Doanh nghiệp sẽ phá sản nếu gói cứu trợ chưa được giải ngân trong tháng 4
Nếu trong tháng 4/2020 không nhận được tiền hỗ trợ, thì nhiều doanh nghiệp sẽ phải phá sản.
- Ông đánh giá như thế nào về các gói cứu trợ mà Chính phủ Việt Nam đang tung ra trong thời gian qua?
Hiện nay, Chính phủ đã công bố 3 gói cứu trợ chính là gói tín dụng 300.000 tỷ đồng, gói tài khóa 180.000 tỷ đồng và gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, tổng cộng khoảng 542.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 8% GDP của Việt Nam. Đây được xem là mức hỗ trợ vừa phải đối với nền kinh tế, nếu so với gói cứu trợ 2.200 tỷ USD của Mỹ hiện đang tương đương với khoảng 10% GDP của Mỹ.
Hiện mới chỉ có gói hỗ trợ tín dụng trị giá 300.000 tỷ đồng đang được giao cho các ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai. Nhưng đây không phải gói của Chính phủ mà Chính phủ giao cho NHTM tham gia, nghĩa là gói 300.000 tỷ đồng được các NHTM dùng vốn của mình để hỗ trợ doanh nghiệp, chứ không phải tiền của ngân sách.
Việc các ngân hàng phân bổ gói cứu trợ này ra sao là tùy vào các kế hoạch của họ, bởi họ không phải cơ quan hỗ trợ của Chính phủ. Do vậy, gói tín dụng này có quy mô lớn, nhưng lại rất giới hạn trên thực tế. Do đó, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận gói tín dụng này, do các ngân hàng dùng cho rất nhiều mục đích khác nhau như khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất... nhưng tất cả các biện pháp đó chủ yếu dành cho các khách hàng của họ, đặc biệt là những khách hàng còn có khả năng trả nợ. Còn đối với những khách hàng mới, hiện các ngân hàng cũng không thể cho vay được, do các doanh nghiệp này đang có rủi ro cao không trả được nợ.
Tôi thấy rằng, về số lượng, các gói cứu trợ của Việt Nam đã khá đủ, nhưng cần triển khai giải ngân ngày để cứu doanh nghiệp, nếu không, doanh nghiệp sẽ phải ngừng hoạt động ngay. Và hiện tại theo con số thống kê của VCCI, trong quý 1/2020, đã có 35.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản. Con số này, theo tôi, đến nay phải lớn hơn nhiều.
Điều này cho thấy thực trạng rất ảm đạm của các doanh nghiệp khi thị trường đóng cửa. Còn những doanh nghiệp đang hoạt động đều trong tình trạng chật vật, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
- Theo ông, cần có giải pháp cấp bách nào để giúp doanh nghiệp thoát khỏi nguy cơ phá sản, đặc biệt là các DNNVV?
Theo tôi, hiện nay các doanh nghiệp nói chung và DNNVV không thể trông chờ vào ngân hàng. Bởi để vay được từ ngân hàng, cần phải đáp ứng rất nhiều điều kiện, mà như tôi đã nói ở trên, hiện ngân hàng không thể cho vay rộng rãi được.
Theo tôi, có 3 việc mà Nhà nước cần thực hiện ngay để cứu doanh nghiệp. Thứ nhất, Bộ Tài chính có thể đưa ra một phương pháp nào đó để chuyển ngay tiền hỗ trợ đến tận tay các hộ kinh doanh, các DNNVV đang lao đao. Thu nhập của doanh nghiệp đã xuống mức rất thấp, trong khi tất cả các chi phí thuê mặt bằng, lương người lao động, thuế phí, nợ trả ngân hàng đang cần được thanh toán. Chẳng hạn như Mỹ có cách đơn giản là phát hành séc Chính phủ tới từng công người...
Tuy nhiên, hiện nay cần tổ chức lại Quỹ bảo lãnh tín dụng của mỗi địa phương với nguồn vốn do từng địa phương quy định cho phù hợp. Bởi vì nguồn vốn của quỹ thì ít, mà xét đơn bảo lãnh khó khăn không khác gì ngân hàng, do quỹ bảo lãnh phải kinh doanh sao cho bảo toàn vốn do Chính phủ giao.
Bên cạnh những giải pháp trên, cũng có thể áp dụng các biện pháp khác như giảm thuế, miễn thuế cho doanh nghiệp trong khoảng ít nhất 1 năm. Ngoài ra, có thể dùng các quỹ tín dụng nhân dân để cho các hộ nông dân, doanh nghiệp tại địa phương được vay.
- Một trong những yếu tố quan trọng để triển khai nhanh gói cứu trợ của Chính phủ là dữ liệu doanh nghiệp, tuy nhiên hiện nay nhiều hộ kinh doanh vẫn chưa đăng ký kinh doanh. Vậy ông có đề xuất gì để củng cố nguồn dữ liệu này để có thể sử dụng hiệu quả thời điểm hiện tại và tương lai?
Hiện đã có những dữ liệu doanh nghiệp từ VCCI, Bộ Công thương, nhưng không đầy đủ, đây chỉ là một phần trong các đơn vị kinh doanh trên toàn quốc. Trong số các DNNVV và hộ kinh doanh thì số lượng hộ kinh doanh rất lớn, trong khi đó nhiều hộ không đăng ký hoạt động. Và hiện rất nhiều hộ kinh doanh đang chênh vênh trước đại dịch, nhưng chúng ta không có dữ liệu về điều đó.
Tôi cho rằng, cần mở một chương trình đăng ký, mở các văn phòng tại thành phố lớn để các hộ kinh doanh, doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh, thời gian hoạt động. Và cùng với đó cần có bộ tiêu chí để sàng lọc những hộ kinh doanh, doanh nghiệp có hoạt động thực sự, từ đó cấp cho họ một số tiền tức thời để vượt qua khó khăn hiện nay.
Dĩ nhiên, sẽ có vấn đề nếu không thận trọng, sẽ tạo ra tình trạng tham nhũng, những đối tượng không nằm trong diện hỗ trợ lại nhận được tiền, và bản thân các hộ kinh doanh cũng có thể lợi dụng để khai khống các cơ sở đang kinh doanh để trục lợi nhiều hơn. Cho nên cần một bộ sàng lọc rõ ràng để trợ giúp số tiền thực sự đến tay những người có nhu cầu.
- Thưa ông, nếu không kịp thời cứu doanh nghiệp thoát khỏi đại dịch này, sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế?
Vấn đề đặc biệt của nền kinh tế Việt Nam là cứu vớt các doanh nghiệp ngay bây giờ. Bây giờ cần cứu họ thoát khỏi tình trạng phá sản. Nội trong tháng 4 này, tiền phải đến tận tay doanh nghiệp, nếu ngoài tháng 4 sẽ có rất nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động.
Khi rất nhiều doanh nghiệp rời khỏi thị trường, sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của nền kinh tế hậu đại dịch khi thiếu hụt nguồn lao động sản xuất để tái tạo lại nền kinh tế mạnh mẽ, nhanh chóng
Đây là thiệt hại không chỉ đối với doanh nghiệp mà còn tác động rất lớn đến nền kinh tế, nếu chúng ta không ra tay cứu doanh nghiệp.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận