Dòng tiền chảy mạnh vào bất động sản vùng ven
Trước thực trạng quỹ đất tại khu vực nội đô ngày càng cạn kiệt, giá cao, nhiều chủ đầu tư đã chuyển hướng sang bất động sản vùng ven. Hàng loạt dự án, sản phẩm quy mô từ trung đến cao cấp ra mắt khiến thị trường bất động sản vùng ven sôi động hơn bao giờ hết. Các chuyên gia đánh giá, thị trường này đang thiết lập mặt bằng giá mới.
Xu hướng dịch chuyển ra vùng ven
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng, khi quỹ đất khu vực trung tâm ngày càng cạn kiệt, không gian xanh hạn hẹp, giá đất không ngừng tăng, thì xu hướng đầu tư dịch chuyển về vùng ven là tất yếu. Nếu như 10 năm trước các dự án có xu hướng dịch chuyển về hướng Tây - Tây Nam Thủ đô, thì ngày nay người dân và các nhà đầu tư đang đón đầu xu hướng dịch chuyển về hướng Đông Bắc để lấp đầy vùng Thủ đô, khiến cho giá bất động sản ở những khu vực này, đặc biệt là Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Từ Sơn (Bắc Ninh) liên tục thiết lập mặt bằng giá mới.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, xu hướng dịch chuyển này khiến giá đất nền thuộc các khu đô thị cũ nằm tại vùng ven Hà Nội như Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Gia Lâm… tăng 20 - 30% so với đầu năm 2021. Ngoài ra, tại các huyện như Đan Phượng, Phú Xuyên, Chương Mỹ, một số dự án bất động sản có giá khá cao, nhất là biệt thự, liền kề.
Ngoài ra, xu hướng dịch chuyển của các chủ đầu tư dự án và nhà đầu tư cá nhân đang tạo luồng sinh khí mới cho thị trường bất động sản các địa phương vùng ven Hà Nội như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam…
Tương tự Hà Nội, thị trường bất động sản TP.HCM rơi vào tình trạng cung giảm, cầu lớn và giá tăng do quỹ đất ngày càng khan hiếm. Từ đó, thị trường bất động sản ở khu vực giáp Thành phố như: Bình Dương, Đồng Nai… sôi động hơn. Đặc biệt, phân khúc đất nền luôn được ưu tiên săn đón do tỷ suất sinh lời cao và tâm lý mua đất làm “của để dành”.
Việc phát triển các dự án tại vùng ven như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… là giải pháp tối ưu của các chủ đầu tư lẫn nhà đầu tư. Trong chiến lược mở rộng sự phát triển ra vùng đô thị lân cận, những năm qua, TP.HCM duy trì tốc độ phát triển hạ tầng, mở rộng kết nối với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An... Nhiều công trình giao thông trọng điểm đã và đang được triển khai như: đại lộ Phạm Văn Đồng, đại lộ Mỹ Phước - Tân Vạn, mở rộng xa lộ Hà Nội, Vành đai 2, Vành đai 3, cao tốc Long Thành - Dầu Giây, tuyến Metro số 1…
Việc mở rộng kết nối giữa TP.HCM và các đô thị lân cận đã tạo cơ hội phát triển thị trường bất động sản tại những khu vực có vị trí tiếp giáp và dọc các trục giao thông chính. Trong đó, Bình Dương trở thành điểm đầu tư hấp dẫn không chỉ vì có vị trí thuận tiện cạnh TP.HCM mà còn vì những lợi thế mà không phải khu vực nào cũng có.
Đón sóng đầu tư
Cùng với sự dịch chuyển của các chủ đầu tư, xu hướng lựa chọn bất động sản cũng bắt đầu chuyển hướng khi nhu cầu sống “xanh”, an toàn đang được các nhà đầu tư và người mua để ở quan tâm nhất trong bối cảnh hiện tại. Và các đô thị vệ tinh tích hợp trở thành điểm đến của giới đầu tư khi phục vụ đầy đủ tiện ích, dịch vụ.
“Năm 2022 sẽ chứng kiến nguồn tiền lớn đổ vào bất động sản ở tất cả các phân khúc. Nguồn tiền này đến từ các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư chuyên nghiệp và nhóm nhà đầu tư cá nhân”, ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam nhận định.
Tại khu vực miền Trung, Nghệ An là một trong những thị trường bất động sản đang được giới đầu tư đặt vào “tầm ngắm” khi sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nghỉ dưỡng... Đơn cử như Tập đoàn Tân Á Đại Thành đã lựa chọn Bãi Lữ (Nghệ An) là “đất lành” để phát triển dự án. Giới đầu tư đánh giá đây là tâm điểm thu hút dòng tiền tại Nghệ An trong thời gian tới.
Với lợi thế về cảng biển, sân bay quốc tế, di sản thế giới, các chuyên gia cho rằng, dải đất du lịch Đà Nẵng - Hội An sẽ vươn mình mạnh mẽ. Nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp dự báo sẽ đón sóng đầu tư mới.
Đà Nẵng và Quảng Nam đang bắt tay triển khai Dự án khơi thông sông Cổ Cò và đưa vào sử dụng hệ thống giao thông kết nối các khu đô thị, khu nghỉ dưỡng ven biển và phố cổ Hội An… Việc xây dựng thành phố ven sông Cổ Cò được xem là động lực kích thích sự phát triển của thị trường bất động sản nơi đây. Những thông tin này khiến các nhà đầu tư dồn sự chú ý vào “miếng bánh” bất động sản nghỉ dưỡng đầy tiềm năng Đà Nẵng - Quảng Nam. Các chuyên gia dự báo, trong năm 2022, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng - Quảng Nam sẽ trở lại ấn tượng.
Năm 2021, Phú Quốc chính thức trở thành thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam, từ đó tạo đòn bẩy cho bất động sản nghỉ dưỡng Phú Quốc có thêm lợi thế cạnh tranh. Đón xu hướng này, Tập đoàn Sun Group cho ra đời “Làng nhiệt đới” Sun Tropical Village mang thương hiệu bất động sản cao cấp Sun Property. Bà Mai Hoài Thương, Phó Tổng giám đốc kinh doanh NewstarLand cho rằng, không chỉ chinh phục giới thượng lưu bởi giá trị khác biệt, bất động sản cao cấp còn là nơi “trú ẩn” an toàn cho dòng tiền của giới siêu giàu.
Ông Dương Quốc Thủy, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Cần Thơ cho hay, khu vực Tây Nam Bộ được đánh giá là “miền đất hứa” của thị trường bất động sản năm 2022 khi quỹ đất còn rộng và giá đất còn thấp.
Cụ thể, đất nền vùng ven Tây Nam Bộ hiện có giá trung bình 9 triệu đồng/m2; đất nền khu vực cửa ngõ các đô thị loại II từ 12 - 25 triệu đồng/m2; khu vực cửa ngõ đô thị loại I từ 28 - 32 triệu đồng/m2; dự án trung tâm TP. Cần Thơ khoảng 42 triệu đồng/m2. Ngoài ra, các sản phẩm nhà liền kề có giá trung bình 18 triệu đồng/m2; sản phẩm cao cấp 50 triệu đồng/m2. Chuyên gia này cho rằng, mặt bằng giá thấp chính là lực hút các chủ đầu tư lớn về phát triển dự án tại Tây Nam Bộ. Dự báo mức giá bất động sản khu vực này sẽ tăng 10% trong năm 2022.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận