điện hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2010, dù Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn nắm tới hơn 98% vốn điều lệ. Doanh nghiệp này từng được SN Power (Na Uy) theo đuổi với mong muốn mua được tới 49% vốn điều lệ hồi năm 2011.
“Trong dự án trên, ADB đóng góp không lớn, nhưng đã thu hút được các nguồn khác cùng tham gia và chúng tôi hy vọng sẽ còn có các đột phá trong những dự án tiếp theo”, ông Christopher Thieme, Phó tổng vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ khu vực tư nhân của ADB nói.
Theo ông Christopher Thieme, để thu hút vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng mà không cần bảo lãnh của Chính phủ, phía Việt Nam cần xem xét kỹ Luật Đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư đang được soạn thảo theo hướng đưa ra các quy định gần với chuẩn mực quốc tế, nhằm phát huy được công nghệ mới và nguồn lực gia tăng từ đóng góp của khu vực tư nhân.
DHD đang sở hữu và vận hành 4 nhà máy thủy điện
Trước khi có nhà máy điện mặt trời nổi 47 MWp, DHD đang sở hữu và vận hành 4 nhà máy thủy điện: Đa Mi (175 MW), Hàm Thuận (300 MW), Đa Nhim (160 MW), và Sông Pha (7,5 MW). Tổng công suất phát điện của DHD là 642,5 MW, bằng khoảng 1,7% tổng công suất phát điện của Việt Nam. Đây cũng là cơ sở để DHD điều tiết phát điện nhằm tận dụng tối đa ưu thế giá cao của điện mặt trời, trong khi thủy điện có giá bán điện thấp với điều kiện thực tế đường truyền tải tại khu vực này vẫn đang quá tải, vì có quá nhiều dự án điện mặt trời cùng chạy tiến độ 30/6/2019.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận