Doanh nghiệp niêm yết nỗ lực hóa giải khó khăn quý III
Lường trước kết quả kinh doanh quý III/2021 không mấy khả quan, nhưng nhiều doanh nghiệp nỗ lực cơ cấu lại hoạt động để hoàn thành kế hoạch năm.
Kém lạc quan với lợi nhuận quý III
Lãnh đạo Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp, mã DIG) cho biết, lợi nhuận quý III/2021 của doanh nghiệp chỉ tương đương bình quân 2 quý đầu năm. Như vậy, dự kiến 3 quý đầu năm 2021, DIG ước đạt khoảng 180 tỷ đồng lợi nhuận, đạt khoảng 13% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Kinh doanh bất động sản vốn là mảng đóng góp tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của DIG, song theo lãnh đạo Công ty, dịch bệnh bùng phát trong quý III/2021 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động bán hàng (chuyển nhượng căn hộ dự án Gateway Vũng Tàu, chuyển nhượng căn hộ dự án CSJ và chuyển nhượng quyền sử dụng đất dự án Nam Vĩnh Yên).
Dịch bệnh cũng là lý do khiến kết quả kinh doanh tháng 8 của Công ty cổ phần Dệt may Thành Công (mã TCM) lao dốc mạnh. Theo đó, trong tháng, doanh nghiệp dệt may đóng tại tâm dịch Đông Nam Bộ chỉ đạt 10,5 triệu USD, tương đương 238 tỷ đồng, giảm mạnh 23% so với cùng kỳ năm 2020; lỗ sau thuế 282.425 USD, tương đương 6,4 tỷ đồng.
Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị TCM cho biết, trong tháng 9, Công ty vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Việc sản xuất theo phương thức “3 tại chỗ” khiến chi phí của Công ty tăng vọt, trong khi năng suất lao động giảm do phải đảm bảo giãn cách xã hội để phòng dịch.
Lũy kế 8 tháng đầu năm, TCM ghi nhận doanh thu 106 triệu USD, tương đương 2.406 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ, nhưng mới đạt 59% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 5,48 triệu USD, tương đương 124 tỷ đồng, giảm 24,4% so với cùng kỳ, đạt 44,4% kế hoạch năm.
Tương tự, Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (mã BMP) cho biết, dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp trong quý III/2021. Công ty chỉ duy trì công suất hoạt động tương đương 15 - 20% giai đoạn bình thường, khiến doanh thu chỉ đạt khoảng 20% quý trước đó. Thêm vào đó, áp lực giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh đã ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.
Quý II, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao là nguyên nhân chính khiến BMP chỉ lãi sau thuế 42 tỷ đồng, giảm 73% so với cùng kỳ.
Tại Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR), sau 6 tháng đầu năm tích cực với khoản lãi 3.311 tỷ đồng, dự báo quý III/3021, lợi nhuận sẽ sụt giảm mạnh.
Việc tiến hành giãn cách kéo dài tại Hà Nội và 19 tỉnh, thành phố phía Nam khiến nhu cầu tiêu thụ xăng dầu giảm mạnh, các thương nhân đầu mối giảm/dừng nhận hàng khiến hàng tồn kho của BSR tăng cao. Công ty đã phải giảm công suất nhà máy xuống còn 90% (mức công suất kỹ thuật tối thiểu) từ đầu tháng 8.
Thống kê của Fiinpro cho thấy, tính chung trong nửa đầu năm 2021, các doanh nghiệp niêm yết đã hoàn thành 58,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.
Đây là tỷ lệ hoàn thành cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, nhưng chủ yếu do lợi nhuận cao đột biến tại một số ngành có tỷ trọng vốn hóa vừa và nhỏ, nhờ hưởng lợi ngắn hạn từ dịch Covid-19, bao gồm thép, logistics, vận tải thủy, phân bón, may mặc, bán lẻ, dầu khí.
Trên thực tế, có tới 8/19 ngành có tỷ lệ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm thấp hơn 50% do suy giảm sức cầu tại thị trường trong nước và nước ngoài khi dịch Covid-19 bùng phát. Tác động này sẽ hiển thị rõ hơn khi các doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý III/2021.
Ngay trong cùng một ngành, mức độ chịu ảnh hưởng của đại dịch cũng sẽ khác nhau. Đơn cử, đối với nhóm ngành thực phẩm, các doanh nghiệp được hưởng lợi là xuất khẩu gạo và đường, trong khi các doanh nghiệp sản xuất sữa, thức ăn chăn nuôi, dầu ăn và sản xuất thịt đối mặt với áp lực từ giá nguyên liệu đầu vào tăng…
Theo chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán VNDIRECT, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đang kéo dài, phức tạp sẽ tác động đáng kể đến lợi nhuận toàn thị trường trong quý III/2021.
Mặc dù lợi nhuận ngành vận tải và bán lẻ hồi phục tích cực trong quý II/2021 (tăng 171% và 61% so với cùng kỳ), các biện pháp giãn cách xã hội diện rộng sẽ làm gián đoạn đà phục hồi trong quý III/2021 của các ngành này.
Doanh nghiệp tìm cách bù đắp lợi nhuận
Dù mới đi được chặng đường nhỏ so với mục tiêu lợi nhuận năm sau 3/4 thời gian, song ông Nguyễn Quang Tín, Giám đốc Tài chính DIG cho biết, “hiện tại, doanh nghiệp chưa tính đến việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh”.
Hiện tại, doanh nghiệp chưa tính đến việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Ông Nguyễn Quang Tín, Giám đốc Tài chính DIG
Thừa nhận kế hoạch lợi nhuận năm nay tăng hơn 60% so với năm 2020 là áp lực rất lớn đối với Ban lãnh đạo Công ty, nhưng ông Tín tiết lộ, lợi nhuận quý IV/2021 có thể được bù đắp từ hoạt động chuyển nhượng dự án cấp 2 cho các đối tác.
Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô, 8 tháng đầu năm, Công ty thu hồi vốn từ hoạt động bất động sản đạt 63% kế hoạch năm, chủ yếu đến từ tiền thu theo tiến độ các căn đã bán tại dự án Hado Charm Villas. Việc giãn cách xã hội ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công và triển khai bán hàng của dự án.
Đến nay, dự án đã hoàn thiện xây thô hơn 100 căn biệt thự, tập trung chủ yếu vào các căn đã mở bán 2 đợt vừa qua, nhằm đảm bảo điều kiện bàn giao cho khách hàng. Do mảng bất động sản ít nhiều chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh nghiệp đã đẩy mạnh tiến độ phát điện thương mại 3 nhà máy năng lượng tái tạo trọng điểm trong quý III/2021.
Cụ thể, Nhà máy điện gió 7A của Tập đoàn vừa hoàn thành đóng điện và phát điện thương mại 3 tuabin gió đầu tiên với tổng công suất 12,6 MW, hoàn thành mục tiêu nâng tổng công suất phát điện lên 444 MW và mức doanh thu bán điện ước tính đạt gần 2.000 tỷ đồng/năm.
Điện gió 7A là 1 trong 3 nhà máy điện gió về đích đầu tiên trên tổng cộng 106 nhà máy điện gió đăng ký công nhận ngày vận hành thương mại trước ngày 31/10/2021. Các tuabin còn lại được gấp rút hoàn thành thí nghiệm, chạy thử để đóng điện trong tháng 9.
Đầu tháng 9, dự án thủy điện Sông Tranh 4 đã chính thức phát điện thương mại tổ máy đầu tiên với công suất 24 MW. Hiện tổ máy số 2 đang được gấp rút hoàn thiện thủ tục phát điện, dự kiến vận hành thương mại trong tháng 9/2021.
Thủy điện Đăk Mi 2 đã lắp đặt hoàn chỉnh 2 rotor tổ máy số 1 và số 2, rotor tổ máy số 3 cũng đang được tập hợp các thiết bị, chuẩn bị cho công tác lắp đặt hoàn thiện. Nhà máy tiến hành tích nước từ ngày 10/9/2021 và dự kiến phát điện thương mại tổ máy số 1 trong tháng 9.
Ðể thích ứng với đại dịch Covid-19, một điểm thay đổi lớn trong phương thức kinh doanh của nhiều công ty là tăng cường các hình thức giao dịch online với khách hàng, với nhân viên, thay vì tiếp xúc trực tiếp như trước khi có dịch.
Ông Đoàn Văn Quang, Phó tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (mã SVC) cho biết, hiện Công ty đang tập trung đánh giá mức thiệt hại, đồng thời thực hiện tái cấu trúc bộ máy, nhân sự và các giải pháp kinh doanh theo hướng tinh gọn, công nghệ hóa và chuyên nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và giảm chi phí sản xuất.
“Ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh quý III/2021 là điều chúng tôi đã lường trước, nhưng bây giờ, chúng tôi tập trung tìm cách để giảm ảnh hưởng nhất có thể và cố gắng nỗ lực hơn trong quý IV/2021 khi TP.HCM nới lỏng giãn cách”, ông Quang nói.
Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết đã chủ động tăng cường tỷ lệ tiền mặt trong cơ cấu tổng tài sản để đảm bảo duy trì thanh khoản, duy trì trạng thái hoạt động phù hợp để khi dịch bệnh đi qua có thể nhanh chóng phục hồi kinh doanh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận