Đồng USD đã qua mức đỉnh, quá trình sụt giảm giá trị của đồng USD chuẩn bị bắt đầu?
Một số những nhà đầu tư hàng đầu thế giới đang tin rằng khoảng thời gian tệ nhất của quá trình tăng giá của đồng USD đã đi qua sau khoảng thời gian tăng nóng và gây xáo trộn kinh tế toàn cầu theo cách chưa từng có trong lịch sử thế giới hiện đại.
Sau khi tăng giá chóng mặt lên ngưỡng cao của nhiều thập kỷ vào năm ngoái, làm tồi tệ hơn tình trạng đói nghèo cũng như đẩy cao lạm phát tại nhiều nước, từ Pakistan cho đến Ghana, đồng tiền này hiện đã bước vào giai đoạn mà nhiều chuyên gia gọi rằng sự bắt đầu của quá trình suy giảm kéo dài nhiều năm.
Nhiều nhà đầu tư tin rằng đồng USD nhiều khả năng sẽ giảm giá bởi các đợt nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dường như đã gần hoàn tất và gần như tất cả các loại tiền tệ khác sẽ đều tăng giá khi mà nhiều ngân hàng trung ương tiếp tục thắt chặt. Dữ liệu gần đây khiến cho nhiều người cân nhắc lại về việc lãi suất tại Mỹ sẽ tăng đến mức độ nào.
Hiện tại, nhiều nhà đầu tư đang giữ nguyên kỳ vọng này, thậm chí kể cả sau khi đồng USD lấy lại phần lớn mức sụt giảm tính từ đầu năm.
“Chắc chắn là đỉnh của đồng USD đã qua và đồng tiền này sẽ giảm giá trong thời gian tới. Mặc dù lạm phát tại Mỹ chưa hoàn toàn được kiểm soát và FED sẽ còn giữ lãi suất cao trong dài hạn nhưng các nền kinh tế khác cũng đang bắt kịp Mỹ trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ”, Giám đốc nghiên cứu George Bouboras của K2 Asset Management nhận định.
Những tác dụng mà đồng USD yếu mang đến cho thế giới không thể bị bỏ qua. Giá cả nhập khẩu hàng hóa của nhóm các nước đang phát triển sẽ giảm, nhờ vậy mà lạm phát đi xuống. Đồng USD yếu nhiều khả năng sẽ đẩy cao giá cả của một loạt các loại hàng hóa, từ vàng cho đến các tài sản rủi ro hay tiền mã hóa khi mà tâm lý thị trường cải thiện.
Thực tế này có thể làm hạ nhiệt một số thiệt hại trong năm 2022 khi mà đồng USD mạnh cũng gây ra nhiều hậu quả: lạm phát cao hơn khi mà chi phí thực phẩm và dầu tăng mạnh, nhiều nước như Ghana bị đẩy đến bên bờ vực vỡ nợ, trong khi đó nhà đầu tư chứng khoán và trái phiếu mệt mỏi với tình trạng thua lỗ kéo dài.
Sự tăng giá của đồng USD nhiều khả năng sẽ hạ nhiệt cùng với việc chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu của Fed với nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới bất chấp nỗ lực hạ giá cả tăng nóng. Nhiều nhà hoạch định chính sách khu vực đồng tiền chung châu Âu và Australia hiện đang phát đi thông điệp rằng sẽ cần thêm các biện pháp nâng lãi suất để có thể kiềm chế lạm phát, cùng lúc đó hiện đang xuất hiện ngày một nhiều đồn đoán về khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật sẽ từ bỏ chính sách tiền tệ siêu nới lỏng trong năm nay.
Dữ liệu công bố gần đây cho thấy chi phí lãi vay tại Mỹ nhiều khả năng sẽ lập đỉnh trong tháng 7/2023 và khả năng hạ lãi suất có thể diễn ra ngay từ đầu năm 2024 khi mà Ngân hàng Trung ương Mỹ thay đổi mục tiêu chính sách.
Những kỳ vọng mới nhất có thể thấy rõ trong diễn biến của đồng USD, chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index giảm khoảng 8% sau khi lập kỷ lục vào tháng 9/2022. Cùng lúc đó, trong tháng vừa qua, nhà đầu tư mua trái phiếu của các nước mới nổi ở tốc độ nhanh nhất trong 2 năm.
“Chúng tôi nghĩ rằng đồng USD đã lập đỉnh và xu thế bi quan nhất trong nhiều năm đã bắt đầu”, trưởng bộ phận chiến lược thị trường mới nổi khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại ngân hàng BNP Paribas SA – ông Siddharth Mathur phân tích. Ông Mathur nói: “Chúng tôi nhìn chung bi quan về triển vọng đồng USD và dự báo về khả năng suy yếu trong năm 2023, đặc biệt về nửa sau”.
Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng FED sẽ giảm tần suất nâng lãi suất khi áp lực lạm phát đã qua mức đỉnh. Tuy nhiên nhận định này còn quá sớm khi FED vẫn cho biết lạm phát chưa chấm dứt và họ sẽ không đình chỉ các biện pháp điều tiết thị trường khi chỉ số này chưa xuống mức mục tiêu 2%.
“Tôi cho rằng động thái thắt chặt chính sách tiền tệ của FED vẫn chưa hoàn toàn phát huy hết tác dụng nên có thể họ sẽ nới lỏng sớm thôi. FED nói rằng họ sẽ đưa lạm phát về mức 2% nhưng thực tế thì con số có thể chỉ 3% là đủ. Tôi không nghĩ rằng họ sẽ tiếp tục nâng lãi suất lên mức 6% chỉ vì lạm phát”, Giám đốc tài chính Eric Stein của Morgan Stanley Investment Management nhấn mạnh.
Việc các ngân hàng trung ương khác cũng nâng lãi suất sẽ đẩy giá đồng tiền nhiều nước đi lên. Mặc dù Nhật Bản chưa từ bỏ chính sách siêu nới lỏng tiền tệ nhưng đồng Yên đã tăng giá hơn 12% so với đồng USD kể từ khi xuống mức thấp nhất 30 năm vào tháng 10/2022. Khảo sát của Bloomberg cho thấy đồng tiền này có khả năng sẽ tăng giá thêm 9% vào cuối năm 2023.
Đồng Euro cũng đã tăng giá 11% kể từ mức đáy tháng 9/2022 trong khi đồng USD giảm giá so với hầu hết những đồng tiền chủ chốt trong 3 tháng qua. Chỉ số Bloomberg JPMorgan Asia Dollar Index đo lường những đồng tiền Châu Á chủ chốt đã tăng hơn 5% kể từ khi xuống mức đáy tháng 10/2022.
“Rất nhiều yếu tố hỗ trợ đồng USD năm 2022 đã dần xói mòn. Nhiều ngân hàng trung ương đã bắt đầu nâng lãi suất và nếu việc Trung Quốc mở cửa lại nền kinh tế tạo cú hích cho nguồn cầu trên thị trường thì nhà đầu tư sẽ từ bỏ chính sách mua đồng USD để trú ẩn tài sản”, chuyên gia Dwyfor Evans của State Street Global Markets nhận định.
Một số nhà đầu tư thậm chí đã bắt đầu chuyển biến chiến lược. Quỹ Adn đã thay đổi khuyến nghị từ “Mua vào” (Long Position) sang chờ đợi tình hình, trong khi quỹ Jupiter Asset Management thì khuyến nghị nên bán ra đồng USD.
Tương tự, K2 Asset Management cũng đã đảo ngược khuyến nghị mua vào đồng USD mà họ đã thực hiện từ tháng 10/2022, đồng thời nhận định các đồng tiền khác như Canada hay Australia Dollar sẽ tăng giá mạnh trong năm nay khi nhu cầu hàng hóa xuất khẩu từ những nền kinh tế này gia tăng trở lại.
Hãng tin Bloomberg cho hay số quỹ đầu tư nhận định đồng USD sẽ giảm giá đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2021, còn JPMorgan Asset Management thì cho rằng đồng Yên và Euro sẽ tăng giá mạnh.
Trong khi đó, chuyên gia James Athey của Adn thì thận trọng hơn khi cho rằng cần chờ đợi nền kinh tế thực sự sáng sủa hơn mới có thể xác định được hướng đi của đồng USD.
Theo chuyên gia Omar Slim của PineBridge Investment, đồng USD sẽ không giảm giá thẳng đứng mà sẽ có nhiều biến động lên xuống do FED vẫn sẽ giữ lãi suất cao, nền kinh tế vẫn đối mặt với rủi ro suy thoái và các cuộc xung đột địa chính trị chưa chấm dứt.
“Đồng USD đã qua mức đỉnh của nó nhưng chúng tôi cho rằng sẽ không có cú lội ngược dòng hoàn toàn, xóa bỏ hết đà tăng suốt 2 năm qua của đồng tiền này. FED sẽ giữ lãi suất ở mức cao để chống lạm phát và điều này sẽ ảnh hưởng đến đà giảm giá của đồng USD”, Slim nói.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia nhận định đồng USD có thể sẽ không giảm giá trong năm nay khi những yếu tố hỗ trợ nó vẫn còn.
“Dự đoán của chúng tôi cho thấy đồng USD sẽ không giảm giá cho đến cuối năm nay. Đây vẫn là đồng tiền hấp dẫn nhất trong số các đồng chủ chốt trên thế giới và chắc chắn là có giá trị hơn nhiều đồng tiền của các nước mới nổi khác”, Giám đốc chiến lược ngoại hối Elsa Lignos của RBC Capital Markets nhận định.
Đồng quan điểm, chuyên gia Stefanie Holtze Jen của Deutsche Bank cho rằng việc FED giảm tốc tăng lãi suất thế nào sẽ ảnh hưởng lớn đến đà tăng giảm đồng USD trong năm 2023. Cho dù thế nào thì đây vẫn là đồng tiền chủ đạo để dự trữ với nhiều nhà đầu tư.
“Đồng USD đã qua mức đỉnh, thế nhưng những yếu tố hỗ trợ nó vẫn còn khi các nhà đầu tư vẫn coi đây là nơi trú ẩn tài sản an toàn trong bối cảnh chưa rõ ràng hiện nay”, Holtze Jen nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận