24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đại Tư Tế
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành Thép

Ngành Thép nước ta hiện đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, Sở, ban, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sắt thép.

Đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành Thép
Ngành Thép khởi sắc nhưng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn (Ảnh minh họa).

Xuất khẩu thép tăng trưởng bình quân gần 15%/năm

Những năm qua, ngành Thép luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, xác định đây là một trong những ngành công nghiệp nền tảng quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Với sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự chủ động, nỗ lực của các doanh nghiệp, ngành Thép đã đạt những kết quả tích cực, là một trong những ngành công nghiệp tăng trưởng nhanh.

Theo đó, sản xuất thép thô, thép xây dựng, thép cán nguội đã cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước, trong đó sản xuất thép thô của Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 13 thế giới và đứng đầu khu vực ASEAN.

Hiện nay, Việt Nam đã phát triển được công nghệ sản xuất lò cao luyện gang với dung tích lớn hơn 2.000m3 với các sản phẩm chất lượng cạnh tranh được với các sản phẩm thép từ Trung Quốc.

Đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành Thép
Sản lượng thép tăng bình quân 14,25%/năm trong giai đoạn 2011-2022, đặc biệt giai đoạn 2016-2022 tăng mạnh 27,11 %/năm (Ảnh minh họa).

Đồng thời, các doanh nghiệp trong nước tham gia sản xuất, kinh doanh và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành Thép. Một số doanh nghiệp trong nước ứng dụng công nghệ hiện đại phát triển sản xuất và xuất khẩu giá trị cao. Trong bối cảnh phải cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước vẫn tiếp tục chiếm ưu thế trong sản xuất thép hình với trên 60% tổng sản lượng sản xuất trong nước và trên 70% thép hợp kim.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành Thép vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, cần có những giải pháp hữu hiệu để khắc phục, nhất là trong bối cảnh sức ép cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt. Hiện các nước cũng ngày càng gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại và áp dụng nhiều rào cản, tiêu chuẩn khắt khe mới về môi trường, lao động.

Bên cạnh đó còn do tác động của đại dịch Covid-19, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, xung đột chính trị dẫn đến đứt gãy nguồn cung toàn cầu, trong khi giá nguyên liệu tăng cao, cầu thế giới suy giảm...

Đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành Thép
Dự báo sản xuất thép thành phẩm năm 2024 có thể đạt 30 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023.

Chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng mới đây, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết: Tình trạng "cung vượt cầu" của nhiều sản phẩm thép trong nước cùng sự gia tăng thép nhập khẩu sẽ làm cho sự cạnh tranh về giá cả mặt hàng thép thành phẩm nội địa trở nên khốc liệt hơn. Thị trường thế giới nhiều bất ổn, giá cước vận tại quốc tế tăng… cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp ngành Thép.

Trước những khó khăn hiện nay, Hiệp hội Thép Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quản lý kỹ thuật, quản lý chất lượng, hàng rào kỹ thuật nhằm ngăn ngừa các sản phẩm thép không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn và môi trường tràn vào thị trường Việt Nam. Bộ Công Thương kịp thời áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như biện pháp tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp, lẩn tránh thương mại… nhằm ngăn ngừa hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ sản xuất trong nước.

Đồng bộ các giải pháp gỡ khó ngành Thép

Trước mắt, để "vực" dậy ngành Thép, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai thực hiện các dự án đầu tư công; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, dẫn dắt, thu hút đầu tư toàn xã hội để gia tăng tổng cầu cho ngành Thép.

Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại; xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho ngành Thép của Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép khai thác hiệu quả các ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên và các liên kết kinh tế quốc tế để phát triển thị trường, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thép, cũng như tìm kiếm nguồn nguyên liệu có giá cả hợp lý từ nước ngoài…

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Phạm Hồng Diên, để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đang gặp phải, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sắt thép, từ góc độ quản lý ngành, Bộ đề xuất tập trung vào 3 nhóm giải pháp chủ đạo.

Về hoàn thiện thể chế, chính sách, Bộ Công Thương đang xây dựng và dự kiến sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển ngành Thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung hoàn tất dự thảo để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật phát triển công nghiệp trọng điểm. Theo đó, mục tiêu dài hạn là phát triển ngành công nghiệp thép trở thành ngành công nghiệp nền tảng quốc gia, đáp ứng được nhu cầu trong nước và tăng nhanh xuất khẩu.

Việc hoàn thiện cơ chế, chính sách sẽ khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong hợp tác quốc tế, đầu tư, khai thác nguyên vật liệu tại nước ngoài phục vụ phát triển ngành Thép trong nước.

Đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành Thép
Ngành Thép cần những “cú hích” (Ảnh minh hoạ).

Đối với các giải pháp thu hút đầu tư, tạo nguồn nguyên liệu, phát triển sản xuất, Bộ sẽ tập trung phát triển năng lực sản xuất trong nước, đặc biệt là phát triển nguồn cung ứng nguyên vật liệu cho ngành Thép và hệ thống các doanh nghiệp trong nước có năng lực sản xuất và phát triển thị trường; khuyến khích hợp tác thăm dò, khai thác nguyên liệu tại nước ngoài phục vụ sản xuất trong nước.

Đặc biệt, ưu tiên phát triển các sản phẩm thép yêu cầu kỹ thuật cao. Hiện nay trong nước chưa sản xuất được hoặc năng lực cung cấp còn chưa đáp ứng, như: Thép cán nóng HRC, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, thép cường độ cao, siêu nhẹ sử dụng cho các thiết bị vận tải cho ngành sản xuất xe hơi...

Đối với các giải pháp phát triển thị trường, thúc đẩy tiêu thụ, các Bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh triển khai thực hiện các dự án đầu tư công; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, dẫn dắt, thu hút đầu tư toàn xã hội để gia tăng tổng cầu cho ngành Thép.

Đồng thời, khẩn trương triển khai hiệu quả các Quy hoạch vùng, địa phương và các quy hoạch ngành quốc gia, trong đó có 4 quy hoạch ngành trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, góp phần tạo nhu cầu tiêu thụ và khai thác, chế biến khoáng sản phục vụ sản xuất thép.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại; xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho ngành Thép của Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép khai thác hiệu quả các ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên và các liên kết kinh tế quốc tế để phát triển thị trường, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thép, cũng như tìm kiếm nguồn nguyên liệu có giá cả hợp lý từ nước ngoài…

Hà Trần

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả