Doanh nghiệp "vào mùa" tái cấu trúc
Sau một năm “khó khăn chưa từng có”, các doanh nghiệp ngành địa ốc trình cổ đông kế hoạch tái cấu trúc các khoản đầu tư, hoạt động để trụ lại trên thị trường.
“Từ khóa” phổ biến
Tại đại hội cổ đông bất thường để thông qua việc thay đổi đơn vị kiểm toán, diễn ra vào đầu tháng 4, ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty trải lòng, “giai đoạn vừa qua có lẽ là giai đoạn khủng hoảng nhất của Hải Phát Invest kể từ khi thành lập đến nay”.
“Chúng tôi sẽ tập trung tái cơ cấu để bước vào năm 2024, với một tâm thế tốt hơn, một quy trình chuẩn hơn. Chính phủ đang có động thái gỡ khó cho thị trường, đây sẽ là cơ hội cho Hải Phát Invest trở lại, nhưng doanh nghiệp cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn”, ông Hải nói.
Từng được nhiều thành viên thị trường đánh giá là doanh nghiệp có tiềm lực, với quỹ đất sạch lớn, song thời gian gần đây, Hải Phát Invest có nhiều “vết gợn” khi cổ phiếu liên tục lao dốc, người thân và Chủ tịch bị phạt vì “bán chui” cổ phiếu và đổi kiểm toán vào thời điểm lẽ ra phải công bố báo cáo.
Tái cấu trúc hoạt động cũng là nội dung chính trong kế hoạch 2023 của Công ty cổ phần Long Hậu (mã LHG). Theo đó, Long Hậu sẽ cắt giảm một công ty con hoạt động không hiệu quả, chuyển dịch trọng tâm kinh doanh và xúc tiến đầu tư một số ngành nghề khác. Mục tiêu doanh thu của Công ty là 902,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến 127,05 tỷ đồng, tăng 28,5% về doanh thu, song giảm gần 38% về lợi nhuận so với năm 2022.
Hoạt động thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp của Long Hậu dự báo tiếp tục khó khăn. Kinh tế thế giới biến động khiến các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Nhật Bản và Hàn Quốc – hai thị trường Long Hậu nhắm tới – thận trọng hơn. Thêm vào đó, quỹ đất thương phẩm của doanh nghiệp cũng đang cạn dần. Hiện, Long Hậu chỉ còn đất công nghiệp thương phẩm tại Khu công nghiệp Long Hậu 3 (giai đoạn 1) khai thác từ năm 2019 và kinh doanh dự kiến đến năm 2025.
Ban lãnh đạo Long Hậu xác định, năm 2023, Công ty sẽ cần những giải pháp an toàn như chuyển hướng sang cho thuê nhà xưởng xây sẵn có quy mô nhỏ trong thời gian ngắn để giảm rủi ro, thăm dò thị trường và chờ tín hiệu khả quan của nền kinh tế.
Trong khi đó, Tổng công ty Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam – Vinaconex (mã VCG) cho biết sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương tái cấu trúc một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư tại các công ty hoạt động kém hiệu quả, hoặc các công ty không cần thiết phải nắm giữ quyền chi phối, để tập trung nguồn lực phát triển các hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Được biết, trong năm 2022, Vinaconex đã hoàn thành việc thoái một phần hoặc toàn bộ vốn góp tại một số công ty như Vinasinco, Công ty TNHH Phát triển hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc... Ở chiều ngược lại, Công ty nâng tỷ lệ sở hữu lên 51% tại Vinaconex ITC, hoàn thành việc đầu tư vốn đảm bảo tỷ lệ sở hữu tại Công ty cổ phần Cảng quốc tế Vạn Ninh.
Ba tháng đầu năm, Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp) đã hoàn tất việc giải thể 2 công ty con hoạt động trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng là Chi nhánh DIC Star Apart’Hotel Landmark Vũng Tàu và Công ty cổ phần Thủy cung DIG. Việc DIC Corp giải thể các công ty con diễn ra trong bối cảnh Công ty vừa có một năm kinh doanh kém hiệu quả, với doanh thu thuần đạt 1.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 146 tỷ đồng, lần lượt giảm 26% và 85% so với cùng kỳ năm 2021.
Tái cấu trúc trở thành bài toán mang tính sống còn của các doanh nghiệp địa ốc trong bối cảnh thị trường bất động sản tiếp tục ảm đạm, các sản phẩm bất động sản cao cấp, mang tính đầu cơ ế ẩm khi lãi vay tăng cao, việc huy động vốn mới từ kênh trái phiếu gặp khó khăn do nhà đầu tư đổ vỡ niềm tin… Tổng công ty Viglacera (mã VGC) đã lựa chọn thoái vốn ở nhiều doanh nghiệp, đặt mục tiêu phát triển mạnh khu công nghiệp và nhà ở xã hội - những phân khúc sản phẩm có nhu cầu lớn từ thị trường.
Theo thông tin từ báo cáo thường niên 2022 của Viglacera, doanh thu hợp nhất năm 2023 dự kiến đạt 16.000 tỷ đồng, tăng 110% so với năm ngoái. Tuy vậy, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế lại giảm 44% so với năm 2022, với 1.300 tỷ đồng. Mức chia cổ tức dự kiến là 20%, tương đương năm 2022.
Trọng tâm trong kế hoạch hoạt động năm nay của Viglacera là thực hiện lộ trình thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty theo Quyết định ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, Bộ Xây dựng sẽ thực hiện bán toàn bộ 38,58% vốn tại Viglacera. Trong trung và dài hạn, Viglacera hướng tới trở thành tập đoàn kinh tế, phát triển ở hai lĩnh vực chủ chốt là bất động sản và vật liệu xây dựng. Tổng công ty dự kiến sẽ chi tổng cộng 2.800 tỷ đồng đầu tư vào hai lĩnh vực này. Đối với bất động sản, Viglacera phát triển hai mảng hoạt động kinh doanh chính là nhà ở và đầu tư hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ khu công nghiệp.
Trước đó, hồi cuối tháng 3/2023, Công ty cổ phần Địa ốc First Real (mã FIR) đã thông qua việc góp vốn thành lập Công ty cổ phần Đầu tư FQ Việt Nam. Theo đó, Đầu tư FQ Việt Nam có vốn điều lệ 120 tỷ đồng, First Real sẽ góp hơn 64,3 tỷ đồng, tương đương 53,61% vốn điều lệ. Công ty này có trụ sở chính tại số 81 đường Lam Sơn, phường Tân Thạnh, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, hoạt động trong lĩnh vực khám, chữa bệnh.
Theo ông Hà Thân Thúc Luân, Tổng giám đốc First Real, qua nghiên cứu thị trường, Công ty nhận thấy nhu cầu khám chữa bệnh của người dân miền Trung (Quảng Nam, Quảng Ngãi) rất lớn, nhưng hệ thống khám chữa bệnh cũng như cơ sở vật chất thiếu thốn. Cùng với hệ thống bệnh viện đa khoa chuyên sâu, First Real dự kiến sẽ xây dựng các phòng khám, lấy Tam Kỳ làm trung tâm và mở rộng ra Quảng Ngãi, Đà Nẵng.
Nỗ lực thích ứng với khó khăn
Chia sẻ tại Hội thảo “Gỡ vướng địa ốc - Thúc đẩy tăng trưởng” do Báo Đầu tư tổ chức giữa tuần trước, ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc R&A DKRA Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản như một cỗ máy quay đều, doanh nghiệp bất động sản cũng vậy, có lúc vận hành suôn sẻ nhưng có lúc lại bị trục trặc, đứt gãy một vài mắt xích, nếu không có sự thay đổi, thích ứng kịp thời thì sự đổ vỡ sẽ không còn là nguy cơ.
Nếu không có sự thay đổi, thích ứng kịp thời thì sự đổ vỡ sẽ không chỉ là nguy cơ. Ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc R&A DKRA Việt Nam
Theo khảo sát toàn cầu năm 2022 của Deloitte, 70% công ty tham gia khảo sát cho biết đang cân nhắc thực hiện hai hoặc nhiều đợt thoái vốn trong 2 năm tiếp theo nhằm tăng cường khả năng phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Chuyên gia của Deloitte đánh giá, thoái vốn khỏi các lĩnh vực không phải hoạt động cốt lõi có thể giúp doanh nghiệp dễ dàng thích nghi và sẵn sàng ứng phó với các diễn biến phức tạp và khó đoán của nền kinh tế trong tương lai. Sau đó, khi đã quay trở lại giai đoạn tăng trưởng, doanh nghiệp có thể tính đến việc chuyển sang chiến lược M&A tấn công nhằm chuyển đổi mô hình mang tính chiến lược dài hạn hơn.
Theo bà Nguyễn Bích Ngọc, Giám đốc Sen Vàng Group kiêm sáng lập Realcom - Cộng đồng phát triển bất động sản Việt Nam, dù tái cấu trúc ở khía cạnh nào thì các doanh nghiệp đều nhằm mục đích hướng đến cắt giảm chi phí, tiết kiệm nguồn tiền, tối ưu nguồn lực. Tuy nhiên, bà Ngọc cũng lưu ý, việc cắt giảm chi phí, nhân sự... mà các doanh nghiệp địa ốc đang tiến hành hiện nay là cần thiết nhưng nếu “cắt quá đau” sẽ khiến sức khỏe của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, đặc biệt là trong thời điểm doanh nghiệp dễ bị tổn thương như hiện nay.
“Tôi cho rằng, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Bởi như đã chia sẻ, bản chất của tái cấu trúc là sự chủ động điều chỉnh linh hoạt và gia tăng khả năng thích ứng để sống sót trong mọi hoàn cảnh của doanh nghiệp, chứ không đợi đến khi bị dồn vào đường cùng mới tìm cách để chữa cháy”, bà Ngọc nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường