Doanh nghiệp xây dựng bị nợ đọng gấp đôi vốn tự có
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng có số vốn đăng ký kinh doanh vài trăm tỷ đồng nhưng con số nợ đọng xây dựng cơ bản lên con số cả nghìn tỷ đồng, gấp đôi số vốn đăng ký.
Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 10/8, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, Hiệp hội đã khảo sát hơn 2.000 doanh nghiệp xây dựng có đến 90% doanh nghiệp có vốn đăng ký 100 tỷ đồng trở lại; 90% doanh nghiệp trên 100 tỷ đồng. Còn lại là doanh nghiệp có vốn 400- 500 tỷ đồng. Số lượng doanh nghiệp có vốn trên 1.000 tỷ đồng rất ít.
“Đặc thù doanh nghiệp xây dựng là quy mô vốn nhỏ, chủ yếu sử dụng vốn vay ngân hàng và vốn tạm ứng của chủ đầu tư. Doanh nghiệp phải làm xong dự án mới được thanh quyết toán”, ông Hiệp nói.
Theo ông Hiệp, nếu thủ tục thanh toán chậm chắc chắn nhà thầu không chịu đựng được. Thực tế, 100% doanh nghiệp xây dựng đều có nợ đọng.
Cụ thể, Cty xây dựng Trường Sơn vốn đăng ký 800 tỷ đồng nhưng nợ đọng xây dựng lên tới 1.600 tỷ đồng. Tổng Cty Lilama nợ đọng xây dựng lên tới 1.900 tỷ đồng…
Theo ông Hiệp, nợ đọng xây dựng xuất phát từ đầu tư công và ngoài ngân sách. “Vì nợ nhiều nên doanh nghiệp xây dựng phải vay ngân hàng với mức lãi suất 9- 10%/năm. Số nợ gấp đôi vốn mình có nên làm không đủ. Doanh nghiệp lấy nợ mới trả nợ cũ, nợ chồng nợ”, ông Hiệp chia sẻ.
Ông Hiệp cho biết thêm, với đầu tư công, nợ đọng xây dựng chủ yếu do thủ tục thanh quyết toán. Vì vậy, có những công trình nợ vài năm.
Còn với vốn đầu tư ngoài ngân sách, ông Hiệp phải thốt lên rằng: “Có khoảng 20- 30% chủ đầu tư năng lực yếu kém không có khả năng trả nợ. Có chủ đầu tư bán xong nhà nhưng nhất quyết không thanh toán cho nhà thầu hoặc trả nhà thầu bằng sản phẩm nhà…”.
Vì vậy, ông Hiệp cho rằng, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam đề nghị Bộ Xây dựng hỗ trợ hiệp hội các công trình vốn ngoài ngân sách với cơ chế bảo lãnh thanh toán với chủ đầu tư.
“Trong điều kiện khi ký hợp đồng với chủ đầu tư hầu như nhà thầu không được bình đẳng, không có cách nào đàm phán với chủ đầu tư nếu như không có quy định của pháp luật. Chính vì vậy, cần có cơ chế về bảo lãnh thanh toán, cơ chế về hợp đồng”, ông Hiệp nói,
Với đầu tư công, ông Hiệp cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát thống kê nợ đọng từ 3- 5 năm để báo cáo Thủ tướng xử lý.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận