Doanh nghiệp như "ngồi trên đống lửa" vì di chứng của các đợt bùng phát dịch Covid-19
Hoạt động trở lại những ngày đầu năm Nhâm Dần, bên cạnh sự lạc quan về hồi phục của nền kinh tế trong năm mới, các doanh nghiệp vẫn kỳ vọng Chính phủ có thêm chính sách tạo thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh…
Theo kết quả khảo sát gần 130.000 doanh nghiệp (DN) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện vừa qua cho thấy có tới 86% DN bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Doanh thu của các DN vì thế cũng giảm mạnh, xuống còn 74,1% so với cùng kỳ năm trước.
Vì vậy, những ngày đầu năm mới Nhâm Dần, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, lãnh đạo các DN đều kỳ vọng có thêm các chính sách thuận lợi hơn.
Covid-19 khiến doanh nghiệp phải chủ động hơn
Ông Lê Bá Linh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Pacific Foods (Q.1, TP.HCM), cho hay, trong hoàn cảnh hiện nay khi dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, bất kỳ DN nào cũng phải tự tìm "chiêu" để đối phó với khó khăn mà đại dịch Covid-19 gây ra.
"Việc bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn thu, một cách nào đó cũng buộc các DN phải có biện pháp ứng phó kịp thời, và thực tế chứng minh đã có rất nhiều cách làm hiệu quả", ông Linh nói.
Theo ông Linh, thông lệ hằng năm, đầu năm là thời điểm thuận lợi cho các DN mới quyết định gia nhập thị trường, còn DN đang hoạt động thì lên phương án tăng tốc sản xuất, kinh doanh thực hiện các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận theo kế hoạch. Nhưng tình hình này thì các DN cũng sẽ như "ngồi trên đống lửa" vì những di chứng mà các đợt bùng phát dịch Covid-19 đã diễn ra ở nhiều địa phương, trong đó xuất khẩu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nhưng, chính các tác động từ dịch Covid-19 đã tạo ra nhận thức mới, xu hướng chuyển dịch trong thị hiếu tiêu dùng, giao dịch thương mại mới trên nguyên tắc từ xa, hạn chế tiếp xúc; xuất hiện các ngành nghề kinh doanh trực tuyến mới dựa trên kinh tế số... tạo ra thay đổi về cầu đối với một số sản phẩm, dịch vụ thiết yếu như chế biến thực phẩm, y tế…
"Đây cũng là cơ hội cho các DN tận dụng để tái cơ cấu sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị mới, nhìn nhận, sát hạch lại năng lực thực sự, sức chống chịu, thích ứng trước biến cố thị trường.
Từ đó rà soát, đánh giá, cơ cấu lại nguồn nguyên vật liệu, khách hàng và tìm ra hướng đi mới chủ động hơn. Chủ động xây dựng phương án đổi mới mô hình sản xuất, chiến lược kinh doanh mới nhanh chóng nắm bắt tín hiệu, nhu cầu mới của thị trường", Chủ tịch HĐQT Công ty CP Pacific Foods, đúc kết.
Mong chính sách thông suốt
Bà Lý Thanh Phong, Giám đốc Công ty TNHH 3D Hub Global (Q.Tân Phú, TP.HCM) cho biết, DN kỳ vọng trong năm mới nếu Nhà nước ra chính sách mới gì thì cần cho DN thời gian hợp lý để chuẩn bị.
Bởi, để thay đổi bất kỳ điều gì từ DN là vấn đề không phải nói là có thể làm ngay… vì khi chính sách nhất quán, có lộ trình thì DN mới trở tay kịp, chứ kiểu 'đẽo cày giữa đường' sẽ khiến DN rất lúng túng.
"May mà trong thời gian dịch bệnh vừa qua, công ty đã có chiến lược lâu dài nên cũng đã ra phương án kịp thời để ứng phó. Nếu không sẽ rất khó khăn", bà Phong nói.
Cũng theo bà Phong, sau 2 năm dịch Covid-19 phức tạp, các DN gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, vì thế rất cần có chính sách ưu đãi về thuế, cũng như sự quan tâm sát sao của Nhà nước để hỗ trợ vốn hợp lý theo quy mô từng công ty… Từ đó, các công ty vừa nhỏ ở Việt Nam mới có cơ hội vực dậy được.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH gỗ VAM Furniture (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), cho biết, nếu diễn biến dịch có thể tiếp diễn thì DN mong muốn Nhà nước vẫn tiếp tục mở cửa kinh tế bằng các chính sách ''sống chung với dịch''.
Mặt khác, để khuyến khích người lao động quay lại làm việc, hoặc tiếp tục duy trì công việc trong điều kiện dịch bệnh, DN đề xuất nhà nước xem xét các gói hỗ trợ trực tiếp cho người lao động thông qua trung gian DN.
"Khi người lao động được hưởng lợi họ sẽ tích cực lao động, DN gián tiếp được hưởng lợi và nền kinh tế nói chung cũng hưởng lợi, xã hội hưởng lợi", ông Tuấn nói.
Còn theo ông Lê Bá Linh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Pacific Foods, trong năm mới Nhâm Dần vẫn là không ngừng cải tiến nhằm cho ra sản phẩm với mẫu mã đẹp nhất, để có cơ hội xuất hiện trên bàn ăn của thực khách khắp nơi trên thế giới.
"Nhiệm vụ mà chúng tôi tự đặt ra cho mình là có thể đưa nước mắm đi khắp thế giới. Trong tương lai, đầu bếp và các chuyên gia ẩm thực có thể nói: Khi nấu món gì thì nên có ít nước mắm Việt Nam sẽ ngon hơn", ông Linh nói.
Ngoài ra, ông cũng kỳ vọng, sản phẩm nước mắm của Pacific Foods có thể đại diện cho đất nước chứ không phải chỉ cho riêng DN.
"Thế nên, Pacific Foods luôn sẵn sàng chia sẻ, làm cách nào để đưa nước mắm lên các sàn thương mại điện tử như Amazon, cho tất cả DN có nhu cầu", ông Linh bày tỏ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận