Đồng loạt đóng cửa, trung tâm hàng sang vắng lặng bất ngờ
Các trung tâm mua sắm đang đối diện với tình trạng nhiều gian hàng đóng cửa trả mặt bằng. Mặc dù vậy, giá thuê vẫn tiếp tục tăng.
Ngành bán lẻ doanh thu sụt giảm nặng cộng thêm chi phí vận hành buộc một số cửa hàng phải đóng cửa, thậm chí một vài nhãn hàng lớn cũng phải cắt giảm những chi nhánh hoạt động không hiệu quả.
Đại dịch đã khiến cho bối cảnh kinh doanh trở nên đầy thách thức cho các nhà bán lẻ và dẫn đến những thay đổi đáng kể về chiến lược hoạt động của các thương hiệu cho nửa cuối năm 2020.
Theo JLL, lượng hấp thụ ròng của thị trường tiếp tục ở mức âm trong quý, làm tỉ lệ trống tăng tới mức 11%, cao nhất kể từ quý 4/2018. Những ngành hàng bán lẻ như đồ gia dụng, quần áo gặp phải khó khăn trong khoảng thời gian này khi khách mua trở nên dè dặt hơn trong chi tiêu.
Trong quý vừa qua, không có nguồn cung mới nào gia nhập thị trường, dẫn tới tổng diện tích đạt mức 1,2 triệu m2 sàn. Thị trường cũng ghi nhận số lượng các thương hiệu mới thấp nhất trong những năm gần đây. Việt Nam dự kiến sẽ tạm đối mặt với số lượng nhà bán lẻ quốc tế mới hạn chế trong năm 2020.
Trái ngược với tình trạng trên, giá thuê mặt bằng tiếp tục tăng. Theo khảo sát của CBRE Việt Nam, giá chào thuê mặt bằng ở tầng trệt và tầng một tại khu vực trung tâm ghi nhận tăng 2,5% so với cùng kỳ và không thay đổi theo quý, đạt USD 98,1/m2/tháng (khoảng 2,3 triệu đồng/m2/tháng). Nguyên nhân giá thuê cao là khu vực trung tâm lợi thế về vị trí và hạn chế nguồn cung.
Trong thời gian diễn ra dịch bệch, những chính sách hỗ trợ đã được đưa ra, tuy nhiên khi thị trường được mở cửa trở lại vào tháng 5, những chính sách này đã không còn phổ biến.
Chuyển hướng mới
Dưới xu thế phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử trong khi cửa hàng truyền thống đang gặp khó khăn, các nhãn hàng đều nên cân nhắc tới mô hình bán hàng đa kênh nhằm bắt kịp nhu cầu khách hàng.
Tại Việt Nam, một số thương hiệu đã cho ra đời nền tảng bán lẻ riêng của họ như Starbucks, Maison và sắp tới là ACFC. Các thương hiệu cà phê, ăn uống trung cấp và không thiên về trải nghiệm phát triển mô hình bán lẻ dạng kios, xe bán tải...
Sự bùng phát của dịch Covid-19 đã có tác động nhất định đến việc mở mới của các trung tâm mua sắm cũng như kế hoạch mở rộng kinh doanh của các khách thuê vào năm 2020.
Thị trường bán lẻ Hà Nội vẫn dự kiến đón nhận hơn 450.000 m2 trong 3 năm tới, chủ yếu tập trung tại các khu vực Ngoài Trung tâm. Hai dự án TTTM mới Vincom dự kiến đi vào hoạt động (Vincom Megamall Ocean Park và Vincom Megamall Smart City). Giá thuê ngoài trung tâm ít có khả năng giá thuê sẽ tăng cao trong tương lai gần.
Bên cạnh các đơn vị lớn nội địa, các tập đoàn bán lẻ nước ngoài cũng ngày càng quan tâm đến thị trường Hà Nội. Aeon Group đang kỳ vọng được phê duyệt xây dựng dự án lớn nhất tại Việt Nam - TTTM Aeon Mall Hoàng Mai, sau dự án Aeon Mall Hà Đông.
Mặc dù nhiều thách thức ở phía trước, nhưng thị trường nội địa vẫn được coi là điểm đến hấp dẫn đối với các thương hiệu nước ngoài. Hadilao đã chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên ở Hà Nội. Tương tự như TP.HCM, ngành hàng dịch vụ ăn uống cũng ghi nhận việc phục hồi khả quan.
Theo thống kê từ CBRE tại một số chuỗi nhà hàng tại Việt Nam, doanh thu trong tháng 6 đã hồi phục 40-70% so với giai đoạn trước dịch, tuy nhiên mức độ hồi phục khác nhau cho các vị trí.
Đại diện JLL nhận định, giá thuê tăng trở lại khi tình hình dịch bệnh được cải thiện, các nhà phát triển TTTM nội địa nên xem xét lại mô hình cho thuê cố định truyền thống sang mô hình chia sẻ doanh thu, để giúp chia sẻ rủi ro và tăng cường mối quan hệ giữa chủ nhà và khách thuê.
Ngoài ra, về lâu dài, với sự tăng trưởng của thương mại điện tử, các TTTM nên tái cấu trúc mô hình kinh doanh và đa dạng hóa ngành hàng và dịch vụ để giữ chân khách hàng cũng như tránh đi theo ‘vết xe đổ’ ở các thị trường phát triển.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận