Dragon Capital tự tin nhuận doanh nghiệp năm 2021 sẽ tăng mạnh hơn dự báo, định giá TTCK đang hấp dẫn
Theo Dragon Capital, vĩ mô tích cực, khối ngoại có xu hướng giảm bán ròng, hệ thống giao dịch HoSE được cải thiện, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tăng mạnh hơn dự báo khiến định giá thị trường chứng khoán khá hấp dẫn...
Khối ngoại giảm bán ròng, định giá TTCK Việt Nam khá hấp dẫn
Trong báo cáo mới được công bố, Dragon Capital đã có những quan điểm tích cực về thị trường chứng khoán Việt Nam khi lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng trưởng mạnh hơn dự báo.
Kết quả kinh doanh quý 1/2021 tăng trưởng đột biến khi lợi nhuận sau thuế các doanh nghiệp thuộc nhóm DC TOP-60 (chiếm trên 80% tổng vốn hóa thị trường) tăng 81%.
Nhóm ngành dẫn đầu bao gồm ngân hàng (tăng 77%); bất động sản (+61%); và thép (+224%). Đây là 3 ngành trụ cột của nền kinh tế khi tầng lớp trung lưu tiếp tục gia tăng mạnh và đô thị hóa duy trì đà tăng trưởng.
Ngược lại, nhóm ngành vận tải và hàng không ghi nhận lợi nhuận giảm 49% vì dịch Covid-19 lại bùng phát trong dịp Tết năm nay. Kết quả kinh doanh quý 1/2021 đạt 26% dự báo cả năm của Dragon Capital.
Theo Dragon Capital, với mức tăng trưởng EPS là 36% trong năm 2021, PER của TTCK Việt Nam hiện ở mức 12,6, là mức định giá khá hấp dẫn.
Về hệ thống giao dịch, Dragon Capital cho biết, năng lực của hệ thống được gia tăng đáng kể và có thể hoạt động tốt với mức thanh khoản trên 23.000 tỷ. Khối lượng giao dịch trên sàn HOSE tăng 19% đạt hơn 18.800 tỷ, một số phiên đạt trên 20.000 tỷ khi thị trường không còn gặp trở ngại vào cuối phiên sáng và đầu phiên chiều. Tổng thanh khoản trên cả 3 sàn tăng 17%, đạt gần 23.000 tỷ.
Giao dịch khối ngoại đang dần tích cực hơn. Trong tháng 4, khối ngoại quay trở lại mua ròng gần 70 tỷ trên sàn HOSE, mặc dù giá trị mua ròng chưa cao nhưng so với mức bán ròng hơn 11.000 tỷ vào tháng 3, đây là tín hiệu tích cực. Dòng tiền mua ròng của khối ngoại phần lớn đến từ quỹ Fubon (hơn 8.000 tỷ) và một giao dịch liên quan đến Vinhomes (gần 2.200 tỷ).
VIC được mua ròng mạnh nhất với giá trị hơn 1.100 tỷ khi tập đoàn này công bố kế hoạch niêm yết Vinfast (công ty con chuyên sản xuất xe điện) trên sàn chứng khoán Mỹ với mức định giá mục tiêu lên đến 50 tỷ USD. Một trong những thương vụ nổi bật được chờ đợi trong thời gian dài đã được công bố trong tháng 4 đó là VPBank bán 49% cổ phần FE Credit với mức định giá hơn 64.000 tỷ cho Sumitomo.
Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu bị bán ròng mạnh bao gồm VNM (1.380 tỷ), CTG (1.600 tỷ), VPB (1.630 tỷ).
Lạm phát cả năm sẽ đạt 3,5%, GDP tăng trưởng 7%
Về kinh tế vĩ mô, Dragon Capital đánh giá, chỉ số vĩ mô tháng 4 tăng trưởng tích cực. Sản xuất công nghiệp tăng 24,1% so với cùng kỳ, kéo số liệu 4 tháng đầu năm tăng lên 10%. PMI đạt mức 54,7 nhờ nhu cầu gia tăng tại các thị trường Mỹ và Châu Âu, tháng tăng thứ 5 liên tiếp. Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 28% 4 tháng đầu năm, đạt 203 tỷ USD, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia chiếm 1,8% thị phần xuất khẩu toàn cầu vào cuối năm.
Mặc dù nhập khẩu tăng 30%, đạt 101 tỷ USD, nhưng thặng dư thương mại vẫn dương 1,1 tỷ USD. Cùng với đó, tăng trưởng doanh số bán lẻ tăng 2,3% so với tháng trước, giúp số liệu tăng trưởng 4 tháng đầu năm đạt mức 10% so với cùng kỳ. Đây là một bất ngờ lớn trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng và du lịch quốc tế bị đóng cửa hoàn toàn. Dragon Capital đánh giá GDP đang đi đúng với được dự báo tăng trưởng 7% trong năm 2021.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 giảm 0,04% so với tháng 3, mặc dù số liệu 4 tháng đầu năm đạt 2,7% so với cùng kỳ do nền giá thấp năm 2020. Mức tăng 17,7% của chi phí vận chuyển (chiếm 10% rổ hàng hóa) không tác động nhiều đến CPI. Thị trường tài chính đang phản ánh lạm phát chỉ vẫn trong tầm kiểm soát khi lãi suất duy trì ổn định: lãi suất huy động dưới 1 tháng ở mức 3,5%-4% và lãi suất liên ngân hàng 1 tháng đạt 1-1,2%, đều không thay đổi so với tháng 3.
Dragon Capital kỳ vọng lạm phát sẽ đạt đỉnh trong vài tháng tới sau đó giảm trở lại trong nửa sau năm 2021 khi nền giá thấp không còn, và lạm phát trung bình cả năm sẽ đạt 3,5%. Dự báo trên dựa trên nhận định giá dầu sẽ dần ổn định và không còn dịch tả lợn. Nhập khẩu lạm phát là rủi ro tiềm ẩn, không phải lạm phát đến từ chính sách tiền tệ hoặc tài khóa trong nước. Rủi ro của Việt Nam phần lớn đến từ các yếu tố bên ngoài.
Covid-19 là một trong những yếu tố bên ngoài điển hình gây ảnh hưởng tới Việt Nam. Dịch bệnh bất ngờ xuất hiện ở các tỉnh thành trên cả nước tiếp tục mối lo ngại lớn. Mới nhất là đợt dịch bùng phát vào giai đoạn cuối tháng 4 tại các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, Dragon Capital cho rằng nhiều khả năng đợt dịch này sẽ được kiểm soát trong thời gian ngắn bằng việc truy vết và triển khai các biện pháp phòng chống theo quy định. Dịch bệnh đã diễn biến một thời gian dài và các cơ quan y tế đang nỗ lực để đẩy nhanh quá trình tiêm chủng vắc xin và từ đó mở cửa du lịch quốc tế trở lại. Vấn đề hiện tại là số lượng vắc xin. Mặc dù Việt Nam đã đặt mua ít nhất 70 triệu liều AZ, tuy nhiên nguồn vắc xin vẫn đang được ưu tiên phân phối cho các nước phát triển.
Việt Nam đã nhận được 930.000 liều vắc xin và đã tiến hành tiêm chủng cho 740.000 liều cho lực lượng cán bộ, nhân viên tuyến đầu. Việt Nam được dự báo là sẽ nhận thêm 1,6 triệu liều từ Covax vào ngày 10/5 và thêm 15 triệu liều đến tháng 8. Cùng với đó, Bộ y tế đang nỗ lực để hoàn thiện hệ thống hậu cần phân phối phục vụ cho việc tiêm chủng toàn dân với mục tiêu đạt miễn dịch tối thiểu 70% dân số. Với tình hình hiện tại, việc hoàn thành mục tiêu miễn dịch cộng đồng cần một thời gian dài, tuy nhiên Dragon Capital cho rằng mục tiêu có thể rõ ràng hơn vào cuối năm nay khi nguồn vắc xin dồi dào hơn, từ đó có thể dần mở cửa đường bay quốc tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận