Đồng bộ giải pháp ngăn 'tín dụng đen' - Bài 1: Vấn nạn nhức nhối
Lợi dụng những khó khăn về tài chính của công nhân, người lao động, sinh viên, nhất là sau đại dịch COVID-19 bùng phát, nạn
Ghi nhận thực tế tại TP Hồ Chí Minh, nơi có các hoạt động “tín dụng đen” vô cùng phức tạp, phóng viên TTXVN thực hiện chùm 4 bài viết với chủ đề: Đồng bộ giải pháp tiêu trừ “tín dụng đen”.
Bài 1: Vấn nạn nhức nhối
Dịch COVID-19 tràn qua khiến đời sống nhiều công nhân, người lao động ở TP Hồ Chí Minh càng thêm khó khăn, nhất là các gia đình công nhân lao động ngoại tỉnh, những trường hợp đau ốm kéo dài hoặc làm ăn thất bát. Dẫu đã “thắt chặt” chi tiêu nhưng khó khăn cứ bủa vây khiến nhiều người trong số họ đành chấp nhận thế chấp, vay mượn, vô tình rơi vào cạm bẫy của "tín dụng đen".
Chiêu trò “đánh lận con đen”
Các cơ quan chức năng thường xuyên cảnh báo về rủi ro khi vay “tín dụng đen” núp bóng dưới các hình thức dịch vụ hỗ trợ tài chính, vay không thế chấp, vay qua app, online… nhất là tại các khu phố, tổ dân phố, khu lưu trú công nhân và cả trên các trang mạng xã hội, tin nhắn qua điện thoại di động. Qua theo dõi, điều tra các cơ quan chức năng đã phát hiện và cảnh báo nhiều đường dây cho vay tín dụng với mức lãi suất vài trăm %/năm.
Theo ông Trần Văn Thanh Hùng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Quận 4, nguyên nhân tín dụng đen núp bóng cho vay, nhất là hình thức online phát triển nhanh là do các app cho vay tiền khá đơn giản, thủ tục giải ngân nhanh, tiện lợi mọi lúc mọi nơi, thậm chí không cần thế chấp… Nhiều người bị sập bẫy "tín dụng đen" do không phân biệt được đâu là ứng dụng của các tổ chức tín dụng chính thống, đâu là của các đối tượng cho vay nặng lãi khiến cuộc sống lâm vào “đường cùng” nợ nần chồng chất, mất của, mất cả nhà…
Chị P.T.B L., công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn may Sunrise, Quận Tân Phú cho biết, tác động của dịch COVID-19 trong 2 năm qua khiến thu nhập giảm sút. Nhiều công nhân có nhu cầu rất lớn khoảng tiền để trang trải chi phí, sinh hoạt cá nhân. Phần bức bách do phải đối mặt với cuộc sống cơm áo gạo tiền hay để giải quyết những trường hợp đau ốm, bệnh tật; phần do không rõ thông tin, thủ tục thuận lợi, dễ dàng, nhiều gia đình, công nhân lao động đã vướng vào bẫy “tín dụng đen” của các nhóm cho vay nặng lãi, trá hình, núp bóng.
“Chỉ cần giấy tờ tùy thân như Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, giấy chứng nhận đăng ký xe, số điện thoại hợp lệ, các đối tượng sẽ thẩm định người vay để xác định tính chính xác, làm căn cứ cho việc thu hồi nợ. Tuy nhiên, nếu vay đúng số tiền sẽ không đủ bởi người vay phải trả các chi phí dịch vụ và kèm theo tiền lãi trong tháng đầu tiên”, chị L. chia sẻ.
Tương tự, chị D.T.M D., công nhân Khu chế xuất Tân Thuận, ngụ ở Quận 7 cũng không tránh khỏi bẫy "tín dụng đen" và trở thành con nợ của một loạt app như Vaycaptoc, Lalacredit, Vaytiachop, Vimayman, Moneybag… Trong đó, app nợ nhiều nhất kể cả gốc và lãi đã hơn 200 triệu đồng. Chị Dung chia sẻ, từ đầu năm đến nay, cuộc sống gia đình khó khăn lại có thêm người bệnh nên đã vay tiền từ các app tín dụng. Không xoay được tiền để trả, chị được app này hướng dẫn vay của app kia để trả nợ khiến nợ nần chồng chất kéo dài từ app này sang app kia còn số tiền gốc và lãi cứ tăng dần.
Có app chị D. vay với lãi suất hơn 250%/tháng; có app vay 7,54 triệu đồng nhưng sau 7 ngày, số tiền phải trả lên tới 13 triệu đồng. “Do túng thiếu quá vay mượn lần đầu rồi bị “dẫn dắt”, đến giờ, khó có khả năng thanh toán nên thường xuyên phải tắt điện thoại để tránh bị đòi nợ…”, chị D. lo âu.
Không riêng các trường hợp nên trên, nhiều người lao động trong thời điểm khó khăn đã trở thành nạn nhân của các app cho vay theo kiểu “tín dụng đen”. Vì không trả được nợ hoặc trễ hạn, cả nhà bị vạ lây; đến cả bạn bè, đồng nghiệp, đối tác làm ăn cũng bị các đối tượng đòi nợ "khủng bố", thậm chí bị đe dọa, bêu riếu trên các trang mạng xã hội.
Chị N.T.N.H., ngụ tại Phường 16, Quận 4 cho biết thêm, nhiều trường hợp “lỡ bước, sa chân” đành cắn răn chịu đựng, vay mượn để trả cả lãi lẫn gốc. Một số trường hợp kêu cứu với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể để được trợ giúp.
“Thậm chí nhiều đối tượng cho vay không chịu nhận số tiền gốc mà buộc người vay phải trả lãi hàng tháng. Nhiều đối tượng “hằn học” tìm cách gây sự, khó dễ khi cán bộ cơ quan đoàn thể, Công an địa phương can thiệp để người vay “xin được” trả tiền gốc và cả lãi một lần…”, chị H. chia sẻ.
Gần đây, việc giới thiệu cho vay kiểu “tín dụng đen” ở các xóm lao động, khu dân cư có dấu hiệu giảm. Trên mạng xã hội, các app cho vay tiền online, tin nhắn qua điện thoại (phần lớn từ các đầu số nước ngoài) lại gia tăng. Các chiêu trò, thủ đoạn cho vay theo hình thức “tín dụng đen” còn núp bóng của doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính để thực hiện hoạt động cho vay không thế chấp.
Theo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, để thu hút, lôi kéo khách hàng, các app vay tiền online thường xuyên đăng tải trên mạng xã hội, nhắn tin liên tục cho vay tiền qua các ứng dụng; các tài khoản facebook “hỗ trợ tài chính”, “vay tiền qua app”…Tuy nhiên, hầu hết các địa chỉ cho vay không rõ ràng, không có tên công ty, trụ sở, địa chỉ liên lạc, số điện thoại; hoặc nếu có, địa chỉ không chính xác hoặc thường xuyên khóa cửa, không tiếp khách hàng trực tiếp.
Ma trận "tín dụng đen"
“Tín dụng đen” đã trở thành giải pháp của nhiều người dân lao động khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn, bức bách. “Tín dụng đen” đã đẩy nhiều người vào đường cùng, gia đình ly tán, nhà cửa bị siết nợ, người vay bị chủ nợ hành hung… vì không có khả năng trả nợ lẫn lãi. Thường khi vay, các đối tượng bắt người vay đồng ý với "thỏa thuận bảo mật"; cho phép thu thập thông tin cá nhân, thông tin liên lạc khẩn cấp, hình ảnh, địa chỉ gửi thư, nơi ở, làm việc cùng với thông tin của người thân liên quan… của người vay để tiện thu nợ. "Bẫy" cho vay nặng lãi "giăng" khắp mọi nơi và nếu không bình tĩnh, cẩn trọng, ai cũng có thể dính "bẫy"…
Chị chị L.T.H.T., ngụ ở đường Huỳnh Tấn Phát, Quận 7 gặp khó khăn về tài chính nhưng không tiếp cận được các khoản vay từ ngân hàng nên đành chấp nhận vay qua tổ chức tài chính. Sau vài lần chậm trả, các đối tượng cho vay đã đến tận phòng trọ đe dọa; gọi điện đến người thân ở tận quê nhà đốc thúc hoàn trả gốc và lãi đúng quy định.
Không chỉ gọi điện cho người thân, các đối tượng cho vay còn liên hệ nơi làm việc, nhắn tin, quấy nhiễu, đe dọa; hoặc sử dụng trái phép các hình ảnh, thông tin cá nhân đăng tải trên các trang mạng xã hội; thậm chí tạt chất bẩn vào nhà để “khủng bố” tinh thần, khiến cuộc sống người mắc nợ bất an, gây bức xúc trong dư luận, nhân dân.
Người trong cuộc khổ sở vì những hành vi “đòi nợ” theo kiểu “côn đồ”; người thân, bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí nơi làm việc của họ cũng bị liên lụy. Nhiều doanh nghiệp, Công đoàn cơ sở đã phải gửi thông báo đến toàn thể cán bộ, nhân viên cảnh báo về việc vay tiền các app hoặc "tín dụng đen", nếu có phải bảo đảm "những giao dịch tín dụng cá nhân không ảnh hưởng đến bất kỳ đồng nghiệp nào trong cơ quan".
Mới đây, Công an quận Bình Tân khởi tố vụ án, khởi tố bị can liên quan đến nhóm đối tượng chuyên hoạt động cho vay lãi nặng và đòi nợ thuê do Bùi Văn Vương (quê ở tỉnh Hòa Bình, tạm trú phường An Lạc A, quận Bình Tân) cầm đầu. Nhóm của Vương có khoảng 30 đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi qua app, các trang mạng xã hội và đòi nợ “khủng bố” bằng cách tạt sơn hoặc chất bẩn vào nhà các con nợ…
Công an TP Hồ Chí Minh cảnh báo nhiều trường hợp nạn nhân dính bẫy “tín dụng đen” với mức lãi suất lên tới 30 - 40%/tháng; trong đó, có nhiều nạn nhân là công nhân, người lao động ở vùng ven hoặc từ các tỉnh như: Long An, Tiền Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước… Để thu hồi nợ quá hạn nhanh, các đối tượng này thường gọi điện, nhắn tin đe dọa; hoặc khi đến hạn không trả tiền hay muốn bỏ trốn, các đối tượng in tờ rơi có nội dung xuyên tạc rải khắp nơi làm, nơi ở của các nạn nhân, thậm chí tin nhắn khủng bố tới bạn bè và người thân của họ. “Tín dụng đen” nổi lên như một tệ nạn gây nhức nhối dư luận xã hội mà đối tượng thường được hướng đến là công nhân, người lao động nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, nhiều người không liên quan đến hoạt động vay tiền bên ngoài cũng trở thành nạn nhân “bất đắc dĩ” của tội phạm “tín dụng đen”. Nhiều nhà bị các đối tượng tạt chất bẩn, sơn gây hư hỏng nhiều đồ dùng, vật dụng khiến nhiều gia đình hoang mang, lo lắng; gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
Theo Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh, từ tháng 4/2019 đến giữa năm 2022, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận, phát hiện 381 vụ việc có liên quan đến "tín dụng đen", trong đó đã khởi tố 112 vụ, 268 bị can; hơn 1.300 lượt đổ hoặc ném chất bẩn, chất thải xác định có mâu thuẫn bắt nguồn từ hoạt động cho vay lãi nặng. Phần lớn các vụ việc xảy ra ở các địa bàn có đông công nhân, người lao động sinh sống và làm việc như Quận 7, Quận 8, Bình Tân, Tân Phú, Bình Chánh, huyện Hóc Môn, thành phố Thủ Đức…
Bài 2: Chung tay bảo vệ công nhân, người lao động
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận