DQC: Khi định giá quá cao
Sau khi thiết lập đỉnh lịch sử, cổ phiếu DQC của Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang liên tục đổ đèo và đang cho thấy dấu hiệu xả hàng.
Sau khi thiết lập đỉnh 60.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 8/2016, giá cổ phiếu DQC ròng rã đi xuống trong vòng 5 năm liền, về mức 15.000 đồng/cổ phiếu.
Nhưng từ khoảng cuối quý III năm ngoái, cổ phiếu này bắt đầu xu hướng tăng mạnh và vượt qua đỉnh cũ, lên mức 65.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 15/3/2022, tương đương mức tăng trưởng hơn 250%, vượt trội so với mức tăng 30% của chỉ số VN-Index cùng giai đoạn.
Nhưng kể từ sau khi thiết lập đỉnh lịch sử vào giữa tháng 3, cổ phiếu này liên tục đổ đèo, đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/4 ở mức 38.600 đồng/cổ phiếu.
Lý do giá DQC đổ đèo những ngày qua không quá khó hiểu, ngoài việc thị trường chung có nhịp giảm thì nguyên nhân chính vẫn là cổ phiếu này đã tăng quá đà, không tương ứng với những thay đổi về hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo trang cập nhật dữ liệu tài chính độc lập Simplize, biên lợi nhuận ròng bình quân 12 tháng năm 2021 của DQC đạt mức 3,4%, thấp hơn mức trung bình ngành 27,6%.
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của DQC trong năm 2021 chỉ đạt 2,53%, cho thấy khả năng sử dụng vốn của doanh nghiệp không hiệu quả. Trong khi đó, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trung bình ngành linh kiện và thiết bị điện ở Việt Nam đạt mức 15,64%.
Với mức giá hiện tại gần 40.000 đồng/cổ phiếu, DQC đang giao dịch mức P/E trên 40 lần, gấp 1,3 lần so với mức P/E trung bình ngành trong khu vực và gấp 2,67 lần so với P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Năm 2022, Điện Quang trình cổ đông kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 1.000 tỷ đồng, tăng 36,2% so với mức thực hiện năm 2021. Mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng ở mức 21,4%, nhưng giá trị tuyệt đối khá khiêm tốn, với 30 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào ngành chiếu sáng làm cho sự cạnh tranh về giá sản phẩm chiếu sáng ngày càng gay gắt, đặc biệt ở nhóm sản phẩm phổ thông.
Chính vì vậy, DQC cũng phải phát triển các sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, thiết bị ngành hàng thông minh và giải pháp công nghệ điều khiển thông minh, giải pháp chiếu sáng điều khiển thông minh.
Có thể thấy, việc mua vào cổ phiếu DQC ở vùng giá cao đồng nghĩa với việc nhà đầu tư đặt cược vào bức tranh tương lai của doanh nghiệp, mà đây vẫn là ẩn số.
Một điểm đáng chú ý khác, 2021 - 2022 là giai đoạn bùng nổ giá cổ phiếu DQC trên thị trường cũng là lúc người có liên quan đến thành viên Hội đồng quản trị liên tục bán ra cổ phiếu. Trong đó, ông Hồ Đức Lam, anh trai Chủ tịch Hội đồng quản trị đã thoái toàn bộ hơn 1,6 triệu cổ phiếu trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 2/2022.
Ngoài ra, các cổ đông nội bộ như bà Phạm Vũ Phương Linh - vợ thành viên Hội đồng quản trị bán 70.000 cổ phiếu; bà Nguyễn Thị Kim Vinh, người công bố thông tin cũng đăng ký bán 20.000 cổ phiếu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận