Dòng vốn đầu tư và tình hình kinh doanh của F88 trước khi bị khám xét
Dòng vốn của F88 ngoài hoạt động cung cấp dịch vụ cầm đồ, doanh nghiệp này còn “hút vốn” bằng dòng tiền từ các nhà đầu tư nước ngoài và kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an vừa phối hợp với Công an TP HCM đã tiến hành khám xét khẩn cấp văn phòng Công ty CP Kinh doanh F88 (F88) trên đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp. F88 bị nghi ngờ thông qua hoạt động cho vay để cưỡng đoạt tài sản.
Không chỉ có thông tin này, mới đây Bảo hiểm xã hội Hà Nội cũng đã cho biết, F88 đang nợ hơn 4 tỷ đồng tiền BHXH của 2.197 nhân viên, số liệu tính hết ngày 30/1/2023. Trước thông tin trên, ông Phùng Anh Tuấn, CEO F88, phản hồi rằng đây là danh sách các công ty chưa đóng vào ngày 30/1. “Còn F88 đã đóng vào ngày 31/1 (chưa hết tháng, quy định là đóng trong tháng)”, ông Tuấn viết trên trang cá nhân.
Kết hợp 5 công ty tài chính có tiếng
F88 là hệ thống chuỗi cầm đồ được sáng lập bởi cựu “hacker” Phùng Anh Tuấn (SN 1984) – một cựu sinh viên xuất sắc của Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Ban đầu F88 có quy mô vốn điều lệ 54,5 tỷ đồng, trong đó Công ty CP Đầu tư F88 (F88 Invest) chiếm tỷ lệ sở hữu lên tới 99,99% vốn điều lệ. Tới tháng 10/2022, F88 đã nâng số vốn điều lệ lên thành 566,9 tỷ đồng.
Công ty mẹ của F88 là F88 Invest được thành lập vào tháng 11/2015, đăng ký trụ sở chính tại đường Hùng Vương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Tới tháng 11/2022, quy mô vốn của F88 Invest đạt 69,88 tỷ đồng, gồm nhiều nhà đầu tư ngoại góp vốn.
Trong đó, Skydom Pte Ltd sở hữu 37,035% vốn điều lệ, Bronze Blade Limited sở hữu 11,63% vốn điều lệ và James Alan Barron sở hữu 2,622% vốn điều lệ.
F88 được biết đến là doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ cho vay cầm cố tài sản và các tiện ích tài chính khác như bảo hiểm kết hợp với 5 công ty bảo hiểm như PTI, Bảo Minh, Map Life... dịch vụ thu hộ, chi hộ, thanh toán hoá đơn, chuyển tiền, nạp rút tiền ví điện tử…
Theo báo cáo nhà đầu tư mua trái phiếu F88 của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, tính đến năm 2020, giá trị trung bình của một hợp đồng cầm cố của F88 là 13 triệu đồng. Lãi suất cho vay của F88 được giới thiệu là dưới 20%/năm chưa bao gồm chi phí lưu kho, chi phí thẩm định tài sản.
Số liệu 6 tháng đầu năm 2020 cho thấy doanh thu cầm cố xe máy của F88 là 115,6 tỷ đồng, cầm cố ô tô là 38,6 tỷ đồng, cầm cố tài sản khác là 13,4 tỷ đồng, nguồn thu khác là 46,3 tỷ đồng. Doanh thu và các nguồn thu khác của F88 trong năm 2019 tăng 2,8 lần so với năm 2018 và 9,5 lần so với năm 2017.
Riêng cầm cố xe máy là mảng mang lại doanh thu lớn nhất cho F88, chiếm 69,9% năm 2021. Mảng cầm cố ô tô chiếm khoảng 22,9% tỷ trọng doanh thu năm 2021.
Còn theo số liệu từ Mekong Capital, năm ngoái F88 đạt mức tăng trưởng doanh thu thuần là 112% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ vào hoạt động hiệu quả của mảng sản phẩm bảo hiểm. Chỉ tính riêng doanh thu thuần từ bảo hiểm đã tăng 221% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm hơn 15% tổng doanh thu thuần của công ty.
Tổ chức FiinRatings thông tin, phân khúc cho vay thế chấp F88 vẫn là công ty có thị phần lớn nhất dựa trên mức độ đa dạng và độ bao phủ của mạng lưới cửa hàng, cũng như dựa trên quy mô dư nợ cho vay. F88 đã mở 211 cửa hàng trong năm 2022, nâng tổng số cửa hàng lên 800 cửa hàng tính đến thời điểm hiện tại.
Tính đến quý quý III năm ngoái, tổng dư nợ cho vay sau điều chỉnh của F88 là gần 3.358 tỷ đồng, đã bao gồm khoảng 800 tỷ đồng là các khoản cho vay ngoại bảng (cấp vốn bởi CIMB). Trong khoảng thời gian này, F88 cho biết đã ghi nhận dư nợ tăng 246,4% so với cùng kỳ năm trước.
Công an TP HCM đã tiến hành khám xét khẩn cấp văn phòng F88 trên đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp - Ảnh: VnExpress.net |
Dòng vốn vốn ngoại, “mộng” IPO
Bên cạnh các hoạt động kinh doanh trên, F88 mới đây đã huy động thành công 50 triệu USD (1.185 tỷ đồng) trong vòng gọi vốn Series C các nhà đầu tư gồm quỹ Việt Nam-Oman (VOI) và quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV). Trong đó, VOI góp tới 30 triệu USD.
Trước đó, trong năm 2022, F88 đã huy động được 70 triệu USD từ các quỹ ngoại CLSA Capital Partners (HK) Limited (Lending Ark) và Lendable (London).
Ngoài dòng vốn đầu tư nước ngoài, F88 cũng thu hút được dòng vốn đáng kể từ kênh trái phiếu. Trong năm 2022, doanh nghiệp này đã phát hành khoảng 815,9 tỷ đồng trái phiếu, chủ yếu có kỳ hạn 12 tháng.
Từ tháng 3/2021 đến nay, chuỗi cầm đồ này ghi nhận 20 đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị lên tới 2.365,9 tỷ đồng. Hầu hết các lô trái phiếu đều có lãi suất 11,5-12,5%/năm, kỳ hạn 1-1,5 năm.
Mục tiêu của F88 là IPO vào năm 2024, khi đó số lượng phòng giao dịch của đơn vị sẽ đạt 1.400 phòng và quy mô vốn hoá doanh nghiệp đạt 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, F88 còn lưu hành 8 mã trái phiếu với 1.709 trái phiếu mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Số dư nợ trái phiếu chưa thanh toán ở mức 1.170,9 tỷ đồng. Trong đó, một số khoản trái phiếu hết hạn trong tháng 2, 3 và tháng 5 tới đây.
Theo FiinRatings, thị trường vốn, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp, trải qua một giai đoạn chững lại. Nhu cầu của các nhà đầu tư đối với trái phiếu doanh nghiệp sụt giảm. Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp thắt chặt hơn việc chào bán và phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp. Do đó, trong trung hạn, F88 có thể gặp khó khăn huy động mới vốn nợ trong nước và/hoặc xoay vòng vốn cho các khoản nợ hiện tại.
Lãi suất tăng và diễn biến bất lợi của tỷ giá tác động tiêu cực đến biên lợi nhuận của F88 do chi phí lãi vay cao hơn cho các khoản nợ mới và chi phí phòng ngừa rủi ro tỷ giá hối đoái gia tăng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận