Doanh nghiệp FDI chiếm thị phần lớn các ngành xuất khẩu nào của Việt Nam?
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) xuất khẩu hàng hóa mang về 88,8 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước (YoY).
Kết quả kim ngạch của nhóm doanh nghiệp FDI cũng chiếm tới 71% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm.
Doanh nghiệp FDI tại Việt Nam xuất khẩu ra thế giới 28 mặt hàng. Các mặt hàng chiếm tỷ trọng cao vẫn là các nhóm hàng điện tử với tổng 45 tỷ USD cho 3 mặt hàng điện tử lớn nhất. Cụ thể, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 20,9 tỷ USD, tăng 33% YoY; đứng sau là điện thoại và linh kiện với 18 tỷ USD, tăng 5% YoY; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 13 tỷ USD, tăng 6% YoY.
Các mặt hàng điện tử trên cũng chiếm tỷ trọng rất cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam. Theo đó, doanh nghiệp FDI chiếm tới 99% tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện của Việt Nam trong bốn tháng đầu năm 2024; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 97%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác với 88%.
Ngoài nhóm điện tử, doanh nghiệp FDi còn chiếm tỷ trọng lớn trong ngành may mặc. Trong đó, chiếm 80% tỷ trọng mặt hàng giày dép, đạt 5,34 tỷ USD; xơ sợi dệt các loại với 72%, đạt 1,02 tỷ USD; dệt may với 59%, đạt 6,22 tỷ USD.
Trong nhóm lâm nghiệp, gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 2,24 tỷ USD, tương ứng chiếm 45% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam; giấy và các sản phẩm giấy chiếm 50%, đạt 342 triệu USD. Doanh nghiệp FDI dù chỉ chiếm 3,7% tỷ trọng về xuất khẩu cao su (đạt 27 triệu USD) nhưng xuất khẩu sản phẩm từ cao su lại chiếm tới 75%, đạt 291 triệu USD.
Trong nhóm nguyên nhiên liệu, kim ngạch xuất khẩu hóa chất của FDI đạt 483 triệu USD, chiếm 52% tỷ trọng; sản phẩm từ hóa chất đạt 417 triệu USD, chiếm 48%; chất dẻo nguyên liệu đạt 607 triệu USD, chiếm 64%; sản phẩm từ chất dẻo đạt 1,28 tỷ USD, chiếm 62% tỷ trọng.
Trong nhóm nông sản, doanh nghiệp FDI không chiếm tỷ trọng lớn ở các ngành hàng như thủy sản (chiếm 9%, đạt 247 triệu USD) và rau quả (chiếm 9,5%, đạt 179 triệu USD).
Dù vậy, thị phần của doanh nghiệp FDI tại ngành hàng cà phê và hạt tiêu lại có xu hướng tăng. Cụ thể, nếu như 4 tháng đầu năm 2023, tỷ trọng kim ngạch của doanh nghiệp FDI đối với mặt hàng cà phê chiếm 34%, cùng kỳ năm nay lại tăng lên mức 37%. Tương tự, cùng kỳ năm trước tỷ trọng hạt tiêu đạt 23%, 4 tháng đầu năm nay tăng lên 29%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận