Đòi nợ “từ trên trời rơi xuống”
Không chỉ người vay mới bị “khủng bố”, mà những người không vay cũng bị vạ lây. Nhiều trường hợp dở khóc dở cười, khi bỗng nhiên “bị nổi tiếng” trên mạng xã hội và được “điện thoại chăm sóc” hằng ngày mặc dù họ chẳng vay của ai đồng nào.
Không vay cũng bị “khủng bố”
Cách đây khoảng 2 năm, chị T.T.M (36 tuổi, một Việt kiều) về quê tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ để thăm bà con và bất ngờ “bị nổi tiếng” trên khắp các trang mạng xã hội. Hình ảnh của chị M. cũng có mặt trên khắp các cột điện, trạm chờ xe buýt tại quận Ô Môn với nội dung tố cáo chị vay tiền, quỵt nợ; trong khi thực tế chị này không hề nợ nần ai.
“Lúc đó tôi rất sốc, khi họ thản nhiên dùng hình ảnh của tôi ghép vào giấy chứng minh nhân dân (CMND) của một người có quốc tịch Việt Nam, rồi đăng lên để bôi nhọ; trong khi, tôi đang có quốc tịch nước ngoài. Ở quê nhiều người không hiểu biết họ lại đàm tiếu về tôi, gây ảnh hưởng đến danh dự của tôi và những người thân của tôi ”, chị M. chia sẻ.
Quyết làm sáng tỏ mọi chuyện, chị M. đã nhắn tin đôi co qua lại với các nick ảo thì chị tá hỏa phát hiện nội tình câu chuyện.
Nạn nhân kể: “Khi về quê, tôi cùng vài người bạn có đến một tiệm làm nail ở quận Ô Môn để chăm sóc móng. Tại đây, tôi có kết bạn Facebook với một nhân viên tên P. (người làm nail) và có chụp hình chung đăng trên Facebook cá nhân của người này. Tuy nhiên, P. có nhiều khoản vay nhưng không trả kịp nên bọn đòi nợ mới lấy hình của tôi ghép vào chứng minh nhân dân của P. rồi đăng trên mạng xã hội để đòi nợ. Thậm chí, chúng còn gắn trực tiếp nick của tôi vào bài đăng đòi nợ để bêu xấu tôi trên mạng xã hội, khiến nhiều người thân, bạn bè nhắn tin hỏi tôi liên tục. Sự việc này chỉ dừng lại khi P. trả tiền cho chúng”.
Tương tự, tại Cà Mau, một lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Cái Nước, huyện Cái Nước cho biết, đơn vị đã báo cáo Công an huyện về việc nhiều nhân viên của bệnh viện vô cớ bị réo tên trên mạng xã hội nhằm gây áp lực để đòi nợ tiền vay qua app. Trong khi, các nhân viên bệnh viện đều khẳng định không ai thực hiện khoản vay nào.
Chị H.T.T.G. (một trong số những nhân viên bị “khủng bố” tinh thần) cho biết, bản thân chị không vay tiền; gia đình chị cũng không vay mượn tiền của ai nhưng lại bị đòi nợ trên mạng xã hội.
Các đối tượng sử dụng hình ảnh hiệu trưởng một trường học ở tỉnh Cà Mau bị ghép hình, để vu khống, bôi nhọ nhằm gây áp lực đòi nợ người vay
“Họ vu khống tôi vay 55 triệu đồng để ăn chơi, để thể hiện, để sống ảo trên mạng xã hội... Họ bêu tên, xúc phạm và dùng hình ảnh của tôi như thế khiến tinh thần tôi bị hoảng loạn”, chị G. nói.
Không chỉ lấy hình ảnh lãnh đạo và nhân viên của bệnh viện đăng lên mạng xã hội để “khủng bố” đòi nợ. Hàng ngày, nhóm đòi nợ còn liên tục gọi điện vào số máy của Khoa cấp cứu và Khoa hồi sức cấp cứu... Trung bình 1 ngày chúng còn gọi trên 50 cuộc vào số của ban lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Cái Nước.
Nhiều cán bộ ngành giáo dục cũng bị “khủng bố” từ những cuộc điện thoại đòi nợ. Trao đổi với phóng viên, ông Phan Thế Điệp - Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền, phường 1, TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) cho biết, ngày 21/3/2022, có số điện thoại lạ của một nam giới nói giọng Bắc yêu cầu ông phải kêu cô M.T.T.T.H. (giáo viên của Trường THCS Ngô Quyền) trả nợ cho họ. Trong điện thoại, họ chửi bới những lời tục tĩu và đe dọa nếu cô H. không trả nợ thì họ sẽ cho xe tông vào thầy.
Sau đó, cô H. giải trình rằng, khoảng tháng 1/2019, cô có hợp đồng vay với một ngân hàng có chi nhánh tại phường 7, TP Cà Mau với số tiền 15 triệu đồng. Đến ngày 25/12/2020 là dứt hợp đồng (24 tháng), mỗi tháng cô đóng 845 nghìn đồng. Vì khó khăn nên cô H. không hoàn thành đúng thời hạn nghĩa vụ hợp đồng và nợ lại ngân hàng hơn 11 triệu đồng.
Vào ngày 21/3/2022, cô nhận được điện thoại từ một người đàn ông lạ báo là phải thanh toán hợp đồng 20 triệu đồng vì anh ta đã “mua lại nợ của ngân hàng”.
“Anh ta đe dọa về sự an toàn của tôi và gia đình… Tôi có năn nỉ là cho tôi trả lại hàng tháng như hợp đồng nhưng người đàn ông này không đồng ý và điện thoại cho tất cả người quen của tôi, kể cả thầy Hiệu trưởng nơi tôi đang công tác để hăm dọa”, cô H. nói.
Đến chiều 24/3/2022, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền phát hiện trên mạng xã hội Facebook đăng hình ảnh của ông ghép cùng cô H. với nội dung: “Đối tượng bao che người trốn nợ P.T.Đ là Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền có mối quan hệ bí mật với giáo viên M.T.T.T.H,…”.
Công ty tài chính cũng sử dụng dịch vụ đòi nợ thuê
Thiếu tá Trần Văn Thủy - Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Cần Thơ cho biết, trong thời gian vừa qua trên địa bàn TP Cần Thơ cũng xảy ra một số vụ liên quan việc đòi nợ. Không riêng gì người dân, mà có cả cán bộ, công nhân viên của các sở, ban, ngành cũng vay.
“Lúc vay thì bọn chúng nói thủ tục rất đơn giản. Khi vay, bên cho vay đều thỏa thuận lãi suất với người vay và người vay đều hiểu biết đây là hình thức vay lãi nặng, biết hậu quả của tín dụng đen nhưng vì lý do nào đó họ vẫn chấp nhận vay. Từ đó, phát sinh những hệ lụy. Nếu trả trễ hạn hoặc không còn khả năng chi trả thì các đối tượng sẽ nhắn tin đến bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí cả lãnh đạo cơ quan để “khủng bố” nhắc nợ, đòi nợ. Nhiều người không liên quan rất bức xúc vì bỗng nhiên bị quấy rối, ảnh hưởng đến công việc mặc dù mình không hề thực hiện khoản vay nào”, Thiếu tá Thủy cho hay.
Cũng theo Thiếu tá Thủy, đối với hình thức cho vay qua các app, cũng có một số app chính thống của các công ty tài chính có đăng ký giấy phép đàng hoàng và có ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, sau khi công ty tài chính liên hệ người vay để đòi nợ đúng pháp luật nhưng không trả thì lúc đó các công ty này có thể lại đi bán nợ cho các công ty mua bán nợ, mà thực chất là đòi nợ thuê. Hợp đồng chuyển nhượng nợ xong, các đối tượng thuộc công ty mua bán nợ sẽ đòi nợ theo “kiểu” của chúng.
Hơn nữa, các app cho vay trên mạng xã hội thông thường sẽ không có hợp đồng, hồ sơ rõ ràng, mà chỉ đăng ký vay số tiền bao nhiêu và chụp hình giấy chứng minh nhân dân, căn cước công dân, buộc cung cấp một vài số điện thoại người thân, cơ quan, doanh nghiệp. Thậm chí, khi vay, chúng yêu cầu người vay phải tải app vay tiền về điện thoại và để chúng được truy cập vào danh bạ điện thoại của người vay nhằm kiểm soát các cuộc gọi, số điện thoại những người quen hoặc lãnh đạo của người vay. Khi cần đòi nợ, các đối tượng thường quấy rối những người này trước nhằm tạo áp lực để người vay trả tiền.
“Nhiều đối tượng hiểu biết pháp luật nên hoạt động tín dụng đen và đòi nợ thuê ngày càng tinh vi. Ví dụ như chúng lấy CMND của ông A. nhưng ghép hình của ông B. là người thân, quen của ông A. vào và đăng lên mạng. Trên mạng xã hội người ta chẳng quan tâm đến thông tin trên CMND có đúng hay không, mà chỉ quan tâm đến hình của ông B. trên đó. Mục đích của bọn chúng là bôi nhọ xúc phạm để người vay trả tiền thôi. Nhưng cái khó ở đây là chúng sử dụng nick ảo nên khó xác định đối tượng”, Thiếu tá Trần Văn Thủy - Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Cần Thơ thông tin. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận