Đón "đại bàng, khi Apple, Samsung và LG chọn đến Việt Nam
Việt Nam - cái tên ấn tượng được nhắc đến nhiều trên thế giới trong năm vừa qua. Khó khăn vì đại dịch nhưng người Việt đã tìm cách vượt qua, để tìm thấy cơ hội trong khủng hoảng.
Những kỷ lục ấn tượng
Đầu năm 2020 dịch Covid-19 bùng phát, tưởng chừng mọi thứ sẽ đen tối. Tuy nhiên, đây lại là một năm thăng hoa của không ít người.
“Mọi thứ tưởng chừng rất ảm đạm, nhiều khi đã nghĩ tới khả năng mất việc nhưng thành công ngoài mong đợi. Chốt cuối năm, khoản tiền tiết kiệm bây lâu nay tăng gấp hơn 2 lần, thêm cả tỷ đồng”, ông Nguyễn Hưng, một nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ.
Từ một người không nhạy bén trong làm ăn kinh doanh, không dư dả đồng nào chỉ gửi tiết kiệm hoặc mua vàng, ông Hưng bất ngờ trở thành một tay chơi mới, một nhà đầu tư F0 trên thị trường chứng khoán.
Rất nhiều người cũng thắng lớn trong năm 2020 nhờ chứng khoán. Chỉ trong một năm, số lượng tài khoản mới tăng thêm là 600.000 tài khoản, gần bằng 10 năm trước cộng lại. Với đà tăng ấn tượng của thị trường, phần lớn đã thắng lợi.
Trên thực tế, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020, vượt lên trên khó khăn và thuộc top 10 nền kinh tế tốt nhất thế giới. Việt Nam còn chứng kiến dòng vốn FDI vẫn đổ vào mạnh và xuất khẩu tăng trưởng trong bối cảnh thế giới bị chia cách vì đại dịch Covid-19.
Ông Lê Quang Trí - Giám đốc khối kinh doanh của CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB),nhận xét, chưa bao giờ cái tên Việt Nam lại được nhắc nhiều trong các báo cáo của các tổ chức quốc tế và báo chí trên thế giới như vừa qua. Những cụm từ như: “câu chuyện huyền thoại”, “ngôi sao đang lên”, “phép màu châu Á”, “bình minh đang lên”, “quốc gia đi đầu”, “phát triển nhanh nhất”, “nền kinh tế sáng giá nhất châu Á”,... liên tục được đề cập đến khi nói về thành tựu phát triển kinh tế Việt Nam.
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng dương và là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới, trái với sự suy giảm mạnh của các quốc gia khác. Và hiện tượng thị trường chứng khoán tăng bùng nổ và lên sát kỷ lục mới với cả tỷ USD mỗi phiên là tấm gương phản chiếu sức khỏe của nền kinh tế cũng như triển vọng sắp tới.
Tờ Nikkei của Nhật Bản ghi nhận câu chuyện bứt phá ngoạn mục của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên toàn cầu. Hầu hết các lĩnh vực kinh tế vẫn hoạt động tốt, giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia châu Á có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong năm 2020, ở mức 2,9% và dự kiến đạt mục tiêu 6,5% vào năm 2021.
Trong năm 2020, Việt Nam tham gia 3 thỏa thuận thương mại tự do (FTA) và tiếp tục thu hút các nhà đầu tư. Sự cởi mở đối với thương mại của Việt Nam đang đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế.
Cơ hội từ khủng hoảng
Việt Nam là một trong những quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng thành công nhất thế giới trong 5 năm qua. Ngay cả khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng dương gần 3%, trong khi hầu hết các quốc gia trên thế giới đều tăng trưởng âm.
Năm 2020 mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng tăng trưởng GDP thuộc top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng GDP bình quân đạt khoảng 6%; quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015, trở thành nền kinh tế có quy mô đứng thứ 4 trong ASEAN.
Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tháng 10/2020, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã vượt qua Philippines. Và xét tuyệt đối, GDP của Việt Nam vượt cả Singapore và Malaysia, lần đầu tiên đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ tư ở Đông Nam Á.
Nhờ thành tích bảo vệ sức khỏe cộng đồng, kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, Việt Nam tập trung vào phát triển kinh tế. Việt Nam đặt trọng tâm vào lĩnh vực công nghệ để có thể trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2025.
Trong năm 2020, Việt Nam đã ghi nhận một số khoản đầu tư lớn từ nhà cung cấp cho Apple và Samsung, LG Electronics. Cuối năm 2020, gần như tất cả nhà cung cấp lớn của Apple trong khu vực có kế hoạch hoặc đã mở xưởng tại Việt Nam.
Với các doanh nghiệp trong nước, thực tế cho thấy, không ít đơn vị bứt phá ngay giữa giông tố, tăng trưởng mạnh mẽ như Hòa Phát, Vingroup, Vinaconex, Novaland, Viettel Global, Techcombank,...
Điển hình như CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) trong năm 2020 ghi nhận lượng tiêu thụ ống thép tăng 10%, lên 820.000 tấn. Riêng tháng 12, mức tăng lên tới 44%. Xuất khẩu cũng tăng 12%. Cổ phiếu HPG tăng gấp đôi trong 2020 và giúp tài sản vợ chồng tỷ phú Trần Đình Long tăng lên 1,9 tỷ USD.
Trong năm 2020, Vinamilk đã vượt qua các thách thức lớn do đại dịch Covid-19, xuất khẩu ấn tượng với các hợp đồng đi Trung Đông, các quốc gia EAEU (Liên minh Kinh tế Á - Âu), Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore và nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Doanh thu kinh doanh quốc tế của Vinamilk trong năm qua đạt trên 240 triệu USD, tăng trưởng trên 8% so với 2019, cao hơn mức tăng trưởng 5,1% của xuất khẩu cả nước.
Ngay đầu năm mới 2021, hàng loạt tổ chức và tờ báo lớn trên thế giới đã đưa ra những dự báo tích cực về nền kinh tế Việt Nam.
Trên cơ sở đánh giá các yếu tố ảnh hưởng, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia (NIFC) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong trung hạn 2021- 2025 có thể đạt mức 6,8%/năm.
Trong giai đoạn 2021-2025, theo nhóm tư vấn FIDT, động lực tăng trưởng của Việt Nam hội tụ từ bên trong lẫn bên ngoài thông qua 4 yếu tố.
Mô hình hồi phục chữ V trên toàn cầu là khả thi cho 2021 khi mức độ phổ cập của vaccine sẽ được đẩy mạnh trong quý I. Điều này tạo tác động mang tính lan toả và cộng hưởng tới kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2025 một cách rõ rệt nhờ độ mở của nền kinh tế (các hiệp định tự do song phương và đa phương như FTAs, RCEP, CPTPP... ).
Tiêu dùng toàn cầu hồi phục sẽ giúp ích cho các nhóm ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, bên cạnh đó tiêu dùng nội địa đã phục hồi trước nhờ những biện pháp chống dịch chất lượng từ Chính phủ.
Với đầu tư công, nền tảng của cải thiện năng suất lao động và hiệu suất kinh tế đã được Chính phủ nhìn nhận đúng đắn cũng như thúc đẩy mãnh liệt từ các siêu dự án như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc Nam, các tuyến metro và đặc biệt là thúc đẩy hạ tầng khu vực Đông Nam Bộ - nơi tập trung lực lượng lao động trọng yếu phục vụ cho đầu tàu kinh tế TP. Hồ Chí Minh và tứ giác vệ tinh bao gồm Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Vũng Tàu.
Môi trường kinh doanh được thúc đẩy và cải thiện đáng kể nhờ sự ổn định về thể chế chính trị và trẻ hoá đội ngũ lãnh đạo, đây là chất xúc tác mạnh giúp giải phóng các điểm nghẽn về chính sách và cơ chế cho toàn bộ nền kinh tế.
4 yếu tố cốt lõi trên đã và đang tạo ra một bước đệm tốt cho sự nhảy vọt của nền kinh tế và vị thế quốc gia của Việt Nam trong thập kỉ tới, là bệ đỡ và nền tảng tốt cho một chu kì tăng trưởng tốt của thị trường chứng khoán.
Theo Nikkei, Việt Nam đang nắm bắt được cơ hội kinh tế lớn nhất trong nhiều thập kỷ. Nhu cầu tiêu dùng trong nước và quốc tế tăng cao. Việt Nam cũng giành thêm thị phần do các nước láng giềng châu Á tiếp tục phong tỏa do đại dịch. Các nhà đầu tư xem Việt Nam là một trong số ít quốc gia có triển vọng trong thời điểm hiện nay.
Dòng vốn vào Việt Nam khá tốt, các doanh nghiệp nước ngoài rót tiền vào Việt Nam để đa dạng hoá thị trường, đưa việc sản xuất ra các thị trường ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần khai thông các điểm nghẽn để đón dòng vốn đầu tư, vươn lên thành thiên đường sản xuất mới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận