Doanh nghiệp 'dọa' bỏ trực vận hành cao tốc dịp 30/4
Không chỉ đơn vị vận hành cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây phản ánh bị nợ tiền phí, tại nhiều tuyến cao tốc khác tình trạng này đang diễn ra tương tự. Đại diện một doanh nghiệp cho biết sẽ cân nhắc rút toàn bộ nhân sự, thiết bị, máy móc, số điện thoại hotline ra khỏi đường cao tốc kể từ ngày 29/4 nếu không được các ban quản lý dự án của Bộ Giao thông vận tải thanh toán số tiền chậm trong gần 1 năm qua.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Công ty Cổ phần Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M) - cho biết đơn vị đang được giao quản lý, vận hành, khai thác tạm thời các tuyến cao tốc như Mai Sơn - Quốc lộ 45 (QL), QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu từ tháng 6 năm ngoái.
Tuy nhiên, sau gần một năm khai thác đến nay, chủ đầu tư các dự án (là các Ban quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đều chưa nghiệm thu, thanh toán các dịch vụ vận hành, quản lý cho doanh nghiệp. Điều này khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì các hoạt động.
Theo ông Sơn, hiện các tuyến cao tốc chưa có trạm thu phí nên doanh nghiệp đều phải bố trí nhân viên để trực chốt, tránh trường hợp người dân đi xe máy, hoặc xe quá tải đi vào cao tốc.
"Cứ một nút giao mỗi ngày phải có 6 người túc trực 24/24h, trong khi doanh nghiệp đang phải bố trí người tại 6 nút giao. Riêng tiền lương cho nhân viên, doanh nghiệp phải bỏ ra khoảng 300 triệu đồng/tháng, kéo dài từ năm ngoái đến nay. Chưa kể công tác vận hành, đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường trên toàn tuyến còn tiêu tốn lớn hơn, trong khi chưa nhận thanh toán đồng nào từ chủ đầu tư”, ông Sơn nói.
Lãnh đạo VEC O&M cho biết, đã có văn bản đề nghị Ban quản lý dự án Thăng Long, Ban Quản lý dự án 2 và Ban Quản lý dự án 6 (Bộ GTVT) sớm tổ chức cuộc họp, có ý kiến giải quyết và tháo gỡ các vấn đề vướng mắc.
“Nếu các chủ đầu tư chưa có ý kiến giải quyết các vấn đề trên, doanh nghiệp sẽ cân nhắc rút toàn bộ nhân sự, thiết bị, máy móc, số điện thoại hotline ra khỏi đường cao tốc kể từ ngày 29/4. Hiện, doanh nghiệp không thể tiếp tục duy trì thực hiện công tác quản lý, vận hành và bảo trì các đoạn tuyến cao tốc do gặp khó về tài chính”, ông Sơn cho hay.
Theo tìm hiểu, sở dĩ các chủ đầu tư chưa thể nghiệm thu, thanh toán chi phí vận hành và khai thác cho các doanh nghiệp lâm quản là do vướng mắc cơ chế về xác định nguồn kinh phí chi trả trong thời gian khai thác tạm. Trước đây, Nghị định 46 có nội dung xác định nguồn kinh phí trong thời gian bàn giao cho doanh nghiệp vận hành tạm thời, nhưng sau này Nghị định 06 ban hành thì chưa bổ sung.
Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết đang đề nghị các Ban Quản lý dự án hoàn thiện hồ sơ, bàn giao các tuyến cho Cục. Sau đó, Cục sẽ tiến hành đấu thầu lựa chọn các đơn vị vận hành, khai thác đủ điều kiện. Khi có đơn vị trúng thầu, Cục sẽ xem xét sử dụng quỹ của Nhà nước để chi trả cho các đơn vị.
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, dự kiến đơn vị sẽ tiến hành đấu thầu trong tháng 5 và từ 1/7 có thể có nhà thầu vận hành chính thức.
Trước đó, Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) - đơn vị vận hành tạm thời cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây phản ánh chưa được Ban Quản lý dự án Thăng Long (chủ đầu tư) thanh toán chi phí vận hành trong gần 1 năm qua với số tiền trên 10 tỷ đồng.
Điều này khiến doanh nghiệp không đảm bảo chi trả tiền lương và các chính sách bảo hiểm cho người làm việc, tiền điện chiếu sáng trên cao tốc…dẫn tới một đơn vị điện lực đã cắt điện trong thời gian 5 phút trên tuyến cao tốc.
Hiện Ban Quản lý dự án Thăng Long đã hoàn thiện hồ sơ để bàn giao cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cho Cục Đường bộ Việt Nam, dự kiến cuối tháng 4. Sau khi bàn giao, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ đấu thầu lựa chọn đơn vị quản lý, khai thác công trình.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận