Dòng vốn bao giờ quay trở lại thị trường chứng khoán?
Thanh khoản ở mức thấp cùng đà bán ròng mạnh của khối ngoại tiếp tục là điểm trừ của thị trường chứng khoán.
Từ tâm lý bi quan không biết đâu là đáy và thị trường có thể đi xa đến đâu, hiện nhà đầu tư đã thở phào nhẹ nhõm khi VN-Index “vá” thành công ngưỡng tâm lý mạnh 1.200 điểm trong phiên giao dịch ngày 20.11.
Điểm sáng thị trường thuộc về nhóm cổ phiếu bất động sản với hàng loạt mã đua nhau tăng tốc. Chỉ số VN-Index kết phiên ghi nhận mức tăng hơn 11 điểm, chỉ xác nhận là phiên hồi phục kỹ thuật sau chuỗi 4 phiên liên tiếp giảm sâu, với thanh khoản vẫn cầm chừng, đạt chưa tới 18.000 tỉ đồng.
Thị trường chưa thể bùng nổ bởi dòng tiền mạnh vẫn chưa quay lại và giao dịch của khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh. Trái với lực cầu trong nước sôi động đã giúp thị trường chung hồi phục tích cực, nhà đầu tư ngoại vẫn duy trì trạng thái bán ròng mạnh với giá trị hơn 1.200 tỉ đồng chỉ tính riêng trên sàn HOSE.
Nếu tính từ đầu năm tới nay, khối ngoại đã bán ròng hơn 88.000 tỉ đồng. Khối lượng bán ròng kỉ lục của khối ngoại từ đầu năm đến nay phần nào lý giải tại sao VN-Index không thể bứt phá thành công khỏi ngưỡng 1.300 điểm, mặc dù các chỉ số SP500, Dow Jones hay Nikkei liên tục lập đỉnh mới trong năm 2024.
Diễn biến của dòng vốn ngoại liên quan nhiều đến câu chuyện lãi suất, tỉ giá USD.
Áp lực tỉ giá USD/VND lớn, đi kèm với đà tăng trưởng tốt của các cổ phiếu công nghệ, sản xuất bán dẫn lớn trên thế giới, lãi suất hấp dẫn đến từ trái phiếu chính phủ ở các nước đã phát triển khiến dòng vốn ngoại có xu hướng rút ra khỏi thị trường chứng khoán mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam, để hưởng lợi suất tốt hơn. Đây là câu chuyện không phải mới diễn ra.
Theo giới phân tích, chứng khoán Việt Nam bị khối ngoại bán ròng hơn 2 tỉ USD từ đầu năm 2024 đến nay là con số rất lớn, nếu thị trường không được nâng hạng, khả năng cao sẽ tiếp tục bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng. Để có thể nâng hạng thị trường chứng khoán, Việt Nam cần cải thiện tỉ lệ sở hữu nước ngoài.
Mục tiêu nâng hạng do vậy cần đồng bộ nhiều giải pháp. Đặc biệt là giải pháp cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mua chứng khoán mà không cần có đủ 100% tiền trên tài khoản (pre-funding) và room cho nhà đầu tư nước ngoài.
Trong đó, pre-funding là một bước quan trọng để tăng tính thanh khoản và thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Điều này cũng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho quá trình nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi theo tiêu chuẩn của MSCI và FTSE, đặc biệt khi Việt Nam vẫn đang đặt mục tiêu nâng hạng vào năm 2025 và quỹ chỉ số lớn nhất đầu tư vào thị trường cận biên đã dừng hoạt động (Quỹ iShare Frontier ETF).
Thực tế, quan điểm của các quỹ ngoại vẫn đặt kỳ vọng rất lớn vào triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung và dài hạn.
Nếu Việt Nam tận dụng được nguồn vốn FDI, phát triển lực lượng nhân lực trình độ cao, nâng cao giá trị nội tại của doanh nghiệp trong nước, dòng tiền đầu tư nước ngoài chắc chắn sẽ chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi bao gồm bất động sản khu công nghiệp, sản xuất, công nghệ thông tin, bán dẫn, nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn, nhóm cổ phiếu đạt chuẩn các tiêu chí về ESG.
Khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng, đồng thời đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe khác, nhiều quỹ, công ty quản lý tài sản lớn từ các nước phát triển sẽ coi đây là một nhóm tài sản chất lượng, sẵn sàng đầu tư vào.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận