Doanh nghiệp kêu cứu vì sự phi lý trong quản lý đất đai: Lời cầu khẩn của nhà đầu tư trong cơn uất nghẹn
Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ có nguy cơ “tan gia” bởi dự án nhà máy giết mổ gia súc gặp quá nhiều tai ương trong quá trình triển khai từ những quyết định hành chính.
Hàng loạt dự án nhà chung cư thương mại gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý không chỉ khiến Nhà nước thất thu, chủ đầu tư thiệt hại tiền bạc, uy tín thương hiệu, mà người dân cũng bị tước đi quyền lợi. Thực tế tại các tỉnh phía Nam cho thấy, cần phải khẩn trương, quyết liệt hơn trong việc tìm ra và thực hiện giải pháp tháo gỡ, để môi trường đầu tư không bị ảnh hưởng, nhất là trong giai đoạn hàng chục ngàn doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19 như hiện nay.
Lời cầu khẩn của nhà đầu tư trong cơn uất nghẹn
Không chỉ bất động sản, các doanh nghiệp lĩnh vực khác cũng khốn khổ khi dự án “đụng” tới đất đai, kể cả dự án được khuyến khích. Theo đó, Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ có nguy cơ “tan gia” bởi Dự án Nhà máy giết mổ gia súc An Hạ.
Con mương nhỏ làm cả dự án lớn tê liệt
Bà Nguyễn Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ (Công ty An Hạ) bật khóc tức tưởi khi kêu cứu tới chúng tôi. Dự án Nhà máy giết mổ gia súc An Hạ diện tích hơn 30.000 m2 tại huyện Củ Chi, TP.HCM của Công ty bị tê liệt ngay khâu đầu tiên (thủ tục pháp lý về giao đất) gần 23 tháng trời tính từ ngày 23/7/2018 là ngày Công ty nộp hồ sơ xin thuê đất, giao đất. Trong khi đó, từ năm 2018, mỗi tháng, Công ty phải trả lãi suất cả tỷ đồng.
Chi tiết vụ việc như sau: Trong Quy hoạch Hệ thống các cơ sở giết mổ giai đoạn 2011-2015, UBND TP.HCM “lệnh”, đến cuối năm 2013, tất cả các cơ sở giết mổ gia súc thủ công hiện hữu phải chấm dứt hoạt động và kêu gọi đầu tư giết mổ công nghiệp tập trung vì an toàn sức khỏe người dân. Với 4 đời làm nghề giết mổ gia súc, nhưng chỉ ở quy mô cơ sở, theo quy hoạch này, bà Thắm cùng họ hàng quyết định dùng hết tiền của để làm nhà máy giết mổ công nghiệp hiện đại.
Tháng 7/2017, UBND TP.HCM phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy giết mổ gia súc An Hạ của Công ty An Hạ với công suất giết mổ 3.000 con/ngày, tổng vốn đầu tư gần 237 tỷ đồng. Ngoài việc dốc hết vốn liếng gia đình, vay thêm người thân và ngân hàng, bà Thắm cùng lúc tiến hành 3 việc: làm thủ tục thành lập nhà máy; thi công hạ tầng và nhập 6 dây chuyền giết mổ cùng máy móc phục vụ pha lóc, đóng gói trị giá cả trăm tỷ đồng từ Brazil, Mỹ, Nhật Bản; lắp đặt xong hệ thống xử lý nước thải với công nghệ được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Sau khi tiến hành kiểm định, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho rằng, trong hơn 30.000 m2 Dự án Nhà máy giết mổ gia súc An Hạ được doanh nghiệp mua bằng “tiền túi” và cấp sổ đỏ, có hơn 387 m2 là đất công xen kẹt (gồm 179,8 m2 mương với chiều ngang chỉ hơn 1 m và 207,3 m2 đường bờ với chiều ngang hơn 2 m), nên buộc phải… đấu giá.
Sau nhiều tham khảo chuyên môn, tháng 5/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM có Báo cáo số 4343/STNMT-QLĐ đề xuất UBND TP.HCM cho phép Công ty An Hạ được sử dụng đất công xen kẹt và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định để Dự án được nhanh chóng triển khai. Nhưng Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến lúc bấy giờ cho rằng, chưa đủ điều kiện để UBND TP.HCM cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp đơn vị liên quan hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện lại quy trình thủ tục.
Tháng 7/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường đã gửi văn bản kiến nghị UBND TP.HCM cho phép Công ty An Hạ được sử dụng đất công xen kẹt và thực hiện nghĩa vụ tài chính. Nhưng UBND TP.HCM lại giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với sở, ngành liên quan rà soát lại pháp lý của hồ sơ. Tới tận tháng 2/2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư mới gửi công văn đề nghị UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến hướng dẫn về thực hiện giao/thuê đất đối với phần đất công xen kẹt.
Tháng 6/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 4856 gửi UBND TP.HCM cho rằng, không phải xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường. Lý do là, nhiều dự án khác ở TP.HCM cũng dính tới đất dạng xen kẹt này và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có ý kiến liên quan, nên Sở mới làm căn cứ để xác định đề xuất giao đất. Nhưng UBND TP.HCM vẫn không thay đổi yêu cầu.
Sau khi Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) có công văn trả lời: “UBND cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất và cho chủ đầu tư thuê đất để thực hiện dự án đối với diện tích đất đó”, tháng 12/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đề nghị UBND TP.HCM xem xét, chấp nhận đối với phần diện tích đất đường, mương dự án của Công ty An Hạ vì “diện tích nhỏ, phần đất này phục vụ hoạt động sản xuất, không phải phục vụ xây dựng nhà ở và không có cơ sở thực hiện bán đấu giá”.
Nhưng mãi tới tháng 6/2020, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong mới chấp thuận chủ trương giao phần diện tích hơn 387 m2 đất cho Công ty An Hạ thực hiện dự án. Như vậy, chỉ bởi phần đất công xen kẹt là kênh mương, dù cơ quan chuyên môn có 4 văn bản tham mưu, UBND TP.HCM vẫn khiến dự án tê liệt ngay khâu đầu tiên (thủ tục pháp lý về giao đất) suốt gần 23 tháng.
“Chết đứng” vì buộc trả tiền thuê đất hàng năm
Vừa được giải cứu cho sử dụng đất xen kẹt, Công ty An Hạ lại “chết đứng” khi nhận được Quyết định số 3845/QĐ-UBND ngày 14/10/2020 do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan ký buộc doanh nghiệp phải thuê đất hình thức “đóng tiền thuê đất hàng năm”, trong khi doanh nghiệp muốn trả tiền thuê đất một lần cho suốt thời gian thuê.
Quyết định của UBND TP.HCM gây ngạc nhiên cho doanh nghiệp, bởi quy định Luật Đất đai 2013 cùng Nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan cho phép doanh nghiệp được quyền lựa chọn một trong hai hình thức đóng tiền thuê đất hàng năm hoặc một lần cho cả thời gian thuê.
Sự khác biệt lớn giữa 2 hình thức đóng tiền thuê đất này là, với hình thức trả tiền thuê đất hàng năm, người sử dụng đất không được quyền chuyển nhượng, thế chấp, tặng cho, góp vốn… bằng quyền sử dụng đất, mà chỉ được thực hiện các hoạt động liên quan đến tài sản trên đất. Trong khi đó, đối với đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, người sử dụng đất có thể chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, góp vốn, thế chấp bằng quyền sử dụng đất.
Theo bà Thắm, sở dĩ doanh nghiệp lựa chọn hình thức trả tiền thuế đất một lần cho cả thời gian sử dụng với chi phí cao hơn trả tiền hàng năm là vì tổng vốn đầu tư dự án hơn 300 tỷ đồng, do Dự án tê liệt suốt nhiều năm qua mà không có doanh thu, trong khi mỗi tháng, Công ty An Hạ phải trả hơn 1 tỷ đồng tiền lãi, nên kiệt quệ. Nếu được thuê đất trả tiền một lần, Công ty có thể thế chấp thì mới có lực để triển khai hoàn thiện nhà máy.
Cần lưu ý, đất dự án thực chất là tài sản của Công ty An Hạ, chứ không phải đất sạch do chính quyền thu hồi giao cho doanh nghiệp. Bà Thắm cho rằng, với quyết định buộc thuê đất trả tiền hàng năm, UBND TP.HCM đã tước đi không chỉ quyền được chọn hình thức trả tiền thuê đất, mà cả quyền quyết định tài sản của mình.
Đóng xong tiền thuê đất hàng năm, lại không được ký hợp đồng
Chìa lá đơn kêu cứu vừa gửi tới cơ quan chức năng, bà Thắm uất nghẹn cho hay, tới ngày 23/2/2021, Công ty nhận được thông báo yêu cầu nộp tiền thuê đất hàng năm, chậm nhất 30 ngày kể từ ngày ký thông báo. Vốn liếng tài sản cả gia tộc cùng tiền vay ngân hàng đã đổ vào Dự án, tức đã “cưỡi lưng cọp”, bà Thắm phải đi vay ngoài và tới ngày 24/2/2021, Công ty An Hạ đã nộp đủ số tiền trên vào ngân sách nhà nước. Sau đó, Công ty lên “xin” Sở Tài nguyên và Môi trường ký hợp đồng cho thuê đất, bởi theo quy định, phải có hợp đồng này, Công ty mới có thể thực hiện các thủ tục tiếp theo để xây dựng nhà máy, đồng thời có thể lấy lại tiền đã ký quỹ để đầu tư.
Tuy nhiên tới giờ này, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vẫn chưa ký hợp đồng cho doanh nghiệp thuê lại… đất của mình. “Chúng tôi đã đổ hết vốn liếng, tài sản vào dự án, đồng thời phải vay mượn hàng trăm tỷ đồng nhập khẩu máy móc, thiết bị và làm trước hạ tầng để đảm bảo đúng tiến độ UBND TP.HCM đề ra. Công ty đã kiệt quệ lắm rồi, đến bờ vực phá sản rồi. Chúng tôi gần như không còn tinh thần nữa rồi. Vì sự sống còn của doanh nghiệp, chúng tôi thiết tha xin các cấp, ngành trung ương, địa phương cứu giúp!”, bà Thắm cầu khẩn.
Tiếp tục phá sản quy hoạch giết mổ công nghiệp tập trung
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM vừa có Văn bản số 327/SNN-KHCN ngày 25/2/2021 kiến nghị UBND TP.HCM cho các cơ sở giết mổ gia súc được tồn tại đến ngày 31/12/2021.
Lý do là, vướng mắc về thủ tục pháp lý chưa được giải quyết, nên không chỉ Dự án Nhà máy giết mổ gia súc An Hạ, mà nhiều dự án giết mổ công nghiệp khác chậm tiến độ hoặc còn chờ xử lý như Nhà máy Chế biến Thực phẩm Tân Hiệp của Hợp tác xã Tân Hiệp; Nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH-MTV; Nhà máy giết mổ gia súc của Công ty TNHH Thực phẩm Lộc An; Nhà máy Chế biến thịt an toàn và dinh dưỡng của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thịt an toàn và Dinh dưỡng…
Như vậy, đây là lần thứ 5 kế hoạch dẹp cơ sở giết mổ của TP.HCM bị phá sản. Trước đó, trong Quy hoạch Hệ thống các cơ sở giết mổ giai đoạn 2011-2015, chính quyền “lệnh” đến cuối năm 2013, tất cả các cơ sở giết mổ gia súc thủ công hiện hữu phải chấm dứt hoạt động, nhưng không được. Tới năm 2016, UBND TP.HCM có Quyết định 2032/QĐ-UBND gia hạn đến cuối năm 2017, nhưng vẫn không xong. Hạn lại được thay đổi đến ngày 30/9/2019 rồi lùi tới ngày 31/12/2020.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận