Đồng Tháp: Cải tiến sản xuất, nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng xoài
Nhằm nâng cao giá trị xoài và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, đến nay, tỉnh Đồng Tháp có 19 hợp tác xã, 43 tổ hợp tác và 36 hội quán nông dân trồng xoài.
Nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường
Theo Vietnam+, tỉnh Đồng Tháp có diện tích xoài lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với gần 14.000 ha, sản lượng trên 185.000 tấn/năm, tập trung trồng nhiều nhất ở thành phố Cao Lãnh, huyện Cao Lãnh và huyện Thanh Bình...
Để đáp ứng được yêu cầu về chất lượng cao từ các thị trường mục tiêu, khó tính và mong muốn đưa những sản phẩm tốt nhất đến với người dùng, thời gian qua, tỉnh đã tổ chức sản xuất phát triển ngành hàng xoài theo chuỗi giá trị, hình thành nhiều vùng nguyên liệu sản xuất xoài tập trung quy mô lớn ở huyện: Thanh Bình, Cao Lãnh và Tp.Cao Lãnh; ứng dụng khoa học và công nghệ trong tổ chức sản xuất xoài theo hướng an toàn, bền vững, có gắn kết truy xuất nguồn gốc và liên kết thị trường tiêu thụ.
Hiện, tỉnh Đồng Tháp được cấp 296 mã số vùng trồng xoài với diện tích hơn 8.000 ha; trong đó có 6.220 ha được cấp mã vùng trồng để xuất sang thị trường Trung Quốc). Đặc biệt là thực hiện chuyển đổi số trong đăng ký mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc trên nền tảng nông nghiệp số Việt Nam (VDAPES).
Tỉnh cũng có 473 ha đang canh tác theo các tiêu chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP, an toàn thực phẩm. Xoài Cao Lãnh đã xác lập quyền (bảo hộ) chỉ dẫn địa lý Cao Lãnh cho sản phẩm xoài Cao Lãnh để nâng cao giá trị sản phẩm, chinh phục các kênh phân phối hiện đại như: Co.opmart, Big C, MM Mega Martket, Vinmart...
Nhằm nâng cao giá trị xoài và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, đến nay, tỉnh Đồng Tháp có 19 hợp tác xã, 43 tổ hợp tác và 36 hội quán nông dân trồng xoài. Các đơn vị này đã tổ chức liên kết tiêu thụ xoài với nhiều doanh nghiệp như: Công ty TNHH Nông sản Cao Lãnh, Công ty TNHH Nông sản và Du lịch Thiên Phú, Công ty TNHH Nông sản Chú Chín, Công ty TNHH Westernfarm, Công ty TNHH MTV Kim Nhung Đồng Tháp...
Để có nguồn tiêu thụ, gắn kết trong chuỗi giá trị, xoài Đồng Tháp được đưa lên sàn Thương mại điện tử đã và đang là kênh phân phối quan trọng, góp phần giới thiệu, kết nối tiêu thụ hàng hóa xuyên biên giới.
Trong thời gian qua, tỉnh đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp tiếp cận với phương thức kinh doanh; trong đó có mô hình “Cây xoài nhà tôi,” “Gian hàng Đặc sản Đồng Tháp,” các sản phẩm từ xoài trên các sàn thương mại điện tử: Voso, Postmart, Lazada, Shopee... ngày càng phong phú.
Nổi bật trồng xoài chất lượng cao có ông Nguyễn Phú Hiệp, nông dân thực hiện khá hiệu quả mô hình sản xuất xoài hữu cơ ở xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh.
Ông Hiệp chia sẻ, nhu cầu tiêu dùng hiện nay đã thay đổi, người tiêu dùng không chỉ có nhu cầu ăn ngon, đẹp mà cần sản phẩm sạch, an toàn. Vì vậy, nông dân phải làm theo nhu cầu thị trường mới trụ vững trong thời gian tới. 8 năm qua, ông làm mô hình xoài hữu cơ, tâm huyết cho cây xoài quê hương và tiếp tục truyền cảm hứng cho những nông dân cùng làm theo.
Trong khi đó, ông Đoàn Thanh Hiền ở xã Mỹ Xương, một trong những nhà vườn trồng xoài lâu năm tại huyện Cao Lãnh, cho biết, ông đã mạnh dạn đầu tư 1,3 ha chuyên canh với 2 giống xoài chủ lực là xoài cát Hòa Lộc và xoài Cát Chu Cao Lãnh. Ông trồng bằng phương pháp cấy ghép, không trồng bằng hạt như phương pháp truyền thống, áp dụng cách trồng xoài theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP nên trái đạt chất lượng cao để xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Mách, ở xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh khấm khá lên nhờ thực hiện mô hình “Cây xoài nhà tôi” trồng theo hướng hữu cơ. Năm 2016, ông trồng và bán xoài theo mô hình “Cây xoài nhà tôi” với diện tích 1,2 ha; vườn xoài của ông Mách luôn đạt chứng nhận sản phẩm an toàn và được khách hàng chọn mua nhờ được đảm bảo chất lượng, có truy xuất nguồn gốc.
Ông Mách chia sẻ, mặc dù canh tác theo hướng hữu cơ, năng suất không cao bằng cách truyền thống nhưng đổi lại, cây xoài trong vườn luôn xanh tốt, kháng bệnh cao. Đặc biệt là giá sản phẩm xoài hữu cơ cũng cao hơn giá xoài thông thường khoảng 30%. Từ những cây xoài đầu tiên, đến nay, ông Mách bán được 75 “Cây xoài nhà tôi” với giá 7 triệu đồng/cây. Mô hình “Cây xoài nhà tôi,” trừ các khoản chi phí, ông Mách thu lãi trên 300 triệu đồng/năm.
Khắc phục bất cập và bước đi trong tương lai
Bên cạnh kết quả đạt được, hiện còn những tồn tại trong sản xuất và tiêu thụ xoài tại Đồng Tháp.
Theo báo Đồng Tháp, những hạn chế đó là diện tích sản xuất xoài còn nhỏ lẻ, manh mún; vấn đề hợp đồng liên kết từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ chưa thật sự bền vững; sản phẩm chế biến từ xoài chưa nhiều, chưa đa dạng sản phẩm và quy mô nhỏ; tình trạng được mùa – mất giá vào thời điểm chính vụ vẫn còn xảy ra gây tổn thất cho người nông dân và các đơn vị kinh doanh xoài; thương hiệu xoài chưa được khai thác tốt để phát huy giá trị sản phẩm, tỉnh đã và đang đặt ra bài toán cho ngành hàng xoài Đồng Tháp.
Là nông dân trực tiếp trồng xoài và cũng đặt kỳ vọng cho trái xoài tỉnh nhà, ông Đoàn Thanh Hiền cho rằng, để trái xoài Cao Lãnh thật sự xứng danh với thương hiệu - Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh thì tất cả người Cao Lãnh phải cùng sản xuất với cái tâm và đảm bảo chất lượng để xứng danh với thương hiệu này. “Ngon, lành, đẹp, đều, nhiều, rẻ” là tiêu chí được ông Hiền đề xuất để nâng tầm giá trị trái xoài trên thị trường.
PGS. TS. Nhan Minh Trí, giảng viên cao cấp Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ, sản phẩm có tem nhãn, truy xuất nguồn gốc sẽ tạo được niềm tin cho khách hàng. Bên cạnh đó, vấn đề cốt lõi đó là liên kết với doanh nghiệp bao tiêu để sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp mới là điều tiên quyết. Vấn đề không phải nông dân đã sản xuất đạt chứng nhận gì mà là doanh nghiệp cần những tiêu chuẩn gì để đáp ứng theo từng thị trường xuất khẩu. Chính vì vậy, chỉ khi liên kết được với doanh nghiệp đầu ra, sản xuất theo yêu cầu đặt hàng của doanh nghiệp thì bài toán cho trái xoài mới thật sự hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, để đáp ứng được yêu cầu về chất lượng từ các thị trường khó tính và mong muốn đưa những sản phẩm tốt nhất đến với người dùng, Đồng Tháp đặt trọng tâm vào 3 mục tiêu, đó là: chuẩn hóa chất lượng xoài Đồng Tháp, chuẩn bị cho câu chuyện hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị với quy mô lớn; khai thác tiềm năng du lịch từ ngành hàng xoài; khai thác giá trị gia tăng từ chế biến nông sản để tạo giá trị mới cho ngành hàng...
Bên cạnh việc triển khai các giải pháp đồng bộ về cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, cải tiến chuỗi giá trị ngành hàng trên cơ sở tổ chức lại sản xuất, sắp xếp các nhân tố tham gia bên trong ngành hàng xoài, việc tổ chức Lễ hội Xoài hàng năm cũng là một kênh xúc tiến quan trọng để tỉnh quảng bá hình ảnh, thu hút du khách và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư đến với Đồng Tháp. Theo đó, thông qua các chuyến tham quan thực tế, hiểu được quy trình trồng, sản xuất, chế biến, doanh nghiệp sẽ có sự cân nhắc đầu tư phù hợp.
Thông tin trên báo Nhân Dân, xoài là một trong những loại trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, được xuất khẩu đến 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu xoài đạt 34,7 triệu USD, tăng 16,7% so cùng kỳ năm 2022.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 ha xoài, sản lượng 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu nâng lên 650 triệu USD.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận