Doanh nghiệp vận tải biển kỳ vọng sự phát triển bứt phá mới
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp và kéo dài, các doanh nghiệp vận tải biển vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh rất tích cực trong năm 2021.
Đây cũng là tiền đề để các doanh nghiệp trong ngành kỳ vọng sẽ tiếp tục bứt phá, thiết lập mặt bằng lợi nhuận mới trong năm 2022 và những năm sau.
Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC – mã: MVN) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2021 khá ấn tượng với doanh thu đạt hơn 19.000 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2020. Lợi nhuận ước đạt 3.750 tỷ đồng, tăng gấp 5,5 lần kế hoạch đề ra.
Đáng chú ý, khối vận tải biển sau nhiều năm thua lỗ đã ghi nhận mức lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng bất chấp đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài. Năm 2021, sản lượng hàng hóa đội tàu VIMC đảm nhận ước đạt 23 triệu tấn. Trong khi đó, năm 2020, VIMC báo lỗ 874 tỷ đồng ở lĩnh vực này.
Về cảng biển, đây vẫn là lĩnh vực kinh doanh chủ lực, đóng góp lợi nhuận lớn vào tổng doanh thu của VIMC; trong đó, khối cảng biển đóng góp 65% lợi nhuận của VIMC, tương đương hơn 2.400 tỷ đồng.
Một số cảng có mức lợi nhuận cao như: Cảng Sài Gòn đạt 852 tỷ đồng (vượt hơn 214% so với kế hoạch 2021), Cảng Hải Phòng đạt hơn 732 tỷ đồng, vượt 9% so với kế hoạch, Cảng Quy Nhơn lãi 420 tỷ đồng, vượt hơn 162% so với kế hoạch…
Sản lượng hàng hóa thông qua cảng ước đạt 126 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, sản lượng hàng container ước đạt 5,4 triệu tấn.
Trước đó, Công ty cổ phần Vận tải và xếp dỡ Hải An (mã: HAH) cũng công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2021 khá tích cực. Trong đó, doanh thu đạt 1.900 tỷ đồng, tăng 59% so với năm 2020 và lợi nhuận sau thuế đạt 389 tỷ đồng, tăng 181%. Riêng quý 4/2021, HAH ghi nhận doanh thu 616 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2020 và lợi nhuận sau thuế 147 tỷ đồng, tăng 196%.
So với kế hoạch năm 2021 đã đề ra, HAH đã vượt 14% kế hoạch doanh thu và vượt 146% kế hoạch lợi nhuận. Công ty duy trì được đà tăng trưởng cao nhờ giá cước tăng và các hợp đồng cho thuê tàu mới.
Trong báo cáo cập nhật kết quả kinh doanh quý IV/2021 do Công ty cổ phần Chứng khoán SSI mới công bố, SSI ước tính tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của Công ty cổ phần Gemadept (mã: GMD) trong quý tiếp tục duy trì ở mức trên 50% so với cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh tích cực của Gemadept được hỗ trợ bởi tốc độ lấp đầy nhanh chóng của cảng Gemalink và tăng trưởng của khu vực cảng Hải Phòng, do sản lượng cảng Lạch Huyện đang chịu ảnh hưởng từ tình trạng cạn luồng do sa bồi. GMD dự kiến sẽ vượt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2021 (kế hoạch lợi nhuận trong kịch bản lạc quan năm 2021 là 700 tỷ đồng).
Trong quý IV/2021, SSI cũng ước tính Công ty cổ phần Container Việt Nam (mã: VSC) sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cao là 40%, nhờ biên lợi nhuận được cải thiện từ giá vốn hàng bán và dịch vụ thuê ngoài giảm. Sản lượng qua cảng của VSC cũng được hưởng lợi từ việc cảng Lạch Huyện giảm tốc do vấn đề về luồng, dự kiến vẫn chưa được giải quyết cho đến nửa đầu năm 2022.
Theo SSI, phần lớn các công ty trong ngành có mức tăng trưởng lợi nhuận cao và biên lợi nhuận được cải thiện trong năm 2021. Trong đó, các công ty vận tải biển có mức tăng trưởng lợi nhuận hàng đầu nhờ vào sự phục hồi bất ngờ trong thời gian dịch bệnh do gián đoạn chuỗi cung ứng.
Kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp vận tải biển cũng phần nào được phản ánh qua diễn biến giá cổ phiếu của ngành trong năm 2021. Theo thống kê của SSI, trong năm 2021, cổ phiếu các doanh nghiệp ngành cảng biển & logistics đã tăng tới 94%, cao hơn nhiều so với mức 36% của chỉ số VN-Index.
Các cổ phiếu vận tải biển có mức tăng giá tốt nhất bao gồm: HAH (+295%); VOS (+722%); VNA (+673%) và MVN (+205%). Hầu hết các cổ phiếu chính trong ngành đều có kết quả khả quan như GMD (+44%); VSC (+45%); SGP (+183%); PHP (+72%); và TMS (+142%). VTP là cổ phiếu có mức tăng giá kém khả quan hơn.
Giá cổ phiếu ngành cảng biển & logistics tăng mạnh trong 7 tháng đầu năm và chậm lại trong nửa cuối năm 2021 khi Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4.
Trong báo cáo triển vọng ngành cảng biển năm 2022, các chuyên gia của Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, giai đoạn quý IV/2021 và quý I/2022, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển vẫn phải chịu áp lực nhất định, khi đã qua giai đoạn cao điểm vận tải hàng hóa đường biển phục vụ nhu cầu mua sắm vào các dịp lễ cuỗi năm tại những thị trường tiêu thụ lớn.
Áp lực cũng đến từ việc nhân công về quê và nhiều khả năng chỉ quay lại sau Tết Nguyên Đán. Do đó, doanh nghiệp cần thêm một khoảng thời gian để tái cơ cấu nguồn lực.
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải hàng hải dự báo chịu áp lực không nhỏ trong năm 2022, do sự sụt giảm trong giá cước. Tuy vậy, VCBS cho rằng, nhóm doanh nghiệp vận tải biển sẽ thiết lập nền lợi nhuận mới trong giai đoạn tới.
Giai đoạn giá cước thuận lợi đã đem đến cho các doanh nghiệp vận tải container nguồn lực tài chính dồi dào cho kế hoạch đầu tư mở rộng đội tàu; qua đó, giảm thiểu áp lực đến kết quả kinh doanh trong giai đoạn giá cước sụt giảm.
Về dài hạn, VCBS cho rằng, dư địa tăng trưởng của các doanh nghiệp vận tải container Việt Nam vẫn còn khá nhiều. Nhất là khi doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam sở hữu lợi thế vượt trội và hưởng lợi từ nhu cầu lớn của hoạt động vận tải container nội thủy kết nối các điểm tập kết hàng hóa, cảng nội địa và cảng nước sâu. Hoạt động vận tải đường thủy đã thể hiện rõ nhiều ưu điểm so với vận tải đường bộ trong giai đoạn dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Việt Nam có vài trò ngày càng lớn, như một trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực với hệ thống cảng nước sâu quy mô lớn, giúp cải thiện vị thế của đội tàu container Việt Nam trên thị trường Đông Nam Á.
Đối với nhóm doanh nghiệp vận tải hàng rời, giai đoạn thị trường thuận lợi đã giúp các doanh nghiệp giảm mạnh lỗ lũy kế và đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu.
Cụ thể, cùng với các biện pháp thanh lý tàu cũ, tinh giản bộ máy và tái cấu trúc nợ với ngân hàng, sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp vận tải hàng rời đã được cải thiện mạnh mẽ và thu về nguồn lực quan trọng cho kế hoạch đầu tư trong các năm tới.
Các chuyên gia của SSI cho rằng, tình trạng tắc nghẽn cảng trên toàn cầu và năng lực vận chuyển container hạn chế khó có thể giải quyết trong ngắn hạn.
Theo SSI, giá cước vận chuyển container giao ngay dự kiến sẽ giảm dần trên thị trường quốc tế khi tình trạng tắc nghẽn giảm bớt (nhiều khả năng sẽ xảy ra trong nửa cuối năm 2022). Tuy nhiên, doanh thu thực tế của các công ty vận tải đến từ giá hợp đồng được ký vào đầu năm.
Do giá cước giao ngay vào cuối năm 2021 đã tăng gấp đôi so với cuối năm 2020, giá hợp đồng theo đó sẽ tăng đáng kể trong năm 2022. Điều này cũng sẽ giữ cho giá cho thuê tàu ở mức cao trong một thời gian dài và sẽ có lợi cho các công ty niêm yết.
Mặt khác, giá cước vận tải nội địa dự kiến sẽ tăng lên đáng kể, nhờ nhu cầu vận chuyển nội địa phục hồi từ mức thấp trong năm 2021, khi hoạt động sản xuất hồi phục trở lại.
Thêm vào đó, nguồn cung tàu đang khan hiếm, do một nửa đội tàu trong nước hiện đang ký hợp đồng cho thuê ra thị trường quốc tế. Tình hình này dự kiến sẽ kéo dài trong ít nhất 2 năm trước khi các hợp đồng cho thuê tàu kết thúc. Qua đó, sẽ có lợi cho tất cả các công ty vận tải có tàu container vận hành ở thị trường nội địa.
Ngoài ra, nhu cầu vận chuyển vẫn mạnh mẽ được thúc đẩy bởi nhu cầu tái dự trữ hàng tồn kho; tăng trưởng sản lượng cảng có thể cải thiện từ mức thấp trong năm 2021; hay đề xuất tăng giá dịch vụ cảng biển nếu được thông qua… sẽ là những yếu tố được kỳ vọng hỗ trợ tích cực cho ngành vận tải biển trong năm 2022./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận