Doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn mua hàng từ các nhà sản xuất địa phương Việt Nam
Theo khảo sát của Jetro, tỷ lệ thu mua nguyên liệu, link kiện, phụ tùng của các công ty Nhật Bản tại Việt Nam đã tăng từ 28% cách đây 10 năm lên 37% vào năm 2022. Mặc dù tỷ lệ này đã tăng nhưng vẫn còn rất chậm…
Đó là thông tin ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (Jetro) đưa ra tại buổi họp báo và Ký thoả thuận hợp tác công bố tổ chức “Triển lãm Công nghệp hỗ trợ Việt Nam-Nhật Bản” (SIE) lần thứ 10 tại Hà Nội và “Triển lãm công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam (VME)" lần thứ 14, ngày 20/6.
Trưởng đại diện Jetro nhận định, trong thập kỷ qua (2013-2022), giá trị thương mại của Nhật Bản với Việt Nam đã tăng gần gấp đôi. Đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản vào Việt Nam năm 2022 tăng 12% so với năm trước với trị giá lên đến 4,559 triệu đô la Mỹ.
Đối với Việt Nam, Nhật Bản là đối tác rất quan trọng, đứng thứ 3 theo quốc gia về giá trị tích lũy và đứng thứ 2 về số lượng dự án đầu tư.
Theo khảo sát của Jetro, tỷ lệ thu mua nguyên liệu, link kiện, phụ tùng của các công ty Nhật Bản tại Việt Nam đã tăng từ 28% cách đây 10 năm lên 37% vào năm 2022. Mặc dù tỷ lệ này đã tăng nhưng vẫn còn rất chậm so với tốc độ phát triển kinh tế của hai nước.
Trong khi đó, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết Việt Nam hiện đã có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện nhưng chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động. Số doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hiện chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến – chế tạo.
Với sáng kiến nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, từ tháng 9/2003 Jetro đã tổ chức Triển lãm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản (SIE) luân phiên tại hai thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với sự hợp tác và ủng hộ của chính phủ Việt Nam.
Năm nay, tham gia khu vực gian hàng SIE có 22 doanh nghiệp trưng bày của Nhật Bản mong muốn được mua hàng từ các nhà sản xuất địa phương Việt Nam.
Đối với các đơn vị trưng bày của Việt Nam, 28 doanh nghiệp được tuyển chọn tham gia. Hầu hết các doanh nghiệp được chọn là những nhà sản xuất tiềm năng trong ngành công nghiệp hỗ trợ, sẽ tham gia trưng bày sản phẩm và giới thiệu năng lực cung ứng của doanh nghiệp mình tại triển lãm.
Ông Takeo Nakajima cho rằng hiện nay không chỉ doanh nghiệp Nhật Bản, mà tất cả các nhà đầu tư nước ngoài đều quan tâm đến tiến trình tự động hóa trong ngành công nghiệp sản xuất và các ngành phụ trợ.
“Việt Nam có kịp thời thay đổi, tạo nên những biến chuyển đột phá, giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp trọng điểm trong khu vực không? Làm thế nào để các doanh nghiệp có thể học hỏi lẫn nhau để bắt nhịp cùng các xu hướng chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo đang dần chiếm lĩnh thị trường?”, ông Takeo Nakajima đặt vấn đề.
Ông Vũ Trọng Tài, Tổng Giám đốc RX Tradex Việt Nam bổ sung, Việt Nam đã nổi lên như một cơ sở sản xuất thay thế Trung Quốc cho các nhà sản xuất chất bán dẫn toàn cầu, làm tiền đề để phát triển công nghiệp và công nghệ, đặc biệt là các lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo.
Do đó, để Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất trong khu vực Đông Nam Á, các công ty trong ngành công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ cần cùng nhau nỗ lực phát triển mạng lưới đối tác, phân phối kinh doanh, đồng thời thúc đẩy đưa các ngành công nghiệp hỗ trợ tăng trưởng, tạo nên sự bao phủ và tham gia mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Một trong các hoạt động xúc tiến thương mại tối ưu nhất chính là tham gia các triển lãm quốc tế, cầu nối giao thương quan trọng để các nhà sản xuất khám phá, cập nhật những giải pháp và công nghệ mới, cần thiết để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong thời điểm hiện tại, tìm kiếm những cơ hội kinh doanh tiềm năng trong tương lai.
Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, triển lãm chính là cơ hội rất phù hợp để kết nối với các nhà cung cấp và thị trường tiêu thụ trong nước, giúp tìm hiểu nhu cầu xuất nhập khẩu cũng như xu hướng sử dụng các thiết bị và giải pháp sản xuất linh kiện công nghiệp.
Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản” (Supporting Industries Exhibition - SIE)” lần thứ 10 tại Hà Nội và Triển lãm quốc tế về Công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam (Vietnam Manufacturing Expo - VME 2023) lần thứ 14 sẽ được diễn ra vào ngày 9-11/8/2023 tại Trung tâm Triển lãm I.C.E Hà Nội.
Triển lãm kép năm nay dự kiến sẽ thu hút hơn 200 nhà trưng bày, các đơn vị cung cấp và phân phối máy móc thiết bị tiên tiến đến từ gần 20 quốc gia và hơn 10.000 khách tham quan là các nhà sản xuất máy móc thiết bị, linh kiện, phụ tùng công nghiệp, gia công cơ khí, giải pháp tự động hóa, và những lĩnh vực liên quan khác.
Đặc biệt triển lãm lần này có sự xuất hiện lần đầu tiên của 2 khu gian hàng của 2 lĩnh vực mới là mối nối công nghiệp - Fastener Fair Việt Nam và Quy trình xử lý hậu cần và hạ nguồn – ViMAT.
Nhiều hoạt động sẽ được tổ chức xuyên suốt 3 ngày triển lãm để hỗ trợ các doanh nghiệp và khách tham quan trong công tác kết nối cùng các đại lý, nhà phân phối và đối tác kinh doanh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận