24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Việt Dũng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Doanh nghiệp TP.HCM đề xuất mạnh tay kiềm chế giá để ổn định sản xuất

Đứng trước áp lực giá xăng, giá nguyên liệu đầu vào, chi phí logistics tăng cao, các doanh nghiệp đề xuất Nhà nước nên mạnh tay kiềm giá để ổn định sản xuất.

Giá xăng, nguyên liệu tăng nhưng giá bán không tăng

Ông Bùi Hữu Thiêm - đại diện Hội mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM cho biết, trong hai năm đối mặt với dịch bệnh Covid-19, ngành gỗ vẫn tăng trưởng bình quân 15%/năm. Đó là kết quả mà ngành đã rất cố gắng. Dù vậy, ngành gỗ cũng tương tự các ngành khác, đang lao đao vì chi phí tăng cao.

"Giá xăng dầu tăng dẫn đến các nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển tăng. Trong khi đó, doanh nghiệp khi bán hàng ra không đàm phán tăng giá được. Giá đầu vào thì tăng, nhưng giá đầu ra không tăng, gây khó khăn cho chúng tôi", ông Thiêm cho hay.

Doanh nghiệp TP.HCM đề xuất mạnh tay kiềm chế giá để ổn định sản xuất
Chi phí container luôn khiến các doanh nghiệp xuất khẩu đau đầu vì liên tục tăng, hiện chi phí container đi từ TP.HCM sang bờ đông nước Mỹ đã tăng gấp 10 lần. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ngoài giá xăng tăng - vấn đề chung ngành nào cũng gặp phải thì theo ông Thiêm, logistics là khoản doanh nghiệp gỗ đau đầu nhất. Hiện Mỹ và EU là hai thị trường chính của ngành gỗ trong nước. Thế nhưng, chi phí container đi từ TP.HCM sang bờ đông nước Mỹ đã tăng gấp 10 lần.

Theo ông Thiêm, ngành gỗ cũng đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề. Cuộc cạnh tranh càng thêm gay gắt hơn khi nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam với vốn đầu tư khá lớn, khả năng thu hút lao động có tay nghề cao hơn so với các doanh nghiệp trong nước.

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM, cho hay đơn hàng xuất khẩu hiện tăng 10-30% nhưng nhiều doanh nghiệp có khả năng không đạt lợi nhuận bởi chi phí cao trong khi giá bán không thể tăng.

Theo ông, giải pháp quan trọng nhất để kéo giảm chi phí là tìm kiếm chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu giá rẻ nhưng đến nay, vẫn chưa doanh nghiệp nào tìm được.

Cần mạnh tay kiềm chế giá để ổn định sản xuất

Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất, nhiều nhà bán lẻ cũng đang đau đầu trước áp lực giá cả hiện nay, rất có thể một mặt bằng giá mới lại xuất hiện do chi phí đầu vào tăng cao.

Đại diện Lotte Mart cho biết, thực tế, ngay từ đầu năm nay, siêu thị nhận khá nhiều yêu cầu tăng giá từ đầu năm đến giờ của nhà cung cấp vì giá cả nguyên liệu đầu vào lẫn giá xăng tăng liên tục. Đây là tình trạng chung của một loạt nhà bán lẻ lớn gặp phải.

"Chúng tôi đang cân nhắc, đàm phán thương lượng với các nhà cung cấp. Với vai trò nhà bán lẻ, chúng tôi mua và phân phối cho người tiêu dùng, nên phụ thuộc nhiều nhà cung cấp. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cố gắng thương thảo kìm hãm sự tăng giá tối đa nhất có thể", vị này nói. Đại diện Hội mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM đề xuất nhà nước cần mạnh tay hơn nữa để kiềm chế vấn đề tăng giá, giữ bình ổn giá, khi đó, kéo theo sản lượng được bình ổn.

Về vấn đề logictis, đứng ở góc độ nhà nước cần có hỗ trợ, đàm phán đối với các đơn vị vận tải, các nước để làm sao có được nguồn lực mạnh, có thể nói chuyện được với các đối tác. Mặt khác, cần hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ để chuyển đổi số hiệu quả, hỗ trợ tổ chức các hội chợ trong và ngoài nước.

Doanh nghiệp TP.HCM đề xuất mạnh tay kiềm chế giá để ổn định sản xuất
Các doanh nghiệp đề xuất Nhà nước nên mạnh tay kiềm giá để ổn định sản xuất. Ảnh: Hồng Phúc

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM - ông Nguyễn Phước Hưng xác nhận hiện nhiều doanh nghiệp đã đạt được sự hồi phục. Động lực tăng trưởng của nền kinh tế đang được kỳ vọng vào sự lan tỏa của đầu tư công cùng chương trình phục hồi, phát triển sản xuất và xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo ông, yếu tố mới giá xăng dầu tăng cao kéo theo chi phí sản xuất, logistics tiếp tục tăng lên, cũng còn không ít doanh nghiệp thiếu lao động, tuyển dụng lao động mới rất khó khăn, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó khăn về vốn… Tất cả đã làm giảm bớt phần nào kỳ vọng của doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết hiệp hội sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp liên kết với nhau… Song song đó, ông cũng cho rằng các doanh nghiệp phải xác định việc tự thân vận động.

Trong khó khăn, nhiều doanh nghiệp đang cắt giảm chi phí, nhận diện xu thế, định vị đối tác, thị trường, sáng tạo, đổi mới sản phẩm, chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử để hoạt động hiệu quả hơn trong bối cảnh mới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả