Dòng tiền đã trở lại thị trường chứng khoán?
Thị trường chứng khoán đã chứng kiến làn sóng mua vào mạnh mẽ của nhóm nhà đầu tư ngoại cùng một chút tín hiệu sáng trên thị trường trái phiếu. Nhưng sự trở lại của dòng tiền, đặc biệt là từ nhà đầu tư cá nhân, vẫn là một câu hỏi.
Lần theo đường đi của dòng tiền
Thị trường chứng khoán tháng 11/2022 xác lập lượng giao dịch kỷ lục của các nhà đầu tư nước ngoài. Khối ngoại mua ròng đạt tổng cộng 714 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng 16.911 tỷ đồng. Đây là mức mua ròng trong tháng cao nhất, nếu không kể tháng 5/2018, với giao dịch mua thỏa thuận tỷ đô cổ phiếu VHM. Đáng chú ý là, trong động thái mua ròng này có sự tham gia của các dòng tiền mới chảy vào thị trường thông qua các quỹ hoán đổi danh mục.
Quy mô giá trị tài sản ròng của Fubon FTSE Vietnam ETF đã tăng thêm 3.842 triệu đài tệ (tương đương 3.067 tỷ đồng) trong tháng 11/2022. Fubon sử dụng Chỉ số FTSE Vietnam 30 Index làm tham chiếu với tỷ trọng cổ phiếu lớn nhất nằm tại VIC và VHM. Trong đó, quỹ từ Đài Loan này mua hơn 6,45 triệu cổ phiếu VHM trong tháng 11/2022, chiếm 18% tổng lượng mua ròng gần 36 triệu đơn vị của khối ngoại. VHM cũng là cổ phiếu được mua vào nhiều nhất trong tháng này.
Chứng chỉ quỹ DR FUEVFVND01 do Bualuang Securities phát hành chào bán cho các nhà đầu tư Thái Lan cũng tăng thêm 55,95 triệu đơn vị trong tháng 11/2022, tương đương mức tăng vốn hóa thị trường của quỹ thêm 1.652 triệu baht (1.158 tỷ đồng). Không riêng quỹ ETF, Quỹ VEIL do Dragon Capital quản lý giảm 2.300 tỷ đồng tiền mặt nắm giữ trong tuần từ ngày 10/11 đến 17/11. Đây cũng là tuần giao dịch VN-Index có bước ngoặt rơi sâu xuống 874 điểm (ngày 16/11) và bứt lên sau đó.
Theo đà tăng của chỉ số, dòng tiền không còn đứng ngoài, mà tham gia sôi động vào các giao dịch mua bán cả với khối ngoại lẫn các nhà đầu tư nội. VN-Index khép lại tuần trước ở mốc 1.080,1 điểm, trở lại mức điểm hồi đầu tháng 10/2022. Đồng thời, giá trị giao dịch trong phiên 2/12 đã vọt lên vượt 20.000 tỷ đồng.
Trên thị trường trái phiếu, theo số liệu mới nhất vừa được lãnh đạo Bộ Tài chính công bố, doanh nghiệp gần đây đẩy mạnh mua lại trước hạn trái phiếu với giá trị mua lại 161.000 tỷ đồng (tính đến hết ngày 25/11). Tuy nhiên, nhìn vào một số đợt mua lại như lô trái phiếu 300 tỷ đồng của CTCP Đạt Phương, chỉ có 30% lượng trái phiếu trả về, tức là không phải trái chủ nào cũng tháo chạy khỏi khoản đầu tư đang nắm giữ.
Huy động qua kênh trái phiếu riêng lẻ cũng có những tín hiệu le lói sáng, như đợt phát hành 1.700 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ của Masan, hay các khoản vay quốc tế cùng các đợt phát hành trái phiếu ra công chúng, hay hướng đến nhà đầu tư quốc tế đã được rậm rịch công bố. TCBS, công ty chứng khoán đứng đầu về thị phần môi giới trái phiếu mới đây đã huy động thành công 125 triệu USD vốn vay tín chấp từ định chế tài chính nước ngoài và đang trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn với khoản vốn góp thêm từ ngân hàng mẹ Techcombank lên tới 10.038 tỷ đồng.
Lãi suất và lòng tin thị trường
Dòng tiền trở lại trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu trong tháng 11/2022 ít nhiều được kích hoạt từ dòng vốn ngoại khi các sự vụ xảy ra trong nước khiến nhà đầu tư nội đánh mất niềm tin vào thị trường. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, dòng tiền trên thị trường chứng khoán đã thực sự trở lại hay chỉ là hiện tượng nhất thời, theo các chuyên gia, cần xem xét nhiều tín hiệu.
Phân tích về các tín hiệu này tại Talkshow Chọn Danh mục (phần 2) kỳ 6 với chủ đề “Kỳ vọng phá vỡ xu hướng downtrend”, ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Maybank Invesment Banking chỉ ra 2 yếu tố.
Yếu tố thứ nhất là chi phí vốn - tín hiệu quan trọng khi nhìn trong ngắn hạn. Lãi suất trái phiếu chính phủ đã giảm sau khi đạt đỉnh cách đây 3 tuần. Lợi suất trái phiếu của các doanh nghiệp như Novaland trên thị trường thứ cấp có tín hiệu cho thấy tình trạng căng thanh khoản đang được nới ra.
Yếu tố thứ hai là động thái của Ngân hàng Nhà nước trên thị trường tiền tệ, gồm các tín hiệu về thanh khoản trên thị trường, lãi suất liên ngân hàng, lãi suất tiền gửi và hành động của các ngân hàng trong hoạt động cấp tín dụng sau các thay đổi chính sách có thể có.
“Nếu bước vào giai đoạn lãi suất và chính sách được điều chỉnh, đồng nghĩa chu kỳ tiền tệ vào giai đoạn nới lỏng, thì chúng ta thấy con sóng lớn và dài hơn. Tổng hợp lại, một số yếu tố cần quan sát là lợi suất trái phiếu, lãi suất tiền gửi và tín dụng của các ngân hàng”, ông Thành nhấn mạnh.
Đánh giá về xu hướng lãi suất thời gian tới, theo ông Nguyễn Duy Anh, Trưởng phòng Quản lý danh mục đầu tư của Quỹ đầu tư trái phiếu VCBF, lạm phát của Mỹ đã giảm và dự báo đến tháng 6 - 7/2023 sẽ giảm khá mạnh. Thị trường kỳ vọng đỉnh lãi suất của Fed sẽ đạt được vào đầu năm 2023 và nửa sau năm 2023 sẽ không còn áp lực tăng lãi suất.
Đồng thời, ông Duy Anh cho rằng, thị trường chứng khoán đi trước diễn biến của chính sách vĩ mô. Khi kỳ vọng của nhà đầu tư là Fed giảm tăng lãi suất và điều này diễn ra như vậy, thì lãi suất thực tế tăng thấp hơn kỳ vọng của nhà đầu tư. Khi đó, thị trường chứng khoán sẽ có diễn biến tích cực nhất định.
Với sự trở lại của dòng tiền cá nhân, ông Duy Anh kỳ vọng các nhà đầu tư này sẽ quay lại đầu tư dài hạn, khi thị trường đạt đến điểm cân bằng sau khi nhận ra đầu tư ngắn hạn không mang lại thành quả. Tuy nhiên, đại diện VCBF cũng nhấn mạnh, tỷ lệ tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong tổng dân số Việt Nam còn rất thấp và là một nguồn tiềm năng trong tương lai.
Theo ông Duy Anh, để niềm tin và dòng tiền thật sự trở lại, cần 2-3 năm nữa, khi vĩ mô ổn định, thị trường chứng khoán, nhất là trái phiếu ổn định.
Thị trường chứng khoán tháng 11/2022 xác lập lượng giao dịch kỷ lục của các nhà đầu tư nước ngoài. Khối ngoại mua ròng đạt tổng cộng 714 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng 16.911 tỷ đồng. Đây là mức mua ròng trong tháng cao nhất, nếu không kể tháng 5/2018.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận