Dòng tiền tiết kiệm chuyển hướng đầu tư
Lãi suất thấp là lý do chính khiến nguồn tiền nhàn rỗi chảy vào ngân hàng chậm lại, trong khi một số kênh đầu tư khác đang hấp dẫn.
Chuyển kênh đầu tư
Lãi suất tiền gửi ngân hàng ở mức thấp được cho là một phần nguyên nhân khiến dòng tiền chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác có cơ hội đạt mức sinh lời cao hơn như cổ phiếu, vàng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp... Chị Hà ở quận 8, TP.HCM cho biết, lãi suất tiết kiệm giảm sâu, không còn hấp dẫn để gửi tiền như trước. Vì thế, chị đã tái tục khoản tiền gửi hơn 2 tỷ đồng từ kỳ hạn 6 tháng xuống kỳ hạn 1 tháng, tìm cơ hội mua căn hộ cho thuê sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Tuy giá cho thuê căn hộ giảm trong bối cảnh dịch bệnh, song chị Hà cho rằng, bất động sản sẽ tăng giá trị nhiều hơn so với việc gửi tiền với lãi suất thấp.
Trong khi đó, chị Minh An ở huyện Nhà Bè, TP.HCM cho hay, thay vì gửi hết tiền nhàn rỗi vào ngân hàng, chị đã chuyển 1/3 vốn để đầu tư vào bất động sản và cổ phiếu. Trong đó, với khoản đầu tư vào chứng khoán, chị đã thu được lợi nhuận cao hơn nhiều so với lãi tiền gửi ngân hàng.
Nhằm khuyến khích người dân gửi tiết kiệm qua hình thức online khi không thể đến quầy giao dịch trong thời gian giãn cách xã hội, có những ngân hàng nâng biên độ lãi suất lên 0,5%/năm, song nguồn tiền nhàn rỗi vào ngân hàng vẫn chậm.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố đến cuối tháng 7/2021 tăng 0,66% so tháng 6; tháng 8 tăng 0,42% so với tháng 7 và tháng 9 ước đạt 3,045 triệu tỷ đồng, tăng 1,19% so với cuối quý II/2021 và tăng 4,71% so với cuối năm 2020.
Lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm được nhận định sẽ khó tăng, kể cả mùa cao điểm tín dụng cuối năm.
Trong đó, tiền gửi tiết kiệm của khách hàng dân cư tính đến cuối tháng 9 năm nay chiếm 36,8%, tăng 0,5%; tiền gửi thanh toán của tổ chức kinh tế và cá nhân chiếm 54,2%, tăng 5,7%; phát hành giấy tờ có giá chiếm 9%, tăng 17,85% so với cuối năm ngoái.
Tín dụng của các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 9/2021 ước tăng 6,41% so với cuối năm 2020. Riêng quý III/2021, tín dụng chỉ tăng 0,76% so với quý II, do kinh tế - xã hội trên địa bàn nói chung và ngành ngân hàng nói riêng chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19.
Trên bình diện toàn quốc, Ngân hàng Nhà nước vừa cập nhật dữ liệu về tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 7/2021 là hơn 10,3 triệu tỷ đồng, giảm hơn 24.600 tỷ đồng, tương đương giảm 0,2% so với cuối tháng 6. Nguyên nhân là do tiền gửi của khách hàng doanh nghiệp giảm 25.900 tỷ đồng, tương đương giảm 0,5%, còn tiền gửi dân cư chỉ tăng hơn 1.200 tỷ đồng. Trong khi đó, đến cuối tháng 8/2021, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 7,42% so với cuối năm 2020.
Trong báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng mới công bố, Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định, hạn mức tăng trưởng tín dụng chưa đáp ứng kỳ vọng và yêu cầu tối ưu biên lãi ròng (NIM) góp phần làm giảm nhu cầu mở rộng cơ sở huy động ở nhiều ngân hàng.
Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, môi trường lãi suất thấp khiến chênh lệch tiền gửi và tín dụng chịu áp lực thu hẹp, nhưng chưa tạo ra áp lực lên thanh khoản hệ thống nhờ sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước. Thậm chí, SSI kỳ vọng, lãi suất huy động có thể giảm trong trường hợp cơ quan quản lý cần áp dụng các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi sau dịch Covid-19.
Lãi suất tiết kiệm khó tăng
Mặt bằng lãi suất tiền gửi tại hầu hết các kỳ hạn đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Lượng tiền gửi của người dân vào ngân hàng thấp kỷ lục trong gần 10 năm. Lãi suất huy động thấp giúp giảm lãi suất cho vay, trong năm 2020 giảm khoảng 1%/năm và từ đầu năm 2021 đến nay giảm khoảng 2%/năm.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng tại TP.HCM nhận định, trước áp lực giảm lãi vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngân hàng khó có thể tăng lãi suất đầu vào. Thực tế, vốn huy động đang tăng chậm lại trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tiết kiệm có xu hướng giảm, chỉ tăng cục bộ ở một số nhà băng quy mô nhỏ.
Sau 3 lần Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất đầu vào và đầu ra. Tính riêng tháng 9/2021, mặt bằng lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng giảm từ 0,2 - 0,5%/năm so với đầu tháng 8.
Hiện mặt bằng lãi suất tiết kiệm phổ biến là 3,1 - 3,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 3,36 - 3,58%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên có lãi suất 5,36 - 6,12%/năm. Trong khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối, lãi suất huy động kỳ hạn ngắn thấp hơn từ 0,2 - 2%/năm so với khối ngân hàng thương mại cổ phần. Tại BIDV, Agribank, Vietcombank, lãi suất huy động cao nhất 5,5%/năm.
Ngoài ra, các nhà băng tiếp tục cuộc đua giành thị phần tiền gửi không kỳ hạn (CASA) nhằm tiết giảm chi phí trong bối cảnh lãi cho vay giảm và tín dụng khó tăng cao. Tiền gửi không kỳ hạn là một cấu phần quan trọng trong huy động vốn của các ngân hàng thương mại. Đây là loại tiền gửi có mức lãi suất thấp nhất, chỉ quanh mức 0,2%/năm. Tại nhiều ngân hàng, tỷ lệ CASA vượt 20% và một số ngân hàng như Vietcombank, MB đạt trên 30%, Techcombank trên 45%. Chi phí huy động vốn giảm đáng kể giúp các nhà băng cải thiện biên lợi nhuận.
Tuy nhiên, nguồn tiền huy động có lãi suất gần bằng 0 này gần đây có dấu hiệu chững lại. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối quý II/2021, số tài khoản tiền gửi thanh toán của cá nhân lên là trên 107 triệu tài khoản, tăng hơn 3 triệu tài khoản; số dư tiền gửi thanh toán đạt 754.700 tỷ đồng, tăng 1,9% so với cuối quý I, trong khi mức tăng trưởng trung bình đối với tiền gửi không kỳ hạn từ tháng 6/2020 đến tháng 6/2021 tăng 9 - 11%/quý.
TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính cho rằng, lãi suất thấp khiến một bộ phận người dân giảm gửi tiết kiệm ngân hàng, chuyển tiền qua kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản… Điều quan trọng là lạm phát. Lạm phát nếu giữ ở mức dưới 4%, lãi suất ngân hàng ở mức 5 - 6,5%, thì lãi suất tiền gửi tiết kiệm vẫn thực dương.
SSI nhận định, tín dụng sẽ chưa có nhiều tiến triển trong tháng 9 và tháng 10/2021, khi biện pháp giãn cách xã hội vẫn còn áp dụng ở không ít tỉnh, thành phố lớn. Thanh khoản hệ thống ngân hàng nhờ đó duy trì trạng thái dồi dào, lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp.
Lãi suất liên ngân hàng trong tháng 9 tiếp tục giảm do việc giãn cách xã hội kéo dài. Lãi suất qua đêm ở mức 0,54%/năm, giảm 5 điểm cơ bản; lãi suất các kỳ hạn khác trong khoảng 0,64 - 0,96%/năm, giảm 9 - 11 điểm cơ bản so với cuối tháng 8.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận