'Đổi tên thẻ căn cước công dân là cần thiết'
Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng, việc đổi tên thẻ "Căn cước công dân" thành thẻ "Căn cước" phù hợp xu hướng quản lý xã hội số, phạm vi và đối tượng điều chỉnh.
Tại phiên làm việc sáng 15/11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Căn cước, ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh, nói một số ý kiến trong Ủy ban cho rằng thời gian qua đã có nhiều thay đổi về hình thức, nội dung và tên gọi của thẻ căn cước. Các đại biểu này đề nghị cân nhắc về tên gọi của Luật và không đổi tên Luật, tên thẻ thành thẻ Căn cước.
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh cho rằng, việc thay đổi sẽ giúp cho Nhà nước quản lý chặt chẽ các đối tượng, đồng thời hỗ trợ người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, tham gia các hoạt động, giao dịch hành chính, dân sự, hoạt động xã hội tiện lợi, phù hợp với môi trường số, xã hội số.
Bên cạnh đó, Luật Căn cước công dân hiện hành chỉ quy định về cấp thẻ Căn cước công dân cho công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên. Trong khi đó, dự thảo Luật Chính phủ trình bổ sung trường hợp áp dụng là công dân dưới 14 tuổi và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam.
"Do đó, việc đổi tên Luật và tên thẻ như Chính phủ trình là cần thiết, phù hợp với phạm vi và để bao hàm hết đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật", ông Tới nói. Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho sử dụng tên gọi Luật Căn cước và thẻ Căn cước như Chính phủ trình.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông tin thêm tại cuộc làm việc sáng 14/11, Bộ Chính trị đồng thuận rất cao đối với việc đổi tên dự án luật này.
Hiện nay, nhiều loại giấy tờ cùng tồn tại như chứng minh thư nhân dân, thẻ căn cước công dân mã vạch, thẻ căn cước công dân gắn chip. Bộ Công an khẳng định khi dự luật được thông qua, quyền lợi của người dân không bị ảnh hưởng. Những thẻ căn cước công dân đã cấp tiếp tục có giá trị sử dụng đến thời hạn ghi trên thẻ, sau đó mới đổi sang thẻ căn cước. Mọi giấy tờ liên quan thẻ căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân đều có giá trị pháp lý như nhau.
Về cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, ông Lê Tấn Tới cho biết thẩm quyền được phân cấp, phân quyền từ trung ương tới địa phương. Công an cấp tỉnh, cấp huyện là đơn vị tiếp nhận yêu cầu và làm thủ tục cấp thẻ căn cước cho công dân. Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an tiếp nhận thông tin từ cơ quan công an cấp tỉnh, cấp huyện chuyển đến và thực hiện việc kiểm tra, đối sánh dữ liệu, trực tiếp thực hiện việc in và cấp thẻ căn cước.
Với quy định về quản lý cơ sở dữ liệu tập trung như hiện nay, việc kiểm tra, đối sánh dữ liệu căn cước công dân cần thực hiện tại trung tâm dữ liệu căn cước để bảo đảm tính chính xác trên toàn quốc.
Mặt khác, việc tổ chức in, phát hành thẻ căn cước tập trung tại cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an sẽ tiết kiệm chi phí mua sắm trang thiết bị, vật tư, nguyên liệu và chi phí in ấn thẻ.
Dự thảo Luật chỉ giao một đầu mối là cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an thẩm quyền cấp thẻ căn cước là phù hợp với công nghệ và thực tế quản lý hiện nay. Quy định này đã được thực hiện theo Luật Căn cước công dân hiện hành.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận