24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đoan Trang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Doanh nghiệp ICT bội thu từ thị trường nước ngoài

Điểm sáng trong bức tranh ICT năm 2022 là việc các doanh nghiệp Việt gặt hái quả ngọt từ hầu hết thị trường nước ngoài.

Doanh nghiệp ICT bội thu từ thị trường nước ngoài

Những “lần đầu tiên” ấn tượng

Cánh chim đầu đàn trong đầu tư ra nước ngoài là Viettel đã có một năm chói sáng. Theo đó, doanh thu dịch vụ viễn thông nước ngoài của Viettel lần đầu tiên trong lịch sử cán mốc gần 3 tỷ USD, tăng trưởng gần 21%, giữ vững mức tăng 2 con số trong 6 năm liên tiếp, cao hơn 6,8 lần mức tăng trưởng trung bình trên thế giới và đang tiệm cận với doanh thu dịch vụ viễn thông trong nước.

Trong đó, doanh thu đầu tư quốc tế của Viettel năm 2022 đạt 106% kế hoạch. Mức tăng trưởng dịch vụ tài chính điện tử của các thị trường nước ngoài là 85%, gấp 6,5 lần mức bình quân thế giới. Tốc độ tăng trưởng về thuê bao ví điện tử là 71%, cao gấp 6 lần so với tốc độ trung bình của thế giới. Năm 2022, Viettel đạt lợi nhuận trước thuế là gần 188 triệu USD, đạt 130% kế hoạch. Đặc biệt, dòng tiền về nước là 445 triệu USD, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Riêng với thị trường Peru, dòng tiền chuyển về nước của Bitel đạt 202,5 triệu USD, cao kỷ lục từ trước đến nay.

Sau 16 năm đầu tư ra nước ngoài tại 10 thị trường quốc tế, Viettel đang giữ vị trí số 1 tại Lào, Campuchia, Myanmar, Đông Timor và Burundi. Các thị trường châu Á có bước tăng trưởng đột phá về thuê bao cố định băng rộng. Tại châu Phi, Viettel dẫn đầu về tăng trưởng thuê bao di động.

Còn FPT, sau 23 năm phát triển thị trường nước ngoài, năm 2022, lần đầu tiên FPT đạt mốc doanh số 1 tỷ USD từ thị trường quốc tế, tăng trưởng trên 30%. Trong đó, tính đến tháng 11/2022, thị trường châu Mỹ tăng trưởng nhanh nhất với mức tăng hơn 48%, thị trường châu Á - Thái Bình Dương tăng hơn 47%, thị trường Nhật Bản tăng 27%. Năm 2022, FPT mở mới hàng loạt các văn phòng tại các thị trường Mỹ, Đan Mạch, Thái Lan, Nhật Bản… nâng lên 22 trung tâm phát triển phần mềm, trung tâm nguồn lực tại 27 quốc gia trên toàn cầu.

“Đặc biệt, doanh thu từ chuyển đổi số chiếm gần 1/2 tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài. Cùng với cộng đồng các công ty CNTT Việt Nam, giờ đây FPT đã đưa Việt Nam xếp thứ 2 trên bản đồ số, sau cường quốc phần mềm Ấn Độ”, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT chia sẻ.

Một doanh nghiệp phần mềm khác là Rikkeisoft, kết thúc năm 2022, đã trở thành doanh nghiệp công nghệ số quy mô 1.600 nhân sự đến từ 10 quốc gia. Trong đó, Rikkei Japan hiện có 1.000 nhân sự và là doanh nghiệp ICT Việt lớn thứ 2 tại Nhật Bản.

Trong khi đó, ông lớn ngành game VNG năm 2022 đã phát hành thành công 12 tựa game tại 7 thị trường quốc tế. Đến hết năm 2022, VNG đã và đang vận hành 80 tựa game ở 15 thị trường trên thế giới với số lượng dùng thường xuyên là hơn 20 triệu người…

Hay như CMC năm 2022 ước đạt doanh thu thuần 8.600 tỷ đồng, vượt 24% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt, lĩnh vực kinh doanh quốc tế, doanh thu CMC tăng trưởng 75%. Trong đó, Dự án S2K do CMC Global triển khai mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng đạt 150 triệu USD, giúp CMC đứng top đầu trong các dự án xuất khẩu phần mềm lớn nhất Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, năm 2022 là năm các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tấn công mạnh mẽ thị trường nước ngoài, đi đầu tư kinh doanh và chuyển đổi số cho các nước phát triển như Mỹ, Nhật...

“Không đi ra nước ngoài, không cạnh tranh, không chinh phục, không có doanh thu từ thị trường nước ngoài, thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển có thu nhập cao được”, ông Hùng đánh giá.

Cần hỗ trợ xây dựng cộng đồng Go Global

Các doanh nghiệp ICT đi ra nước ngoài hiện nay đều “tự lực cánh sinh” khai phá thị trường từ rất nhiều năm trước. Họ phải tự làm quen với thị trường, học văn hóa bản địa, cạnh tranh với các đối thủ… Vì vậy, điều doanh nghiệp đi ra nước ngoài mong muốn nhất là có sự hỗ trợ của nhà nước, xây dựng cộng đồng đầu tư tại các quốc gia trọng điểm.

Ông Nguyễn Văn Khoa cho rằng, để phát triển công nghệ số Việt Nam phục vụ nhu cầu trong nước và tiến ra nước ngoài, yếu tố quan trọng nhất là cần có cộng đồng các doanh nghiệp công nghệ số. Cần có các bài toán lớn về số hóa cũng như thúc đẩy ngoại giao trong lĩnh vực công nghệ để doanh nghiệp Việt có cơ hội tiến ra quốc tế.

“Chúng tôi đi nước ngoài thấy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam rất yếu, nên Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINISA) muốn trở thành người đồng hành của doanh nghiệp Việt Nam mang kinh nghiệm, bài học có được để phục vụ Việt Nam”, ông Khoa, Chủ tịch VINISA nói.

Còn ông Hoàng Tuấn Hải, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ VMO Holdings, doanh nghiệp đang hoạt động tại các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Singapore và Thái Lan đề xuất, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ chính sách hỗ trợ mở văn phòng và đầu tư ra nước ngoài.

“Việt Nam cần xây dựng các trung tâm, văn phòng công nghệ tại những thị trường lớn thế giới nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam kết nối với nước ngoài”, ông Hải đề xuất.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Viết Lâm, Phó tổng giám đốc Rikkeisoft đã đề xuất với Bộ Thông tin và Truyền thông về các chương trình hợp tác, xúc tiến đầu tư trong nước và quốc tế. Cụ thể, tạo các diễn đàn xúc tiến hợp tác với các đối tác lớn của nước ngoài để trao cơ hội “thực chiến” cho các doanh nghiệp trẻ trên thị trường nước ngoài. Ngoài ra, hỗ trợ khâu mở các văn phòng đầu tư ở nước ngoài, có bộ phận hỗ trợ thông tin cho các doanh nghiệp.

Đồng thời, bên cạnh việc doanh nghiệp tự đào tạo và tuyển dụng như hiện nay, Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông có chiến lược chính sách kết nối doanh nghiệp với hệ đào tạo chính quy, kiến tạo nguồn nhân lực đáp ứng cho thị trường Global.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ mở chiến dịch hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài.

“10 năm tới sẽ là những chuyển dịch quan trọng: Từ công nghệ thông tin sang công nghệ số; từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số; từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số; từ gia công phần mềm sang Make in Vietnam; từ thị trường trong nước là chính sang thị trường quốc tế là chính”, ông Hùng nhận định.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả